diem tua cho ngu dan vuon khoi bam bien
Một góc Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Xã đảo Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa hôm nay đổi thay từng ngày, bởi các công trình dân sinh, tâm linh được đầu tư tu bổ, xây dựng. Tiếng trẻ em bi bô trên lớp học. Thi thoảng tiếng chuông chùa lại vang vọng, ngân xa. Ngoài cầu cảng là Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật, với đủ các hạng mục công trình: từ âu tàu, đến trạm cung cấp nhiên liệu, nước ngọt… đã tạo diện mạo mới cho xã đảo. Nhất là, khi màn đêm buông xuống, điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời được bật lên, càng làm cho bộ mặt của xã đảo lung linh, đầy sức sống như chính cái tên của nó - đảo Sinh Tồn.

Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Tư lệnh Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) cho biết: Âu tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Sinh Tồn đi vào hoạt động, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm đánh bắt cá dài ngày trên biển. Đồng thời, tiếp tục khẳng định chủ quyền liên tục, lâu đời về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước kia, âu tàu của đảo Sinh Tồn còn nhỏ, hệ thống neo đậu hạn chế, cho nên mùa mưa, bão, mỗi khi có sóng to, gió lớn, các tàu ngư dân ta vào tránh, trú gặp nhiều khó khăn trong việc chằng buộc, cũng như việc hỗ trợ nước ngọt, chăm sóc y tế... Đến nay, đảo Sinh Tồn đã có Trung tâm dịch vụ khang trang, cầu cảng, âu tàu, luồng lạch khơi thông, tàu của ngư dân ta sau hải trình dài ngày trên biển sẽ có nơi trú đậu và “nghỉ ngơi”, hoặc tránh trú mỗi khi biển động. Cơ sở hạ tầng giống như ở bến trong đất liền, tàu, thuyền ra vào một cách dễ dàng.

Cuối tháng 11-2016 vừa qua, trong khi đang khai thác trên khu vực biển Trường Sa thì có thuyền viên bị nạn, ông Bùi Ngọc Lành, Thuyền trưởng tàu cá QNg 90289, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đã chủ động liên lạc với đảo Sinh Tồn, được cán bộ, nhân viên trên đảo hướng dẫn cho tàu cơ động vào âu tàu của đảo Sinh Tồn để cứu giúp. Ông Lành tâm sự: Đi biển đánh bắt hải sản, giữa trùng khơi mênh mông nước, trên đảo có dịch vụ hậu cần nghề cá khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị như thế này, anh em ngư dân chúng tôi rất yên tâm bám biển. Trước kia, tàu chúng tôi đi biển chừng hơn một tháng, thì bây giờ anh em trên tàu có thể bám biển đánh bắt hải sản dài ngày hơn bởi vì luôn có bộ đội Hải quân và nhân dân trên các đảo sẵn sàng tiếp sức cho chúng tôi yên tâm bám biển.

Được biết, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn do Công ty 129 Hải quân quản lý và vận hành. Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết: cán bộ, nhân viên trung tâm khi ra đây công tác đều được công ty lựa chọn những người có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm và được tập huấn về xử lý các tình huống về hậu cần, kỹ thuật trên biển. Đến nay, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ ngư dân về nước ngọt, nhiên liệu và phụ tùng thay thế cho các tàu, thuyền được cung cấp bằng giá như ở đất liền. Trung tâm luôn hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trên đảo Sinh Tồn xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Thời gian qua, trước khi bàn giao Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật về Công ty 129 quản lý, đã phối hợp các lực lượng trên đảo kịp thời giúp một số tàu về kỹ thuật, cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân..., góp phần gắn kết tình cảm quân dân nơi đầu sóng thêm sâu nặng. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn được đưa vào sử dụng, cùng với âu tàu Song Tử Tây và Khu dịch vụ Hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đang hoạt động hiệu quả - đây thật sự là những chỗ dựa, địa chỉ tin cậy để các tàu ngư dân yên tâm khai thác hải sản dài ngày trên biển.