Gắn kết
Các trường nghề liên kết với doanh nghiệp theo 2 hình thức: Đào tạo theo đặt hàng, liên kết để gửi học sinh- sinh viên đến thực tập và sau đó tuyển dụng

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG hiện có 17 nhà máy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 16 nghìn lao động. Với định hướng phát triển của đơn vị, trung bình mỗi năm, công ty cần tuyển trên 2000 lao động. Nhằm chủ động nguồn nhân lực, thời gian vừa qua, công ty đã liên kết với các trường đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Thái Nguyên cho biết: “Đào tạo công nhân kỹ thuật trực tiếp làm việc thì công ty chủ yếu liên kết với trung tâm đào tạo nghề tại các huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ lao động - việc làm của Sở Lao động, Thương binh và xã hội. Nhờ đó mối liên kết đó mà nguồn nhân lực của công ty luôn được đảm bảo”.

Hiện đã có gần 200 doanh nghiệp trong, ngoài nước ký kết hợp tác gắn kết với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp đã tiếp nhận gần 5.000 học viên đến thực hành nghề. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đã đào tạo hơn 4.300 lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với tổng quy mô tuyển sinh trên 45.000 học viên/năm. Theo thống kê, 100% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong đó 80% được tuyển dụng theo đúng ngành nghề được đào tạo.

Ông Phan Văn Tư, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, Thái Nguyên thông tin: “Đối với nhà trường, các hình thức liên kết với doanh nghiệp chủ yếu có 2 hình thức: Đào tạo theo đặt hàng, liên kết để gửi học sinh - sinh viên đến thực tập và được trả lương thực tập. Khi kết thúc thì được các doanh nghiệp nhận vào làm việc”.

Ông Phan Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ, Thái Nguyên cho rằng: “Phải đưa ra mục tiêu đào tạo nghề làm sao học viên ra trường đáp ứng được với yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Và sau khi đào tạo xong thì các doanh nghiệp nhận người luôn”.

Để thực hiện hiệu quả công tác liên kết “3 nhà” trong công tác đào tạo nghề, công tác giới thiệu việc làm, thực hiện nhiệm vụ “cầu nối” giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề cũng rất quan trọng. Trên thực tế, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, hoạt động giới thiệu việc làm cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính căn bản để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Trong suốt thời gian qua, trung tâm luôn giữ vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Giúp người lao động có được thông tin về thị trường lao động, được tư vấn, hỗ trợ việc làm phù hợp; Đồng thời các doanh nghiệp có được lực lượng lao động phù hợp cho mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Để hoạt động giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả, lao động qua đào tạo nghề từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, mối liên kết "3 nhà" cần tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa. Theo đó, “Nhà nước” là trung gian điều phối, hỗ trợ. “Nhà trường” cần có kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn về hợp tác đào tạo và tuyển dụng; điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của “Nhà doanh nghiệp”.