Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ về Dự án Luật Thủy lợi và Luật Du lịch
Toàn cảnh buổi thảo luận |
Dự án Luật Thủy lợi do cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn soạn thảo, trình tại kỳ họp Quốc hội lần này. Dự án Luật gồm 9 chương với 72 điều, quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về hoạt động thủy lợi; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; nguyên tắc, hình thức, nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác, an toàn công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi của Chính phủ.
Thảo luận về Dự án Luật Thủy lợi, đa số các đại biểu cho rằng, thời gian qua, mặc dù lĩnh vực thủy lợi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và đầu tư lớn của Nhà nước, nhưng hiện nay nhiệm vụ phát triển thủy lợi vẫn còn đặt ra những thách thức lớn. Trong khi đó việc thực hiện một số quy định của Luật Thủy lợi trong thực tế đã nảy sinh một số bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi. Vì vậy, việc xây dựng sửa đổi bổ sung và ban hành Luật Thủy lợi tại kỳ họp lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương là cần thiết.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến phát biểu đề nghị, quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chú ý đến đặc điểm của vùng, miền, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình thủy lợi và phải phân định rõ chức năng của Bộ, ngành, địa phương trong quản lý các công trình thủy lợi. Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và đại biểu các tỉnh trong tổ thảo luận đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần làm rõ và sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trong Dự án Luật Thủy lợi, tránh tình trạng chung chung, sơ sài, dẫn đến khó hiểu, khó thực hiện.
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định mới trong Dự thảo Luật về giá dịch vụ thủy lợi. Trong khi cơ quan soạn thảo cho rằng, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, coi lĩnh vực thủy lợi là một loại dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Đề nghị làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng?
Về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch, theo đánh giá chung, ngành du lịch nước ta đã có bước chuyển biến quan trọng, phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng, hướng đến trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Du lịch là nhu cầu tất yếu và cấp thiết, nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 10 chương, 79 điều (bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều). Thảo luận tại tổ, trên cơ sở thống nhất với quan điểm ngành du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định một số điều khoản quy định còn chồng chéo trong việc phân cấp quản lý giữa các cơ quan của Trung ương và địa phương, việc quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ lữ hành còn thiếu và chưa đồng bộ, đây là dạng hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép, vì vậy việc quy định kinh doanh lữ hành phải được quy định chặt chẽ, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát vì liên quan đến con người, ngoại giao và an ninh quốc gia.
Tổng hợp thảo luận tổ, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - tổ trưởng thảo luận đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của các đại biểu trong việc tham gia thảo luận vào 2 Dự án Luật quan trọng này; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp tổng hợp báo cáo Quốc hội và chuyển cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các nội dung phù hợp trong phiên thảo luận tiếp theo của kỳ họp./.