Đoàn đã đến thăm quan khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, địa điểm thi công xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc, đây là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng gồm nhiều công trình, hạng mục và được đầu tư trong 20 năm. Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn.Giai đoạn I từ năm 2016 đến năm 2020, dự kiến các hạng mục đầu tư trong giai đoạn I sẽ hoàn thành trong năm 2019. Giai đoạn II dự kiến thực hiện trong 15 năm từ năm 2020 – 2035. Mục tiêu chung của dự án là kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng, đặc biệt kết nối với Khu du lịch Lịch sử Quốc gia ATK Định Hóa Thái Nguyên, khai thác tiềm năng lợi thế du lịch góp phần phát triển kịnh tế, xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng thời quyết tâm thực hiện thành công dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch trong điểm quốc gia và hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Đây là 1 trong những dự án trọng điểm được Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo triển khai ngay trong năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Đến thăm Không gian văn hóa chè, công trình được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên năm 2011 và trở thành điểm đến của du khách khi thăm quan vùng chè Tân Cương -Thái Nguyên, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã được nghe giới thiệu về ý tưởng kiến trúc Không gian văn hóa Trà, lịch sử làng nghề chè Tân Cương, những đặc sản Trà Thái Nguyên nổi tiếng cùng những nét đặc trưng văn hóa Trà của người Việt nói chung và người Thái Nguyên nói riêng.

Thông qua những tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày, các đại biểu đã cảm nhận được sự độc đáo về điều kiện tự nhiên cho cây chè phát triển, hiểu được những giá trị lịch sử, văn hóa của chè và thương hiệu chè Thái Nguyên nói chung và thương hiệu chè Tân Cương nói riêng.

Tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, đoàn công tác đã nghe giới thiệu về hệ thống trưng bày của Bảo tàng được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hoá vùng, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi trường, sinh thái từng vùng cư trú. Đến thăm mỗi phòng trưng bày, các thành viên trong đoàn công tác đều được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Có thể nói, chuyến thăm quan Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, Không gian Văn hóa Trà Tân Cương, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ giúp đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình hiểu thêm về đất và người Thái Nguyên, mà còn là dịp để lãnh đạo 2 tỉnh chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm về thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới.