Đồng Hỷ: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nơi có 100% con em đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đa số các em đều hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt.

Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nơi có 100% con em đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đa số các em đều hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt. Phần lớn do các em còn quen với phong tục tập quán, lối sống tự do, thiếu những kỹ năng giao tiếp xã hội, tâm lý nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh nơi đây như đã ban hành kế hoạch, phân công giáo viên biết tiếng Mông để trực tiếp giảng dạy, tập huấn cho các thầy, cô giáo để giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt.

Thầy giáo Phương Quang Tuấn, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi đã tăng cường tiếng Việt cho các em thông qua các hình ảnh để các em biết tên con vật, đồ vật đó, gợi ý cho các em để các em nói thành câu, để các em nói được tiếng Việt. Thứ hai là chúng tôi phải đi đến từng nhà các em, vận động bố mẹ các em nên nói tiếng phổ thông ở nhà để các em tăng cường được tiếng Việt".

Em Vương Lâm Nhi, học sinh lớp 5C, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ: "Con cảm thấy rất vui. Học tiếng Việt giúp có thể giao tiếp với tất cả mọi người và học tiếng Việt giúp con viết được những bài văn hay".

Đồng Hỷ: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Đến thời điểm hiện tại, 100% trẻ mầm non đã được tăng cường tiếng Việt; 100% trẻ được chuẩn bị tốt các điều kiện vào lớp 1.

Huyện Đồng Hỷ hiện còn 2 xã đặc biệt khó khăn là Tân Long và Văn Lăng. Việc học tập của học sinh có nhiều khó khăn, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số do vốn tiếng Việt còn hạn chế. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ, đảm bảo cho các em có kỹ năng giao tiếp cơ bản, để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp Tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Cô giáo Vũ Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Long, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện tốt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, nhà trường cũng đã triển khai tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt quan tâm đến các cô giáo trực tiếp tham gia giảng dạy tăng cường tiếng Việt tại Lân Quan và Mỏ Ba; tuyên truyền để các bậc phụ huynh nắm rõ sự cần thiết của chuyên đề tăng cường tiếng Việt".

Với việc thực hiện tốt Chuyên đề tăng cường Tiếng Việt, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 100% trẻ mầm non đã được tăng cường tiếng việt; 100% trẻ được chuẩn bị tốt các điều kiện vào lớp 1.

Đồng chí Đoàn Thị Huyền, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho 9 xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, đặc biệt quan tâm đến 2 xã đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số là Tân Long và Văn Lăng. Trong những năm vừa qua, huyện đã tổ chức được 5 chuyên đề cấp huyện. Ngoài việc tăng cường tiếng Việt, chúng tôi còn quan tâm giữ gìn tiếng mẹ đẻ, cũng như giữ gìn bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc trên địa bàn. Đối với cấp tiểu học, chúng tôi tăng cường với phương châm tăng thời lượng đối với chương trình tiếng Việt ở lớp 1, tăng các hoạt động giao lưu để trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp".

Sau 7 năm triển khai và thực hiện Đề án, đến thời điểm hiện tại, 100% trẻ mầm non đã được tăng cường tiếng Việt; 100% trẻ được chuẩn bị tốt các điều kiện vào lớp 1. Ngoài việc quan tâm đến việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường. Hiện tại 100% các trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của huyện./.