Đưa công nghệ vào sản xuất nước sạch nông thôn
Chuyển đổi số trong quản lý khai thác an toàn, hiệu quả các công trình nước sạch đã giúp tăng doanh thu và giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 30%.

Sau khi ứng dụng phần mềm trên smartphone để nhập thông tin, số liệu và quản lý dữ liệu khách hàng trên môi trường số, tiến tới Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên sẽ sử dụng máy in nhiệt cầm tay để in hóa đơn, thanh toán điện tử cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Chị Nguyễn Hạnh Kiểm, Tổ trưởng Tổ Quản lý vận hành, Công trình Cấp nước Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết về sự tiện lợi: “Trước kia phải mang sổ sách rất cồng kềnh. Giờ chỉ việc mang điện thoại, đọc chỉ số xong là nhập vào máy. Ngày trước có thể phải sang cơ quan nộp sổ. Bây giờ, ở nhà đồng bộ số liệu rồi gửi sang cơ quan để in hóa đơn”.

Toàn bộ dữ liệu sau khi được nhập số sẽ truyền trực tiếp về máy chủ đặt tại Trung tâm. Vì vậy, thông tin sẽ được kiểm soát chặt chẽ, xử lý chính xác và tiết kiệm được thời gian, công lao động cho cả hệ thống. Trước đây, việc thu tiền và thanh toán tiền sử dụng nước phải qua 3 lần xuống hiện trường, thì nay, chỉ cần một lần cho cả việc kiểm tra thông số, thông báo cho khách hàng. Việc thanh toán cũng được thực hiện qua thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên cho biết: “Kế hoạch chuyển đổi số gắn liền với việc nâng cấp hệ thống trang thiết bị mới nhằm mục tiêu đáp ứng khai thác tối đa hiệu quả của công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và đảm bảo chất lượng nước, giảm sức lao động và giảm chi phí vận hành”.

Thời gian tới, bên cạnh hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, Trung tâm còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục ứng dụng, chuyển đổi số vào quản lý khai thác an toàn, hiệu quả các công trình để tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động và giảm tỷ lệ thất thoát còn dưới 30%.