Doanh nghiệp chủ động thay đổi để phát triển
Hiện nay, Công ty TNHH Dũng Tân củng cố, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thương mại, chuẩn bị sẵn sàng các dịch vụ tốt nhất

Chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất bởi dịch COVID-19 phải kể tới nhóm ngành du lịch. Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch, Công ty TNHH Dũng Tân, ở tổ dân phố Khuynh Thạch, phường Cải Đan bị ảnh hưởng khá nhiều. Khi dịch bệnh chưa xuất hiện, trung bình 1 ngày, Công ty đón tiếp hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm. Khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm đến 95%… Hiện nay, công ty củng cố, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thương mại, tập trung cho mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chuẩn bị sẵn sàng các dịch vụ tốt nhất…Qua đó, vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 200 nhân viên với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Dương Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH Dũng Tân cho biết: "Tôi vào công ty làm được hơn 1 năm; sau 2 lần dịch COVID-19, chúng tôi vẫn đi làm và được trả lương đều đặn".

Đại diện Công ty, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty thông tin: "Trong thời gian qua, chúng tôi cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức, lượng khách sụt giảm 95%, nhưng chúng tôi vẫn tự tin đảm bảo ngày công, ngày lương cho cán bộ, công nhân viên công ty. Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở trên thế giới đang diễn ra vô cùng phức tạp, du lịch nước ngoài chắc chắn còn bị ngừng trệ, tới đây, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng phục vụ khách cũng như chất lượng sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch nội địa".

Doanh nghiệp chủ động thay đổi để phát triển
Công ty TNHH Tú Dương chuyển từ sản xuất một số mặt hàng cơ khí thông thường sang sản xuất dụng cụ thể dục thể thao

Không chỉ có ngành du lịch bị “đóng băng”, ngành cơ khí cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này gặp khó do nhiều đơn hàng bị hủy, doanh thu sụt giảm… Giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương do vậy cũng sụt giảm so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn có những chiến lược phát triển mới. Điển hình như việc chuyển từ sản xuất một số mặt hàng cơ khí thông thường sang sản xuất dụng cụ thể dục thể thao của Công ty TNHH Tú Dương, tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè. Đây có thể coi là hướng đi nhạy bén của công ty nhằm thích ứng với thị trường. Với hàng trăm bộ sản phẩm đã được khách hàng đặt mua, Công ty vẫn đảm bảo việc làm thường xuyên cho hơn 10 công nhân với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Đầu tháng 9, công ty tiếp tục “ra mắt” sản phẩm mới là dụng cụ thể dục thể thao trong nhà, dành cho những người không có thời gian tập thể dục bên ngoài.

Anh Nguyễn Quý Dương, phụ trách kỹ thuật của công ty chia sẻ: "Tôi thấy mảng dụng cụ ngoài trời tương đối phù hợp, hiện tại đang là xu thế của toàn dân, cho nên Công ty đã có bước đi chú trọng vào sản xuất, nâng cao sức khỏe người dân. Tôi thấy những dụng cụ này hoạt động tương đối tốt trong thời gian vừa qua".

Cũng là doanh nghiệp cơ khí, chuyên sản xuất các dụng cụ cơ khí cầm tay, doanh thu của Công ty TNHH MTV Tam Hữu, ở phường Mỏ Chè sụt giảm 30%. Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 180 công nhân với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng, công ty chọn hướng sản xuất các dụng cụ cơ khí cầm tay thông dụng, truyền thống và sản xuất dự phòng cho cả sang năm. Các sản phẩm này được tính toán dựa trên mức tiêu thụ bình quân của các năm gần đây để sản xuất nên không lo không bán được sản phẩm.

Có thể nói rằng, đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sông Công đã có những giải pháp thiết thực để “sống chung với lũ”. Nhiều doanh nghiệp đã tự lực thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới…, coi đây là “thời điểm vàng” để làm mới sản phẩm, loại hình dịch vụ… đón cơ hội bật dậy sau những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra./.