* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: Châu Phi đã vượt ngưỡng 7 triệu ca nhiễm mới COVID-19; Ít nhất 10 bang tại Ấn Độ ghi nhận hệ số lây nhiễm tăng trở lại; Nhật Bản cam kết hỗ trợ tối đa" cho đặc phái viên ASEAN tại Myanmar...

- Hiện châu Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3, khiến châu lục này ghi nhận thêm khoảng 1 triệu trường hợp chỉ trong 3 tuần qua, kể từ ngày 14/7 đến nay.

Chau Phi da vuot nguong 7 trieu ca nhiem moi COVID-19 hinh anh 1
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 8/8 cho biết số ca mắc COVID-19 ở châu lục này đã vượt ngưỡng 7 triệu ca sau khi số ca mắc mới tăng mạnh; có hơn 176.900 ca tử vong, trong khi đó 6.119.091 người mắc bệnh đã được chữa khỏi.

Hiện châu Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3, khiến châu lục này ghi nhận thêm khoảng 1 triệu trường hợp chỉ trong 3 tuần qua, kể từ ngày 14/7 đến nay.

Theo CDC châu Phi, 32 quốc gia châu Phi, tương đương khoảng 58% các quốc gia trên lục địa này, hiện đang trải qua làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ 3, trong khi đó 3 quốc gia khác gồm Algeria, Kenya và Tunisia, thậm chí đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 4. Hiện Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia có số ca mắc bệnh nhiều nhất trên lục địa. CDC châu Phi cũng cho biết thêm 24 quốc gia châu Phi cũng đã báo cáo tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,1%.

- Nhật Bản sẽ hỗ trợ "bằng tất cả các biện pháp có thể" đối với hoạt động của Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 12/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, ông Erywan Yusof, người vừa được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lựa chọn làm đặc phái viên của khối tại Myanmar. Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 30 phút, hai quan chức ngoại giao đã nhất trí sẽ giữ liên lạc thường xuyên trong thời gian ông Erywan Yusof đảm đương vai trò đặc phái viên ASEAN tại Myanmar.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Motegi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm Myanmar sắp tới của ông Erywan Yusof, trong đó có việc sớm thúc đẩy các cuộc đối thoại với các bên liên quan tại quốc gia Đông Nam Á này. Ngoại trưởng Motegi cũng cam kết Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa, bằng tất cả các biện pháp có thể đối với hoạt động của Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Về phần mình, ông Erywan Yusof đã trao đổi về một số tình hình Myanmar hiện nay và dự kiến chương trình hoạt động của ông với tư cách là đặc phái viên ASEAN tại quốc gia này.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Thủ tướng: Tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước; Từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh thực hiện "ai ở đâu thì ở đó"; Nhiều phương án xét tuyển đại học với thí sinh đặc cách tốt nghiệp; Dự kiến hoàn thành chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trong tháng Tám;...

- Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 9/8 đến ngày 15/8/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Nghị quyết nêu rõ: căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; trong đó cần đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp...

- Sáng 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Thu tuong: Thang 9, Viet Nam co the co vaccine san xuat trong nuoc hinh anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt; nhân dân hết sức quan tâm việc triển khai chiến lược vaccine. Để có vaccine tiêm cho người dân nhiều, nhanh nhất có thể, chúng ta đã thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được người dân rất trông đợi.

Thủ tướng cho biết thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, tất cả ý kiến tại cuộc họp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao phải nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất được vaccine tại Việt Nam sớm nhất có thể. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan, các Hội đồng cùng “xắn tay áo” vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế như kit xét nghiệm… đáp ứng ngay, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc...

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh; Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số PCI; 190 cán bộ y tế tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lên đường hỗ trợ miền Nam...

- Diễn ra trong 3 ngày từ 10/8 đến 12/8, Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh
Toàn cảnh kỳ họp.

Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV đã thống nhất thông qua 43 nghị quyết. Trong đó có 2 nghị quyết thường kỳ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021; kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII và Nghị quyết số 60 ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh và 41 nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, dự án, vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu trước mắt và vừa có tính chiến lược, dài hạn để thực hiện trong năm 2021 và của cả giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, kỳ họp cũng đã thông qua quyết định chủ chương đầu tư đối với 46 dự án đầu tư công.

Cũng tại kỳ họp, để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã thông qua các nội dung mang tính nguyên tắc chung quy định về Quy chế hoạt động và Nội quy kỳ họp của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa 14, nhiệm kỳ 2021-2026.

- Tiếp tục duy trì, nâng cao vị trí của Thái Nguyên trên bảng xếp hạng chỉ số PCI cả nước, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới là những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020, nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI năm 2021 diễn ra sáng 14/8.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 9/8 đến ngày 15/8/2021
Toàn cảnh hội nghị.

Nhằm tiếp tục duy trì, cải thiện thứ bậc xếp hạng về chỉ số PCI của tỉnh, nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút các nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tích cực, trách nhiệm hơn nữa trong triển khai, thực hiện các cơ chế chính sách, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm kịp thười tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đối với các chỉ số thành phần PCI đạt thấp điểm, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Ban chỉ đạo PCI tỉnh xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên, đẩy mạnh cải cách, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong việc đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

- Ngày 11/8, Đoàn cán bộ y tế tỉnh Thái Nguyên bao gồm 190 y, bác sỹ, cán bộ y tế đã lên đường hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch và triển khai Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An.

190 cán bộ y tế tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lên đường hỗ trợ miền Nam - đã psts 11.8
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa, động viên các y, bác sỹ, cán bộ y tế lên đường hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch.

Đoàn công tác gồm 190 y, bác sỹ, cán bộ y tế được phân công với 2 nhiệm vụ chính, trong đó, 30 thành viên sẽ thực hiện hỗ trợ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 160 thành viên đảm nhận nhiệm vụ tại tỉnh Long An. Đây là lực lượng điều dưỡng, bác sỹ được lựa chọn từ các bệnh viện, cơ sở y tế, các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tình. Cùng với đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được Bộ Y tế giao trọng trách tiếp quản, đảm nhiệm chính Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại tỉnh Long An, chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 với quy mô giai đoạn đầu 150 giường bệnh.

Phát biểu động viên đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải gửi lời tri ân tới lực lượng cán bộ y tế lên đường chi viện cho các tỉnh miền Nam, đồng thời nhấn mạnh, với chuyên môn đào tạo của mình, mỗi cán bộ y tế sẽ phát huy truyền thống và niềm tin của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đoàn kết cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch tại các tỉnh miền Nam.

Cũng tại buổi lễ, Công đoàn Bộ Y tế và một số công ty, doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền mặt, phương tiện phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị khoảng 6 tỷ đồng./.