Doanh nghiệp và bài toán áp lực chi phí vốn sản xuất tăng cao
Doanh nghiệp Cơ khí Tân Lập vẫn duy trì được quy mô sản xuất và mở rông quy mô sản xuất.

Vượt qua những khó khăn từ tác động của dịch Covid - 19, 3 năm qua Doanh nghiệp Cơ khí Tân Lập không những duy trì được quy mô sản xuất, mà còn đang đầu tư mở rộng thêm một xưởng cơ khí, với quy mô gần 200 tỷ đồng. Trước thách thức về nhu cầu vốn tín dụng, doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư theo giai đoạn, đồng thời chủ động nguồn vốn tự có để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ông Bùi Xuân Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập cho biết: "Mình đã có đầu ra dự báo từ trước và đầu tư của mình là song song, cho nên trong quá trình đại dịch xảy ra không ảnh hưởng, thậm chí mình còn có cơ hội phát triển".

Còn đối với doanh nghiệp may mặc TNG, trong bối cảnh thị trường xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do diễn biến của tình hình thế giới và ảnh hưởng từ dịch Covid - 19, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm, doanh nghiệp không chỉ tập trung cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường mới, mà còn chủ động có nhiều giải pháp để huy động vốn và không bị phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nhờ đó, tính đến hết tháng 10, đơn vị đã về trước so kế hoạch năm gần 2 tháng.

Doanh nghiệp và bài toán áp lực chi phí vốn sản xuất tăng cao
TNG chủ động nhiều giải pháp huy động vốn không bị phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: "TNG mạnh dạn huy động cổ phiếu của cổ đông và huy động là trái phiếu cho nên TNG có vốn và sẽ đầu tư mở rộng lên, đồng thời cũng chủ động để đỡ phải phụ thuộc vào vốn vay tín dụng".

Trên thực tế, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi ngày càng cao cũng sẽ kéo theo tình trạng các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Trong khi đó, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát, nên dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023. Lãi suất tăng cũng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất tăng và gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Đăng cho biết: "Điều hành của Nhà nước là trong thời điểm này chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng như đầu tư mang tính chất dàn trải, đầu tư dài hạn thì chúng ta cũng phải dừng lại và chính doanh nghiệp phải định vị điều đó để đầu tư hiệu quả nhất trong thời gian ngắn hạn, vốn ngắn hạn vì khi mà lớn hơn tín dụng thì chúng ta có thể đầu tư dài hạn được, còn trong thời điểm này thì tốt nhất là chúng ta nghe các chế độ chính sách của Nhà nước và chúng ta vận hành doanh nghiệp phù hợp hơn".

Ông Bùi Văn Khoa - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thái Nguyên Khuyến cáo: "Khó khăn trong những doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh, thậm chí những doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh bình thường cũng bị khó trong tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước rất mong các tổ chức tín dụng, người dân cũng cân đối muốn cho phù hợp để đảm bảo khả năng, điều kiện sản xuất kinh doanh cho phù hợp với điều kiện vốn của mình và khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng".

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp chấp nhận vay vốn với lãi suất cao hơn trước đây để có vốn lưu thông cho mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Đây là một thử thách, doanh nghiệp nào có sự nỗ lực và quyết tâm, quản trị tốt, tiết kiệm chi phí, nắm bắt cơ hội sẽ tồn tại và phát triển.