Giảng dạy và nghiên cứu thích ứng an toàn với dịch bệnh
Hệ thống camera và âm thanh giúp các nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp song song với trực tuyến cho sinh viên.

Tính đến thời điểm này, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên còn số lượng lớn sinh viên đang ở các vùng dịch chưa thể trở về trường. Do vậy, từ năm học này, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera và âm thanh tại hơn 40 phòng học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp song song với trực tuyến cho sinh viên mỗi lớp.

TS Lê Xuân Hưng, Trưởng phòng Quản trị - Phục vụ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên thông tin cụ thể: “Phần chính là 1 bộ máy tính điều khiển trang bị kèm 2 camera, 1 cái hướng lên bảng ghi lại bài giảng, 1 cái quay xuống lớp hình ảnh các bạn sinh viên..Hệ thống âm thanh đảm bảo sao cho sinh viên học trực tuyến đều đảm bảo chất lượng tiếp thu bài giảng như sinh viên học trực tiếp”.

Không chỉ các hoạt động dạy và học, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cũng được nhiều trường tổ chức theo hình thức mới. Mới đây, hơn 40 giáo viên cấp THCS và THPT của 8 địa phương khu vực phía Bắc đã được tham gia bồi dưỡng kỹ năng “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh” theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Hình thức tập huấn này giúp các học viên được tương tác thực trong lớp học mô phỏng.

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Rất nhiều học viên sau khi tham gia khóa tập huấn đã để lại những phản hồi tưởng là trực tuyến khó mà lại còn thoải mái và dễ hơn học trực tiếp. Chúng tôi kết hợp những nền tảng số với nhau để giúp thu hẹp khoảng cách khi không thể gặp trực tiếp được”.

Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, đồng thời tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với giảng viên và sinh viên, qua đó góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục.