Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc
Ông Dương Minh Huệ, phường Mỏ Chè, TP Sông Công: “Chúng tôi đã có tuổi rồi, phải gương mẫu trong mọi việc..."

Cháu La Nguyễn Khánh An, Tổ 3, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên tâm sự: “Con thấy hạnh phúc nhất khi con và bố mẹ được ở bên nhau rất là vui vẻ”.

Anh Chu Đức Việt, TDP Làng Đông, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Luôn luôn giữ được tình cảm của 2 vợ chồng, chia sẻ những khó khăn cùng với nhau, cùng nhìn thấy nhau, cùng cố gắng phát triển lên, trong cuộc sống hôn nhân gia đình sẽ luôn có sự hạnh phúc”.

Tiến sỹ Lê Thị Ngân, Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa, Đại học khoa học, ĐH Thái Nguyên thì nhận định: “Hạnh phúc là khi mình được ở trong một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười yêu thương. Nếu trong một ngôi nhà vợ chồng, cha mẹ con cái yêu thương nhau thì sẽ có nhiều hạnh phúc khác từ hạnh phúc nhỏ nhoi đó”.

Quan niệm về hạnh phúc gia đình của mỗi người dù có khác nhau nhưng điểm chung nhất vẫn là sự yêu thương và sẻ chia để tạo nên một tổ ấm hạnh phúc, ngày nay trong xã hội hiện đại một số ít người đã dần quên đi trách nhiệm vun đắp hạnh phúc ấy, thế nhưng đâu đó quanh nơi ta sống nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ đang cố gắng mỗi ngày để xây dựng một mái ấm bình an.

Kể từ khi kết hôn và có với nhau một cô con gái, anh La Chính Duy luôn cân đối công việc để dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Cùng chia sẻ với vợ công việc, cùng vợ nấu cơm, cùng con chăm sóc vườn rau, dạy dỗ con học hành. Với anh đó là khoảng thời gian hạnh phúc sau những ngày làm việc căng thẳng.

Anh La Chính Duy, tổ 3, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Mỗi khi thu xếp được công việc về nhà để cả gia đình cùng xum vầy, làm những công việc hàng ngày thì mình cảm thấy rất là vui và qua đó thì tình cảm gia đình cũng rất ấm áp”.

Nhiều năm nay, dù bận rộn với công việc kinh doanh và con nhỏ nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Tú Uyên luôn duy trì bữa cơm gia đình mỗi ngày. Đây chính là khoảng thời gian hai vợ chồng chị cảm thấy trân quý nhất trong ngày để cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.

Chị Nguyễn Thị Tú Uyên, TDP Làng Đông, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên: “Bữa cơm gia đình với nhà tôi rất là quan trọng, khi làm việc xong về nhà thì 2 vợ chồng cùng nhau nấu cơm, chồng rất chia sẻ với mình. Trong bữa cơm của gia đình, 2 vợ chồng gắn kết được với nhau rất nhiều, mình cảm thấy rất hạnh phúc được chia sẻ, con cái được chăm sóc. Qua bữa ăn mình muốn giáo dục các con nề nếp, phong tục của mình để khi các con trưởng thành sẽ luôn có ý thức vun đắp hạnh phúc gia đình.”

Có thể thấy, hạnh phúc gia đình được hình thành qua những hành động, việc làm hàng ngày đó là: cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, các hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi, tâm sự, chuyện trò, vui chơi, gánh vác, hỗ trợ... Trong nhịp sống hiện đại, 2 chữ bình an và hạnh phúc không hề dễ đạt được, khi 2 vợ chồng đều đi làm, tham gia các hoạt động xã hội, cùng gánh vác trách nhiệm tài chính, nuôi dạy con cái và nhiều áp lực khác. Do vậy, để duy trì ngọn lửa hạnh phúc của gia đình đòi hỏi cần có sự chia sẻ và cố gắng từ mỗi thành viên.

Gia đình vừa là mái ấm, vừa là trường học đầu tiên để hình thành nhân cách của mỗi người, chính những thế hệ ông, bà, cha mẹ mẫu mực đã tạo nên thế hệ con, cháu thảo hiền. Những bài học về các giá trị đạo đức nền tảng chính là những nội dung kiến thức văn hóa đầu tiên mà trẻ được tiếp cận. Vun đắp những chuẩn mực gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người. Chính những người lớn tuổi trong nhà sẽ là những người thầy để hình thành nhân cách cho con trẻ.

Nhiều năm nay gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đào luôn là mẫu hình gia đình văn hóa biêu biểu ở địa phương. Dù gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống, song lúc nào cùng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc, các thành viên luôn hòa thuận, đoàn kết và có trách nhiệm vun đắp những giá trị tốt đẹp của gia đình.

Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đào: "...gia đình sống hòa thuận và dân chủ, thế hệ sau phải tôn trọng thế hệ trước"

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đào, TDP Gia Bẩy, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết: “Cái quan trọng nhất là ứng xử làm sao để cho tất cả con cháu, ông bà, các cụ được hòa hợp với nhau, không gây ra mâu thuẫn. Trước tiên chúng tôi giáo dục cho con cháu là phải tôn trọng lịch sử gia đình, truyền thống gia đình, đặc biệt trong giáo dục gia đình là phải thực hiện kính trên nhường dưới, bên trên không áp đặt các cháu, sống thật hòa thuận và dân chủ, thế hệ sau phải tôn trọng thế hệ trước”.

Vừa làm con dâu cũng vừa là mẹ chồng để duy trì mối quan hệ và ngọn lửa ấm của gia đình, ngoài việc yêu thương và chăm sóc mẹ chồng như chính mẹ đẻ, bà Hải con dâu ông Đào luôn coi con dâu như con gái của mình, thường xuyên lắng nghe, tôn trọng và cùng chia sẻ với con dâu trong công việc cũng như nuôi dạy con cái, luôn là tấm gương về sự hiếu thảo và thủy chung để con cái noi theo.

Bà Trương Hà Hải, TDP Gia Bẩy, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên: “Mình là người phụ nữ trong gia đình, mình chỉ nghĩ đơn giản là mình phải duy trì được tiếng cười trong gia đình, những bữa cơm ấm cúng có đông đủ các thành viên trong gia đình thì rất vui vẻ”.

Còn gia đình ông Huệ và bà Thắng ở phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công có 5 người con, 3 người con trai ở riêng nhưng cùng chung sống và sinh hoạt trong khoảng sân nhỏ, còn 2 người con gái đi lấy chồng vẫn thường xuyên qua lại thăm nom bố mẹ. Dù chung sân, chung cổng thế nhưng mối quan hệ giữa các chị em dâu trong nhà lúc nào cũng vui vẻ. Với ông Huệ, để duy trì nề nếp gia phong, thì văn hóa ứng xử trong gia đình, người lớn nêu gương, sống mực thước, là bí quyết giúp ông dạy con trở thành những người ngoan ngoãn, trưởng thành.

Ông Dương Văn Thậm, phường Mỏ Chè, TP Sông Công: “Bố mẹ luôn là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo. Gia đình tôi rất đông anh em, dù có những vất vả nhưng chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu, học tập để xây dựng gia đình và quê hương giầu đẹp; luôn hướng cho con cái giữ gìn truyền thống gia đình”.

Những bảng kê thành tích học tập, cảm nghĩ, cảm xúc và cả những băn khoăn về các vấn đề trong cuộc sống, về mối quan hệ giữa các thành viên được chia sẻ cùng nhau trong mỗi ngày họp mặt. Thành quả lớn nhất mà vợ chồng ông có được là các con cháu đều thành đạt, biết kính trên, nhường dưới, sống gương mẫu trong cộng đồng, được biết đến là "gia đình hiếu học", gia đình văn hóa tiêu biểu tại địa phương.

Ông Dương Minh Huệ, phường Mỏ Chè, TP Sông Công: “Chúng tôi đã có tuổi rồi, phải gương mẫu trong mọi việc, các con về đây chúng tôi dạy bảo, các con dâu, chị em dâu ở với nhau rất hài hòa, không có điều to, tiếng lớn gì. Chúng tôi thấy rất thoải mái”.

Cháu Dương Tiến Thịnh, phường Mỏ Chè, TP Sông Công: “Cháu rất tự hào về truyền thống của gia đình, ông bà luôn dạy cháu từ những điều nhỏ nhặt nhất; các cô, các chủ, các bác rất đoàn kết yêu thương nhau. Khi được sinh sống trong gia đình như vậy, cháu cảm thấy rất là hạnh phúc”.

Ngày nay, trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, rất nhiều những sai lệch các chuẩn mực trong các gia đình đã xuất hiện đang âm thầm biến đổi các giá trị truyền thống, sự cố kết bền chặt trong mỗi gia đình. Do vậy giáo dục gia đình gắn với quá trình nuôi dưỡng cẩn trọng sẽ định hình phẩm chất của con người từ những việc làm nhỏ nhất. Giá trị gia đình là nền tảng vững chắc hình thành nhân cách con người từ tấm bé, là thành tố quan trọng xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam với 5 chuẩn mực là lòng yêu nước, sự sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm và trung thực. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Việt Nam là căn cốt để hình thành nên hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hóa. Dù là xã hội truyền thống hay xã hội hiện đại, dù có thể có quan điểm khác nhau về lối sống, cách ứng xử, thì những giá trị cốt lõi, toàn cầu, nhân bản của gia đình đó vẫn là chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tình luôn được đặt lên hàng đầu. Ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” như lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn yêu thương và chia sẻ, dành nhiều thời gian để quan tâm chăm sóc ngay từ chính tổ ấm của mình, bởi gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc.

Dù xã hội có hiện đại đến mấy thì sự sẻ chia, đồng cảm giữa các thế hệ vẫn là yếu tố quan trọng nhất để gia đình đứng trước mọi bão táp phong ba. Trong cuộc sống mỗi người, ngoài sự nghiệp thành công, gia đình êm ấm, hạnh phúc vẫn là cái đích, là một giá trị bền vững mà ai ai cũng hướng tới. Khi mỗi gia đình trở nên tiến bộ, văn minh hạnh phúc hơn thì các hành vi không đẹp, không chuẩn mực, các hành vi bạo lực gia đình sẽ ngày càng giảm dần, và đó chính là nền tảng để xây dựng cộng đồng hạnh phúc, đất nước phồn thịnh, ngày càng giàu mạnh, phát triển./.