* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như:

Các nước dần học cách sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19: Dịch bệnh COVID-19 sẽ không thể biến mất trong tương lai gần, do đó việc thực hiện nghiêm các quy định y tế phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng là “chìa khóa” để kiểm soát căn bệnh này.

huyên gia y tế cho rằng việc sống chung với COVID-19 là một “thực tế phải cùng nhau đối mặt” trên cơ sở cảnh báo của các nhà dịch tễ học rằng căn bệnh này sẽ không biến mất trong tương lai gần.

Indonesia: Chuyển tiếp đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 10/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa.

Phát biểu trong chuyến thị sát tại Đặc khu hành chính Yogyakarta, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19,” đồng thời vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Động thái thay đổi nhận thức về COVID-19 của Chính phủ Indonesia như một loại bệnh đặc hữu xuất phát từ nhận định rằng căn bệnh này sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay trong giai đoạn chuyển tiếp này, cộng đồng đã có thể bắt đầu các hoạt động phù hợp với mức độ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại khu vực sinh sống.

Theo Bộ trưởng Budi, người dân cũng phải thực hiện nghiêm các quy định y tế và ngay lập tức đi tiêm chủng. Công tác xét nghiệm, truy vết, điều trị và cách ly tập trung cần được thúc đẩy hơn nữa nhằm nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm mới.

Ông cũng nhấn mạnh theo chỉ đạo chuẩn bị sống chung với COVID-19 của Tổng thống Widodo, việc thực hiện nghiêm các quy định y tế và tiêm chủng là “chìa khóa” để kiểm soát căn bệnh này.

Trong những tuần gần đây, Indonesia đã dần nới lỏng các hạn chế xã hội, theo đó cho phép các trung tâm thương mại, địa điểm cầu nguyện và nhà hàng nâng công suất và thời gian hoạt động, đồng thời thí điểm mở cửa trở lại một số điểm du lịch tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch ở mức trung bình.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 7/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thái Lan tiêm liều tăng cường cho người dân Phuket

Tại Thái Lan, giới chức y tế đã chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho người dân hòn đảo du lịch Phuket.

Trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul cho biết việc tiêm mũi thứ ba cho người dân Phuket sẽ giúp đảm bảo sự thành công của chương trình "Phuket sandbox,” vì người dân địa phương có thể tiếp xúc gần với du khách quốc tế.

Chương trình Phuket Sandbox, được triển khai vào tháng Bảy, cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ mà không cần phải cách ly.

Ông Anutin cũng lưu ý thêm rằng người dân Phuket đã được tiêm hai mũi vaccine của hãng Sinovac sẽ có đủ điều kiện để tiêm mũi thứ ba là vaccine của hãng AstraZeneca.

Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết 20.000 liều vaccine của AstraZeneca đã được chuyển đến Phuket để tiến hành tiêm mũi nhắc lại.

Phuket là tỉnh đầu tiên của Thái Lan từ bỏ việc bắt buộc cách ly đối với du khách quốc tế đã được tiêm phòng sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân.

Hòn đảo này đã đón hơn 26.000 khách du lịch nước ngoài từ ngày 1/7 đến ngày 31/8, tạo ra doanh thu lên tới 1,6 tỷ baht (khoảng 48,9 triệu USD).

Sri Lanka gia hạn lệnh giới nghiêm

Ngày 10/9, Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Keheliya Rambukwella tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/9, sẽ được gia hạn đến 4h ngày 21/9 để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan.

Lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ sau quyết định của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trong cuộc họp với Lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19.

Bộ trưởng Rambukwella cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19 ở nước này đang giảm dần và giới chức trách tin tưởng rằng Sri Lanka sẽ một lần nữa có thể mở cửa trở lại mà không gặp rủi ro. Tuy vậy, ông nhấn mạnh người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Hàng nghìn trường học ở Mỹ đóng cửa trở lại do COVID-19: Ít nhất 1.000 trường học tại 35 bang ở Mỹ đã đóng cửa khi chỉ vừa bắt đầu mở cửa dạy học trực tiếp trong năm học mới trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh.

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng nghìn trường học ở Mỹ đã phải đóng cửa trở lại khi vừa bắt đầu năm học mới.

Báo USA Today ngày 5/9 dẫn số liệu của công ty dịch vụ dữ liệu Burbio, chuyên theo dõi hoạt động mở cửa trở lại trường học, cho biết ít nhất 1.000 trường học tại 35 bang ở Mỹ đã đóng cửa khi chỉ vừa bắt đầu mở cửa dạy học trực tiếp trong năm học mới trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh.

Nhiều trường đóng cửa sau vài tuần, thậm chí có trường đóng cửa chỉ sau 1 ngày và tạm thời chuyển sang học trực tuyến. Một số khác lùi lịch khai giảng năm học mới hoặc chuyển sang kết hợp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona tuyên bố cơ quan này sẽ đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mọi học sinh được tiếp cận việc học trực tiếp một cách an toàn, cũng như quyền lợi của các nhà giáo dục địa phương trong việc đưa ra các chính sách cho phép tất cả học sinh trở lại trường học một cách an toàn vào mùa Thu này.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
(Nguồn: greatergood.berkeley.edu)

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh có nhiều tranh cãi về quy định buộc đeo khẩu trang tại trường và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng do biến thể Delta. Cuối tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đang điều tra 5 bang có ý định cấm các quận bắt buộc đeo khẩu trang với lý do những chính sách này vi phạm quyền công dân của trẻ em khuyết tật và mắc bệnh lý nền

Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng mới dịch COVID-19, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia bị trì trệ và biến thể Delta lây lan mạnh. Số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do COVID-19 tại nước này đang ngày một tăng. Hiện Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với hơn 40,805 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 666.219 ca tử vong.

Giám đốc IAEA đến Tehran hội đàm với các quan chức Iran: Chuyến thăm của người đứng đầu IAEA diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những đề xuất về một thỏa thuận giữa Iran và IAEA về việc tiếp cận giám sát các cơ sở hạt nhân.

Ngày 12/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đến Tehran để hội đàm với các quan chức Iran.

Dự kiến ông sẽ gặp lãnh đạo mới của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami, và sau đó trở về Vienna (Áo) để có cuộc báo tại đây ngay trong ngày.

Chuyến thăm của người đứng đầu IAEA diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những đề xuất về một thỏa thuận giữa Iran và IAEA về việc tiếp cận giám sát các cơ sở hạt nhân.

Trước đó, ngày 7/9, cơ quan này đã công bố báo cáo nêu rõ nhiệm vụ thanh sát hạt nhân của họ tại Iran đã bị "suy yếu nghiêm trọng" sau khi Tehran đình chỉ một số hoạt động thanh sát của IAEA đối với các hoạt động hạt nhân ở nước này.

Theo báo cáo, từ ngày 23/2 vừa qua, các hoạt động xác thực và thanh sát của cơ quan này đã bị suy yếu nghiêm trọng sau khi Iran quyết định đình chỉ việc thực thi các cam kết liên quan tới vấn đề hạt nhân trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) mà quốc gia Hồi giáo ký kết với các cường quốc năm 2015.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi phát biểu tại cuộc họp báo ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, IAEA cũng cho biết Iran đã tăng cường kho urani được làm giàu vượt mức cho phép theo JCPOA. Trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran không được phép làm giàu urani vượt mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 90% cần thiết để sử dụng cho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia IAEA, Iran giờ đây đã có 84,3kg urani được làm giàu lên mức 20% (tăng từ mức 62,8kg theo thông báo của IAEA hồi tháng Năm), cũng như 10 kg urani được làm giàu lên mức 60% (tăng từ mức 2,4kg).

IAEA cho biết Iran không giải đáp các nghi vấn của IAEA, trong đó có những dấu vết urani được phát hiện tại ba địa điểm mà Tehran chưa công bố. Theo IAEA, điều này có thể khiến việc nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trở nên khó khăn hơn.

Trước những thông tin này, Iran khẳng định minh bạch trong vấn đề hạt nhân. Trong cuộc điện sau đó một ngày với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Tổng thống Ebrahim Raisi nhấn mạnh: "Sự hợp tác nghiêm túc của CH Hồi giáo Iran với IAEA là một ví dụ rõ ràng về quan điểm minh bạch của Iran đối với các hoạt động hạt nhân của mình."

Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ rằng: “Tất nhiên, trong trường hợp IAEA có cách tiếp cận không mang tính xây dựng, thì việc cơ quan này mong đợi một phản ứng mang tính xây dựng từ Iran là điều không hợp lý. Hơn nữa, những hành động không mang tính xây dựng dĩ nhiên đã làm đảo lộn tiến trình của cuộc đàm phán."

Ông Kazem Gharibabadi - đại diện của Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, cho rằng IAEA nên có thái độ khách quan đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Ông khẳng định tất cả các hoạt động hạt nhân của Iran đều tuân thủ đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và các cam kết của nước này theo JCPOA cũng như các thỏa thuận về sự tự bảo vệ.

Ông nêu rõ: “IAEA phải duy trì tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của mình và các thành viên IAEA phải nghiêm túc, kiềm chế, không gây áp lực đối với cơ quan này vì những mục đích chính trị của cá nhân mình."

Đây là những diễn biến mới nhất liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015 vẫn bị đình trệ, trong đó Iran cảnh báo các cuộc đàm phán có thể sẽ không được nối lại trong nhiều tháng nữa.

Việc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về việc cả hai nước trở lại tuân thủ JCPOA cũng bị đình lại thời gian qua. Pháp và Đức kêu gọi Iran sớm quay trở lại đàm phán, trong khi Tổng thống Raisi nhấn mạnh Tehran đã sẵn sàng, song sẽ không chịu khuất phục trước sức ép của phương Tây.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn:

Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 vào ngày 9/9 tới.

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng (GMS) lần thứ 7 vào ngày 9/9.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản:

ộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo nhấn mạnh, Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch.

Sáng 12/9, tại Phủ Chủ tịch, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đang có chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine ngừa COVID-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ông Kishi Nobuo lựa chọn Việt Nam là quốc gia tới thăm đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Chủ tịch nước nhắc lại, trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện Nhật Bản hết sức coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của hai Bộ Quốc phòng hai nước trong việc tổ chức hoạt động giao lưu cấp cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước, khu vực và thế giới.

Trong đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Nhật Bản triển khai khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, an ninh biển.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước.

Vui mừng nhận thấy dù hai năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn được duy trì, tăng cường, Chủ tịch nước cho biết, Nhật Bản tiếp tục duy trì là nước đứng vị trí thứ hai về vốn đầu tư nước ngoại tại Việt Nam với 65 tỷ USD.

Kết thúc năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt 40 tỷ USD.

Về hợp tác phòng, chống COVID-19, Chủ tịch nước đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam; đồng thời cảm ơn Chính phủ Nhật đã hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

[Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam]

Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine, cũng như giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine khác; hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine và trang thiết bị y tế.

Hoan nghênh và ủng hộ Nhật Bản đã có nhiều đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ, đánh giá cao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trên cương mọi cương vị đảm nhiệm đã có nhiều đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua; đồng thời khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực.

Bộ trưởng vui mừng thông báo với Chủ tịch nước về kết quả hội đàm rất tốt đẹp giữa ông và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang; mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết.

Nhật Bản tiếp tục tích cực triển khai hợp tác với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, an ninh biển.

Về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc điều trị bệnh COVID-19: Hiện nay, bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để tìm kiếm các loại thuốc đặc trị COVID-19.

Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ trung bình, nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 11/9 tại Hà Nội.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đã phân bổ gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, bên cạnh thuốc Remdesivir Bộ Y tế đang tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác để điều trị các bệnh nhân trong tình trạng nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu, thuốc và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài.

Bộ Y tế đã triển khai chương trình điều trị có kiểm soát tại cộng đồng với tổng cộng 129.820 người bệnh tham gia, bước đầu đã có kết quả khả quan, giảm nhanh nồng độ virus ở người mắc sau điều trị.

Trong công tác điều trị, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, số ca khỏi bệnh là 338.000 (chiếm 59% số mắc); số ca đang theo dõi là 231.426, trong đó điều trị tại bệnh viện 96.839 (41,7%), tại khu cách ly tập trung là 52.791 (chiếm 22,8%), điều trị tại nhà là 82.246 (35,5%).

Thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.

Hiện nay, bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để tìm kiếm các loại thuốc đặc trị COVID-19. Thuốc điều trị được đánh giá là sự bổ sung quan trọng cho cuộc chiến chống COVID-19.

Ngày 10/9, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 156.168 lọ (tương đương 1.446 thùng) thuốc Remdesivir 100mg để phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đây là lần phân bổ nhiều nhất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đến thời điểm này.

Trong đợt phân bổ lần 6, Bộ Y tế phân bổ cho 46 đơn vị gồm các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long.

Một số Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đặc biệt, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ nhiều nhất với gần 40.000 lọ Remdesivir.

Như vậy đến nay, tính cả 5 đợt phân bổ trước đó, đã có gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và Sở Y tế một số địa phương.

Số thuốc đã phân bổ này nằm trong số 500.000 lọ thuốc Remdesivir do Tập đoàn Vingroup đã đàm phán mua để tặng Bộ Y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nguồn cung thuốc còn khan hiếm

Theo các chuyên gia y tế, đến nay, cuộc đua sản xuất thuốc điều trị COVID-19 vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt. Nguyên nhân của sự khác biệt này do thuốc và vaccine có cơ chế hoạt động khác nhau. Với vaccine - chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.

Hiện một số quốc gia đang sử dụng một số loại thuốc có sẵn để điều trị COVID-19. Thuốc Remdesivir từng được nghiên cứu để trị bệnh Ebola và viêm gan C đã được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng tạm thời như một phương pháp điều trị COVID-19 ở Mỹ và 50 quốc gia. Remdesivir giúp tăng khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng. Năm 2020, Mỹ đã mua gần hết thuốc Remdesivir.

Theo các nhà khoa học, có hai quá trình chính là nguyên nhân dẫn đến cơ chế sinh bệnh của COVID-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Sau đó, diễn tiến bệnh COVID-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô. Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học cho rằng các liệu pháp trúng đích trực tiếp vào virus SARS-CoV-2 sẽ có hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.

Trong khi các liệu pháp miễn dịch hay kháng viêm có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh COVID-19. Do đó, các nhà khoa học hy vọng các loại thuốc kháng virus được thiết kế nhắm đến ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đang tìm cách chuyển Remdesivir từ dạng tiêm sang dạng uống để có thể sử dụng tại nhà, tránh kéo dài thời gian nhập viện đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng.

Theo các chuyên gia dịch tễ học, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì vậy, thuốc điều trị COVID-19 cũng là vấn đề các nước cần quan tâm thúc đẩy. Nguyên nhân là do số lượng ca mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng, việc xuất hiện các trường hợp tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19, do vậy việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này là giải pháp bền vững.

Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện gần 2 năm và hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh. Các chuyên gia cho rằng, để chung sống bình thường với COVID-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý:

Phiên họp thứ 2, UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV: Các cấp, ngành, địa phương cần chủ động rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2021, qua đó, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo của nhiệm kỳ" là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của UBND tỉnh diễn ra ngày 9/9. Phiên họp nhằm thảo luận và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 8; đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về một số nội dung báo cáo, tờ trình, kế hoạch, đề án của UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Dự Phiên họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành và các địa phương có liên quan.

8 tháng năm 2021, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, nên nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn giữ được đà tăng trưởng: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 tăng 4,95% so với tháng trước; thu ngân sách tính đến hết tháng 8 đạt 10.239 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, bằng 65,6% dự toán năm; chi ngân sách đạt trên 7.200 tỷ đồng, bằng 44,9% dự toán năm, tăng 3,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 2,96 tỷ đô la Mỹ; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước; giải ngân vốn đầu tư công đạt 57% theo kế hoạch Chính phủ giao; diện tích trồng trọt cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Các lĩnh vực xã hội, nội chính tiếp tục được triển khai đạt hiệu quả; đời sống người dân ổn định… Đặc biệt, tính đến ngày 8/9, tỉnh đã hỗ trợ được trên 8.000 người Thái Nguyên đang sinh sống tại các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng… Dự kiến gần 11 tỷ đồng sẽ tiếp tục được giải ngân để hỗ trợ trên 5.000 trường hợp trong thời gian tới.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; tiến độ thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên; Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;...

Phiên họp cũng dành phần lớn thời gian để thảo luận về tiến độ, khó khăn, vướng mắc và khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, giá trị xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước... đồng thời làm rõ phương án, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trên từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể, như: việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư đối với một số dự án đầu tư lớn trên địa bàn; sớm phân bổ kế hoạch đầu tư công đối với các dự án vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khoá XIV; giải pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh; vấn đề thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo yếu tố môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; việc bổ sung các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người có công được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người chết trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp thu đầy đủ các ý kiến trao đổi tại phiên họp, hoàn thiện các nội dung văn bản. Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương đăng ký các nội dung trình Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khoá XIV theo quy định; đồng thời, thể chế hoá các văn bản về việc thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của UBND tỉnh và phát biểu tại Kỳ họp của HĐND tỉnh; từ đó, đôn đốc tiến độ và nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các cấp, ngành, địa phương cũng cần chủ động rà soát kết quả thực hiện, vướng mắc, tồn tại liên quan để có giải pháp tháo gỡ; cũng như kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh để xin ý kiến thực hiện. Đặc biệt, cần nghiêm túc rà soát các nhà thầu, nhà đầu tư chậm tiến độ thực hiện các dự án để thông tin công khai và kiên quyết thực hiện thu hồi theo quy định. Đồng chí cũng nhấn mạnh, sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần để tỉnh đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; từ đó, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ.

Sớm đưa thông tin thống kê về tỉnh lên ứng dụng “C-ThaiNguyen”: Sớm đưa thông tin thống kê về tỉnh lên ứng dụng “C-ThaiNguyen” - là 1 trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi làm việc với Cục Thống kê tỉnh ngày 10/9. Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trực tiếp trao đổi về tình hình hoạt động của Cục thống kê tỉnh thời gian qua và động viên các cán bộ, công chức của đơn vị nỗ lực hơn nữa trong công tác để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 8 tháng vừa qua, Cục Thống kê đã chủ động thực hiện tốt công tác biên soạn và phổ biến thống kê thông tin tình hình kinh tế xã hội hàng tháng, hàng quý và 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện tốt các cuộc điều tra thường xuyên và xử lý thông tin thống nhất theo chương trình của Tổng cục thống kê...

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao sự chủ động của Cục Thống kê trong công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các sở, ban, ngành, địa phương để phục vụ tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên các báo cáo thống kê cần phân tích sâu hơn, có thêm những báo cáo liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội và cần đưa ra những nhận định, đánh giá để giúp cấp ủy, chính quyền có những chính sách, chiến lược phát triển phù hợp…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định Cục Thống kê tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, thể hiện rõ những "con số biết nói" về phát triển KT-XH của tỉnh, phục vụ hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Thời gian tới, đồng chí đề nghị ngành Thống kê tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, thông tin thống kê; đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; đa dạng hóa hình thức và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu thống kê... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông để từ tháng 10 tới, đưa các thông tin, số liệu báo cáo thông kê về tỉnh lên Ứng dụng “C-ThaiNguyen”, giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong công tác tra cứu các số liệu về tỉnh. Đối với một số kiến nghị, đề xuất của Cục Thống kê tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã xem xét và giải quyết ngay tại buổi làm việc.

Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc: Ngày 11/9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc với đại diện một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thái Nguyên. Dự buổi làm việc có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, ông Oh Do Yeun, đại diện đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Thái Nguyên, góp phần tạo thuận lợi cho cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tỉnh Thái Nguyên quan tâm 1 số giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, cũng như để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Toàn cảnh buổi làm việc

Các đề xuất của doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung 1 số nội dung như: việc nhập cảnh, cách ly, ra vào Thái Nguyên của chuyên gia Hàn Quốc; việc hoàn thiện hạ tầng tại một số khu công nghiệp và một số chính sách về ưu đãi đầu tư.

Trên tinh thần cởi mở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp giải đáp, trả lời hoặc giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh, các ngành chức năng trả lời. Với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật và các quy định, kiến nghị nào giải quyết được thì trả lời ngay, cam kết về tiến độ thực hiện, lĩnh vực nào cần có sự phối hợp với cơ quan trung ương thì có thời hạn cụ thể để trả lời các doanh nghiệp.

Về việc tiêm vắc-xin COVID-19, tỉnh Thái Nguyên mới nhận được khoảng 120.000 liều và đã ưu tiên phân bổ số lượng khá lớn cho người lao động tại các khu công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp để đảm bảo thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp Hà Quốc tiếp tục góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Cũng tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã ủng hộ Qũy cứu trợ của tỉnh với tổng số tiền trên 250 triệu đồng.

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025: Ngày 13/9, Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, kế hoạch triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 và giai đoạn 2022-2025; hướng dẫn quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, để làm căn cứ đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; làm cơ sở xác định đối tượng thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác, giai đoạn 2022-2025.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Toàn cảnh hội nghị

Theo đó, điểm mới trong mức thu nhập của các hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Ở khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Thông qua hội nghị, các đại biểu sẽ nắm vững được quy trình điều tra, rà soát, đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Từ đó, có giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn tiếp theo.

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua cầu truyền hình trực tuyến. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 6/9 đến ngày 13/9/2021
Điểm cẩu tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Các nội dung chính của chương trình gồm: triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai học trực tuyến. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, cả nước có khoảng trên 7 triệu học sinh đang học trực tuyến và khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính để học tập. Tại Thái Nguyên, số học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến cần được hỗ trợ là trên 24.500 em.

Tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến cũng như kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” và biểu dương các nhà mạng viễn thông, các công ty công nghệ và doanh nghiệp nền tảng, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ máy tính, băng thông kết nối internet và nền tảng học trực tuyến bằng nguồn lực vật chất, trí tuệ và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với tương lai cho thế hệ mai sau.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Tại buổi lễ phát động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm nghìn bộ máy tính cho chương trình, trong đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chung tay hỗ trợ 20.000 bộ máy tính.