Phải nói rằng Afghanistan không phải là đội mạnh, nếu như không muốn nói họ vẫn thi đấu khá nghiệp dư, vì chỉ có những đội bóng nghiệp dư mới liên tục phạm lỗi trước khu vực 16m50 của đội nhà, như các cầu thủ Afghanistan vẫn phạm lỗi khi đá với Việt Nam.

Các cầu thủ phòng ngự lúc lâm trận đều được khuyến cáo nếu buộc phải phạm lỗi, hãy phạm lỗi càng xa khung thành, càng xa vùng cấm địa càng tốt. Bởi, những lỗi ngay trước khu vực 16m50 của đội nhà chẳng khác các pha bóng... tự xác, để đối phương khai thác những tình huống đá phạt với góc sút rộng và cự ly gần. Ấy thế mà Afghanistan toàn phạm lỗi ngay trước khu vực 16m50 của đội mình.

Đội bóng Trung Á trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam cũng phạm nhiều sai sót trong phòng ngự, đặc biệt là tình huống mà hậu vệ Afghanistan trượt chân để mất bóng ngay trung lộ, trước khi Văn Toàn cướp được, rồi xộc thẳng vào đối diện với thủ môn Afghanistan (pha này không thành bàn vì hàng loạt tiền đạo đội tuyển Việt Nam kết thúc không tốt).

doi tuyen viet nam va thoi quen chi da tot trong cac tran giao huu
Đội tuyển Việt Nam đá các trận giao hữu hay hơn các trận chính thức (ảnh: N.Đ)

Afghanistan không mạnh càng thể hiện khâu phối hợp của đội tuyển Việt Nam chưa nhuần nhuyễn. Chúng ta có quá nhiều đường chuyền sai địa chỉ, nhưng lại có quá ít pha bóng gây đột biến, làm bất ngờ hàng thủ đối phương.

Cũng có một chi tiết không thể không lưu ý, đó là dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam trong các trận giao hữu đá rất hay, phối hợp ban bật mạch lạc. Nhưng cũng thành phần ấy lúc bước vào trận đấu chính thức lại thường xử lý hỏng.

Đầu năm nay, đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng vượt qua U23 Malaysia 3-0 trên sân Thống Nhất, trước nữa chúng ta từng thắng CHDCND Triều Tiên cũng với cách biệt 3 bàn (5-2) ở một trận giao hữu khác. Các bàn thắng của đội tuyển trong những trận đấu đấy đều đến từ những tình huống đan bóng như dệt gấm thuê hoa.

Tuy nhiên, bước vào các trận đấu chính thức, thuộc các giải đấu chính thức, các pha đan bóng dạng vừa nêu không còn. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ ở các trận chính thức, đối thủ không cho các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng nhiều không gian và thời gian để phô diễn kỹ thuật như trong các trận giao hữu.

Lúc bị áp sát, các cầu thủ Việt Nam bộc lộ hạn chế về khả năng quan sát, khả năng xử lý bóng vừa nhanh vừa chuẩn, bộc lộ điểm yếu về thể lực và sức rướn trong các pha tranh chấp tay đôi, thậm chí có khi mất bình tĩnh.

Cũng do đội tuyển Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng thiếu đa dạng trong các miếng tấn công (ít sút xa, ít đá giãn biên, hầu như không sử dụng các tình huống không chiến), nên đối thủ càng dễ bắt bài, chỉ cần tập trung đông người ở trung lộ là đội tuyển Việt Nam bế tắc vì không còn phương án phụ nào khác.

Lúc đá giao hữu, các đối thủ của HLV Nguyễn Hữu Thắng không cần thiết phải dàn trận chặt chẽ như thế. Nhưng khi đá chính thức, họ chắc chắn phải bố trí đội hình khoa học hơn, dựa trên nền tảng thể lực được chuẩn bị tốt hơn.

Đấy là vấn đề mà HLV Nguyễn Hữu Thắng cần lưu tâm, nếu như không muốn đội bóng của mình chỉ là chuyên gia “trị” các trận... giao hữu.

Kim Điền