Đợt lạnh ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?
Hình minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều ngày 12/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi vùng núi phía Bắc nước ta. Chiều tối và đêm ngày 12/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3; vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.

Từ chiều tối ngày 12/3, khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ trời chuyển rét; từ đêm 12 - 13/3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét; ngày 13/3, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ.

Từ bản đồ thời tiết mặt đất cho thấy bộ phận không khí cường độ khá mạnh đang tiến vào cửa ngõ biên giới phía Bắc nước ta, mưa đối lưu dạng quạt đang xuất hiện ở khu vực bên kia biên giới, hệ thống mây front lạnh cũng đang từ từ tiến vào Miền Bắc một cách toàn diện. Do tâm khối không khí lạnh đi xuống phía nam lần này tương đối lệch tây nên gradient khí áp mạnh, dẫn đến sức gió cũng mạnh.

Chịu ảnh hưởng đợt lạnh, chiều và đêm nay khí lạnh kèm mưa đối lưu sẽ đến và giảm nhiệt hầu hết Bắc Bộ, ngày 13/3 nhiệt độ sẽ giảm rõ rệt, trời rét. Trưa và chiều ngày 15/3, tác động của đợt lạnh hiện nay cơ bản sẽ kết thúc.

Dự báo, ngày 17-20/3 toàn khu vực mây thay đổi đến nhiều mây, ít nắng, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, độ ẩm tăng cao, nhiệt độ ôn hòa và biến động nhẹ. Vùng núi có lúc mưa nhỏ vài nơi đến rải rác, vùng Đồng bằng và ven biển có lúc mưa phùn nhẹ. Từ ngày 21-22 thời tiết Miền Bắc cải thiện, trời khô ráo hơn, toàn khu vực bước vào kênh tăng nhiệt ngắn hạn.

Đợt không khí lạnh đang diễn ra tác động xấu đến thời tiết trên biển. Từ chiều tối và tối ngày 12/3, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-3,0m, riêng Bắc Biển Đông 3,0-5,0m; biển động mạnh. Từ đêm 12/3, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-3,0m, biển động.

Từ chiều tối ngày 12/3 đến sáng ngày 13/3, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Từ đêm 12-14/3, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Ngày 11/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái vừa có công văn số 08/BCH-PCTT gửi thành viên ban chỉ đạo và UBND các huyện thị, thành phố yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các thành viên và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.

Ngoài ra, các địa phương cần sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.