Doanh nghiệp dệt may Thái Nguyên sẵn sàng cho sân chơi lớn
Nhiều doanh nghiệp dệt may Thái Nguyên đã ký kết được đơn hàng đến quý I năm 2022 và sẵn sàng cho những sân chơi lớn tầm cỡ thế giới.

Dệt may là 1 trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Kết thúc năm 2020, lĩnh vực may mặc của tỉnh chỉ đạt khoảng 72 triệu sản phẩm, giảm 8,4% so với cùng kỳ và bằng 80% kế hoạch năm. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ” và thực tế cho thấy, bước sang năm 2021, doanh nghiệp Thái Nguyên đã tận dụng tốt các cơ hội có được trong bối cảnh dịch bệnh để tiếp tục phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Chi nhánh may Võ Nhai, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Năm 2021, để hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Chúng tôi đã ký được nhiều đơn hàng và đang tập trung cao độ vào quá trình triển khai sản xuất và quyết tâm hoàn thành mục tiêu”.

Ông Lê Xuân Tráng, Giám đốc Công ty May cổ phần Thời trang xuất nhập khẩu Hà Sơn chia sẻ:“Hiện tại, tôi có 2 công ty, sử dụng khoảng 1.700 lao động. Với các đơn hàng lớn, 2 công ty của tôi vẫn hoạt động hiệu quả. Năm 2022, tôi muốn mở rộng khoảng 1.000 lao động với 1 xí nghiệp mới”.

Tháng 10/2021, lĩnh vực may mặc của tỉnh sản xuất được 7,4 triệu sản phẩm, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, sản xuất toàn ngành đạt khoảng 80% kế hoạch năm. Không chỉ tận dụng tốt cơ hội khi các đơn hàng từ Trung Quốc hay từ khu vực các tỉnh phía Nam - những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đổ dồn về Thái Nguyên. Các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu với mục tiêu tự chủ mức cao nhất có thể trước những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: “Ngoài việc khai thác nguồn nguyên liệu trong nước thì TNG còn chủ động sản xuất các mặt hàng đó. Hiện nay, TNG đang sản xuất bông, góp phần vào làm nội địa hóa sản phẩm, đóng góp cho đơn vị khác. Xây dựng cụm nhà máy ở Sơn Cẩm, kêu gọi các đối tác khác cùng hợp tác để nâng cao sự phát triển của ngành hàng”.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT, Ủy viên BCH Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Những thị trường chính của công ty là Mỹ và Châu Âu đã có sự phục hồi. Các đơn hàng nhiều hơn. Với việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì công ty đang hy vọng có được nhiều đơn hàng tốt hơn, số lượng lớn hơn, đơn giá tốt hơn”.

Với sự tự chủ ngày càng lớn và sự miễn dịch ngày càng cao trước ảnh hưởng từ dịch bệnh của các doanh nghiệp, lĩnh vực may mặc của tỉnh đã duy trì ổn định đà tăng trưởng trong 3 quý vừa qua. Nhờ đó, đến nay, nhiều doanh nghiệp may mặc của tỉnh đã xác lập được đơn hàng đến hết quý IV, thậm chí có những doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng đến quý I năm 2022 và sẵn sàng cho những sân chơi lớn tầm cỡ thế giới.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT, Ủy viên BCH Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm: “Tôi tin rằng, với những chính sách của Chính phủ và định hướng của ngành trong năm tới, ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có sự phát triển mở rộng hơn”.