Gắn kết hợp tác xã với OCOP
Sản phẩm trà của Hợp tác xã Trà Sơn Dung, thành phố Thái Nguyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao

Hợp tác xã Nông nghiệp sạch của xã Tràng Xá được thành lập vào cuối năm 2019. Thời gian gần đây, việc nuôi ong lấy mật đang là một hướng đi mới cho người nông dân trên địa bàn xã. Đến nay, đã có 6 hộ thực hiện việc nuôi ong lấy mật, duy trì trên 120 tổ ong nuôi thường xuyên. Tuy số lượng đàn chưa lớn, nhưng các thành viên hợp tác xã luôn hướng đến yếu tố đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong sẽ là sản phẩm OCOP- sản phẩm đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết: “Địa phương cũng sẽ cố gắng hỗ trợ về các chính sách của Đảng, Nhà nước để chuyển đến người dân, đặc biệt là các hộ trong hợp tác xã; nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường”.

Với hơn 30 thành viên và đi vào hoạt động hơn 2 năm, Hợp tác xã Trà Sơn Dung đã có chỗ đứng nhất định trong thị trường. Hàng năm, Hợp tác xã xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước hơn 200 tấn chè thành phẩm, đem lại doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm. Với tiêu chí sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng chè sạch như 10ha trồng theo hướng VietGap, 5ha trồng theo hướng hữu cơ và 11ha trồng theo tiêu chuẩn UTZ, ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã đã chú trọng xây dựng sản phẩm ocop. Năm 2020, sản phẩm trà của Hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Gắn kết hợp tác xã với OCOP
Toàn tỉnh có gần 400 Hợp tác xã nông nghiệp và trên 50 sản phẩm của các đơn vị này được chứng nhận OCOP

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn Dung, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Hợp tác xã của chúng tôi quyết tâm có sản phẩm OCOP 5 sao. Khó khăn nhất là việc chúng ta phải xây dựng được 1 vùng nguyên liệu chuẩn; Chúng tôi sẽ một kế hoạch thật sự phải dài hơi trong vòng 5 năm”.

Đối với các hợp tác xã, chương trình OCOP sẽ khuyến khích và thúc đẩy các hợp tác xã đã được thành tập, chuyển phẩm có chất lượng cao hơn và ngày càng phát triển bền vững trên thị trường. Trên cơ sở đó, hoạt động của các hợp tác xã sẽ ngày càng hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 Hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của liên minh Hợp tác xã, toàn tỉnh đã có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Chúng tôi đã hỗ trợ các Hợp tác xã quảng bá, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP; đồng thời hỗ trợ vốn cho các đơn vị để ngày càng đa dạng sản phẩm OCOP của Hợp tác xã; Chúng tôi cũng khuyến cáo các Hợp tác xã, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP thì phải giữ vững chất lượng về lâu về dài”.

Có thể nói, với những địa phương sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" sẽ là nền tảng, cơ sở để xây dựng hoạt động, tổ chức của hợp tác xã; đồng thời sản phẩm cũng nhanh chóng hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển thương hiệu.