Đối với nhiều người Êđê, bến nước cũng có thần linh cư ngụ và cai quản. Do vậy, theo truyền thống, sau khi mùa màng kết thúc, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, người Êđê thường làm lễ cúng bến nước để tạ ơn các thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều may mắn cho người dân. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đây còn là biểu hiện sự coi trọng nguồn nước – sự sống của người Êđê.

doc dao le cung ben nuoc cua nguoi ede
Lễ cúng thực hiện tại bến nước, thầy cúng khấn cảm tạ thần nước và dâng lễ vật cúng.

Tiếng chiêng đồng vang lên rộn rã trong nhà cộng đồng buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, báo hiệu các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, thúc giục mọi người dân cùng tập trung lại để nghi lễ cúng bến nước được bắt đầu.

Già làng Y Bang Byă (aê Y Rắk) cho biết, đây là đặc trưng văn hóa của người Êđê đã có từ xưa. Theo đó, người Êđê thường lập buôn ở gần nguồn nước. Người Êđê rất tôn trọng và gìn giữ cho nguồn nước luôn trong sạch.

Hàng năm, sau khi kết thúc việc thu hoạch mùa màng, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, thường là vào tháng 3 dương lịch, cả buôn làng sẽ cùng tổ chức lễ cúng để cảm tạ thần nước đã phù hộ cho buôn có được nguồn nước trong lành để sử dụng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân được no ấm. Đây cũng là dịp để bà con trong buôn tụ họp, chia sẻ về đời sống, công việc sản xuất trong một năm đã qua.

Già làng Y Bang Byă nói: "Ngày lễ cúng bến nước là một truyền thống tốt đẹp của người dân tộc từ xưa tới nay. Hàng năm đều tổ chức mỗi năm một lần, thì đối với người dân rất phấn khởi và hồ hởi tham gia trong hoạt động này để bảo tồn những phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. Trong một năm một lần bà con gặp mặt nhau, giao lưu về văn hóa, giao lưu về cuộc sống và sản xuất về nông nghiệp".

doc dao le cung ben nuoc cua nguoi ede
Cúng sức khỏe cho gia đình chủ bến nước.

Theo phong tục của người Ê-đê, trước đây, khi muốn lập một buôn mới, chủ buôn, thường là người phụ nữ (đại diện cho quyền lực mẫu hệ của cộng đồng) cùng những người anh em trai của mình (gọi là dăm dei), làm lễ xin tổ tiên ông bà và các vị thần linh của núi rừng để tìm bến nước mới. Người tìm ra bến nước được mọi người trong cộng đồng gọi là chủ bến nước (pô pin êa). Khi buôn mới được lập, chủ bến nước là người đứng ra chủ trì công việc cúng bến nước.

Bà H’Rôl H’Đơk (aduôn Y Rắk), chủ bến nước buôn Ky cho biết, ngày nay, tùy vào điều kiện kinh tế của chủ bến nước và người dân trong buôn, lễ cúng bến nước có thể được tổ chức hàng năm hoặc vài năm một lần.

"Riêng ở buôn Ky từ xưa đến giờ dòng họ H’Đơk chịu trách nhiệm tổ chức lễ cúng bến nước. Có thể là hàng năm hoặc 2 năm một lần, 3 năm một lần tùy theo điều kiện kinh tế của chủ bến nước. Ý nghĩa của việc tổ chức lễ cúng bến nước là cầu cho dân làng được khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc và tất cả những khâu sản xuất đều đạt được sản lượng cao trong các vụ mùa. Riêng đối với dòng họ thì cũng có một ý nghĩa riêng đó là dòng họ nào duy trì tốt lễ cúng bến nước thì dòng họ được mạnh khỏe, con cháu đời đời phát triển và làm kinh tế, thuận tiện trong cuộc sống hàng ngày" - bà H’Rôl H’Đơk nói.

doc dao le cung ben nuoc cua nguoi ede
Sau nghi lễ cúng, các cô gái Ê-đê được phân công lấy nước từ bến nước mang về.

Để chuẩn bị lễ cúng, trước đó già làng, chủ bến nước họp bàn với dân làng phân công thanh niên làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Người dân trong buôn tùy điều kiện có thể đóng góp công sức, vật chất, tham gia nấu rượu cần, tập luyện đánh chiêng, chuẩn bị lễ vật cúng.

Lễ cúng bến nước diễn ra gồm 3 phần: cúng mời tổ tiên, ông bà về dự lễ (phat atâo), cúng đầu nguồn nước và cúng sức khỏe chủ bến nước. Mỗi phần lễ sẽ có lễ vật riêng là 1 con gà hoặc 1 con heo và 1 ché rượu cần. Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng khấn báo sự việc buôn tổ chức lễ cúng, mời tổ tiên, ông bà của chủ bến nước và các thần linh cùng về dự lễ. Sau đó, mọi người di chuyển ra bến nước đầu buôn, thầy cúng tiếp tục làm lễ cảm tạ thần nước, cầu an cho buôn làng và dâng các lễ vật lên thần nước.

Tại đây, sau khi lễ kết thúc, chị em phụ nữ được phân công sẽ lấy nước đưa về nhà cộng đồng để đổ đầy các ché rượu cho mọi người dân cùng thưởng thức. Sau khi kết thúc lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước, phần hội được tiếp tục trong tiếng chiêng rộn rã, tiếng cười nói, hỏi thăm nhau của những người dự lễ.

Tham dự lễ cúng bến nước tại nhà cộng đồng buôn Ky, chị H’Su Juê H’Đơk, cháu gái chủ bến nước cho biết, chị cảm thấy rất vui và tự hào khi dòng họ mình được cai quản và duy trì lễ cúng bến nước trong buôn. Tuy chịu ảnh hưởng của yếu tố thời đại nhưng các thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục lưu giữ nghi lễ này để con cháu được biết và bảo tồn.

Ngày nay, tuy đã được giản lược và điều chỉnh một số khâu tổ chức để phù hợp với điều kiện của mỗi buôn nhưng lễ cúng bến nước của người Êđê vẫn giữ được những nét độc đáo. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục mọi người trong buôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi đó là những báu vật của cả cộng đồng./