Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển
Các thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu tại các âu tàu

Ông Thiệu Nhật Hiền, quê Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận hiện là thuyền trưởng tàu NT 91173 TS, chuyên đánh bắt tại ngư trường Trường Sa. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ông Hiền cùng các bạn tàu đưa tàu về âu tàu đảo Sinh Tồn để tiếp thêm nhiên liệu, lương lực, nước ngọt. Ông Hiền cho biết, ngư dân ngày nay ra ngư trường Trường Sa đánh bắt đã không phải lo lắng nhiều vì đã có các âu tàu. Tại đây, khi gặp giông bão, ngư dân có chỗ trú tránh, tàu bị hỏng hóc được sửa chữa miễn phí, tiếp nhiên liệu bằng giá với đất liền. Đặc biệt, khi ngư dân thiếu lương lực, thực phẩm, nước ngọt… đều được cán bộ chiến sĩ, Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên đảo tiếp tế miễn phí.

Ông Thiệu Nhật Hiền, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Bình thường đi đánh bắt cá khi gặp thời tiết không thuận lợi chúng tôi thường về các đảo lớn để neo đậu tránh bão. Các chiến sĩ tại các đảo rất tốt và hết lòng giúp đỡ chúng tôi."

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển
Các bệnh xá tại các Đảo đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho quân và dân trên Đảo

Hiện tại, huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu tại các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn với tổng sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu tránh bão. Bên cạnh các âu tàu, các cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ như: Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, cùng với sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc sửa chữa tàu thuyền, tiếp tế nhu yếu phẩm, nhiên liệu cũng như hoạt động cứu hộ trên biển. Huyện đảo Trường Sa hiện có 8 bệnh xá quân y và 1 trung tâm y tế được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, có thể đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo cũng như bà con ngư dân gặp nạn trên biển.

Ông Lưu Bá Kết, xã Hợp Trung, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: "Chúng tôi là ngư dân chẳng may có bệnh khi vào tới Đảo Sinh Tôn thì được các chiến sĩ hỗ trợ cứu chưa rất nhiệt tình. Tất cả các đảo đều có bệnh xã như này nên bà con rất yên tâm bám biển."

Thượng úy Hoàng Xuân Bảo, Bệnh xá Trưởng Đảo Sinh Tồn, huyện Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Bệnh xã Đảo Sinh Tồn được trang bị rất đẹp và khang trang. Trang thiết bị và hệ thống thuốc được trang bị khá đầy đủ. Công tác khám chữa bệnh và đảm bảo sức khoẻ cho bộ đội và ngư dân rất tốt và thật sự là điểm tựa cho ngư dân an tâm bám biển."

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức gần 600 đợt hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức gần 600 đợt hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; cứu kéo 340 lượt tàu mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; cứu chữa 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển. Các đơn vị Hải quân đã hỗ trợ ngư dân 25.000 m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên phó Đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Trong năm vừa qua, Đảo Song Tử Tây đã cấp miễn phí cho ngư dân trên 100 m3 nước ngọt và gần 100 m3 dầu và thường xuyên huy động cán bộ chiến sĩ khuyên góp rau, đồ hộp để hỗ trợ ngư dân khi ngư dân và neo đậu tránh bão."

Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc nơi cửa ngõ biển Đông. Huyện đảo Trường Sa đang phát triển theo hướng kinh tế dân sinh, từng ngày, từng giờ hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước. Trường Sa giờ còn là biểu tượng, là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường, và chủ quyền lãnh thổ của cha ông ta từ bao đời nay để lại.