Doanh nghiệp Thái Nguyên nỗ lực thực hiện
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nặng tập trung tái cấu trúc lại bộ máy để bảo đảm cạnh tranh về chi phí trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

Ngay từ đầu năm 2021, Công ty Than Khánh Hoà đã theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất trên khai trường. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu chính như đất bóc, than nguyên khai, than tiêu thụ và doanh thu đều đạt trên 50% kế hoạch, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 11 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Huân, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa khẳng định: “Công ty đã xây dựng các kịch bản để đảm bảo định mức sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đối với các đơn vị cung cấp vật tư, dịch vụ, công ty cũng yêu cầu phải có kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết, đảm bảo không làm gián đoạn việc sản xuất kinh doanh do dịch bệnh. Đối với giao ca, công ty tổ chức giao ca trực tuyến, phân ca theo nhóm người lao động để tránh lây nhiễm chéo”.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn, xác định ảnh hưởng của dịch COVID-19 còn kéo dài, vì vậy để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra, công ty đã tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá là: Cấu trúc lại bộ máy doanh nghiệp để bảo đảm cạnh tranh về chi phí; tuyển dụng, tìm kiếm nguồn nhân lực năng lực thực sự có sáng kiến tốt cho doanh nghiệp và đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn khẳng định: “Sang năm nay, Chính phủ chủ trương thực hiện mục tiêu kép này, tỉnh đã chỉ đạo và doanh nghiệp đã áp dụng triệt để. Bằng các biện pháp cụ thể, doanh nghiệp đã xây dựng các biện pháp ứng phó cho từng kịch bản để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Song song với đó thì xác định, vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng, chống dịch để duy trì sản xuất kinh doanh tốt. Đó cũng là cách tốt nhất để phòng, chống dịch hiệu quả”.

Doanh nghiệp Thái Nguyên nỗ lực thực hiện
Ngành may mặc được dự báo là sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ sau khi các hiệp định thương mại được thực thi.

Sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp còn được thể hiện ở việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử như tại Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Việt Thắng, bên cạnh ngành nghề truyền thống là sản xuất dược liệu, công ty đã đầu tư thêm 2 chuyền may, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương.

Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Việt Thắng thông tin: “Riêng về lĩnh vực may mặc, chúng tôi xác định là cơ chế cho ngành này của Việt Nam rất mở rộng với các hiệp định thương mại được thực thi. Thị trường may mặc tới đây rất phát triển, nên công ty quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh, mở thêm ngành nghề may mặc, tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Anh Hoàng Văn Cường, công nhân Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Việt Thắng cho biết: “Làm ở công ty thì thu nhập bình quân từ 6-7 triệu/tháng. Về chính sách đãi ngộ công nhân tương đối tốt, thực hiện đúng và đủ theo quy định của Luật lao động”.

Nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2021. Cũng trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 412 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đăng ký bình quân đạt khoảng trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp cấp mới tăng 31,2% và số vốn đăng ký tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng có 336 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; có 300 doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp đóng mã số thuế; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 271 doanh nghiệp.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng mã số thuế bằng 93,1% số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp mới hoạt động trở lại. Với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang khá phức tạp trên địa bàn cả nước hiện nay, trong thời gian tới, hoạt động của các doanh nghiệp Thái Nguyên cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp địa phương./.