Gia tăng tỷ lệ mắc bệnh rối loạn tâm thần trong cộng đồng
Bệnh nhân Lê Văn Quang đang điều trị tại Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên.

Đây là lần thứ tư trong năm nay, Ông Lê Văn Quang phải vào Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên để điều trị bệnh rối loạn tâm thần do thường xuyên sử dụng rượu.

Ông Lê Văn Quang - Phường Tích Lương, TP Thái Nguyên cho biết: "Tôi bị yếu, rối loạn thần kinh do uống nhiều rượu".

Đó chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng rượu và ma túy, còn gọi là rối loạn tâm thần do chất kích thích tại Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên. Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng chất kích thích như rượu và ma túy nhiều và lâu dài có thể gây ra rối loạn tâm thần kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, rất lâu sau khi chất kích thích đã ra khỏi cơ thể.

B.sĩ CK1 Trần Thị Định - Trưởng khoa nam, Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên cho biết: "Để mà giảm những rối loạn tâm thần thì điều quan trọng nhất nhà xây dựng một cuộc sống lành mạnh, thói quen sinh hoạt lành mạnh và hợp lý, giảm tất cả những lạm dụng như rượu bia, đặc biệt là ma túy".

Gia tăng tỷ lệ mắc bệnh rối loạn tâm thần trong cộng đồng

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên đã khám cho gần 4.300 lượt bệnh nhân mắc các bệnh liên quan ltới sức khỏe tâm thần. Điều trị nội trú cho 1744 lượt người bệnh nặng tại bệnh viện; quản lý và điều trị ngoại trú cho hơn 3.000 bệnh nhân ngoài cộng cồng. Đáng chú ý là, những năm gần đây, bệnh nhân trẻ đến khám, điều trị ngày càng gia tăng. Qua khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại 15 phường thuộc thành phố Thái Nguyên cho thấy số lượng người mắc chứng rối loạn tâm thần đang tăng nhanh, chiếm khoảng 30% trong số mắc bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần là bị trầm cảm.

B.sĩ Lê Thị Hà Giang - Trưởng phòng Kế hoạch, Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên cho biết: "Đối với những bệnh nhân mà mắc các bệnh trầm cảm tỷ lệ hiện nay cao chiếm từ 15 đến 20% tỷ lệ dân số, tức là trong 100 người có khoảng 15 đến 20 người bị bệnh trầm cảm và đặc biệt tỷ lệ cộng đồng. Có ba nguyên nhân chính là cái yếu tố về sinh học, về tâm lý và yếu tố về xã hội, 3 yếu tố này tác động qua lại với nhau dẫn tới bệnh trầm cảm. Để phòng tránh cái bệnh trầm cảm chính bản thân người bệnh phải có một kỹ năng để giải quyết khi đứng trước một vấn đề khó khăn, kèm theo nữa là phải có sự giúp đỡ và cái sự nâng đỡ của xã hội"

Theo số liệu thống kê của của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương khoảng 14 triệu người) có các bệnh lý về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng hang năm. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do con người làm việc suốt ngày đêm, bị áp lực công việc lớn kéo dài, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều.

Thống kê cũng chỉ ra rằng, các rối loạn tâm thần gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, cản trở đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia./.