* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm:

FDI toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch trong năm 2021:Theo báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu tăng 77%, từ mức 929 tỷ USD năm 2020 lên ước tính 1.650 tỷ USD năm 2021; trong đó các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng vốn FDI mạnh nhất từ trước đến nay. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 19/1 công bố báo cáo xu hướng đầu tư "Investment Trends Monitor," trong đó cho biết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Theo báo cáo, FDI toàn cầu tăng 77%, từ mức 929 tỷ USD năm 2020 lên ước tính 1.650 tỷ USD năm 2021, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Trong đó, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng vốn FDI mạnh nhất từ trước đến nay, với ước tính 777 tỷ USD trong năm 2021.

Ở châu Âu, hơn 80% vốn FDI gia tăng là nhờ sự thay đổi lớn trong các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Mỹ đã tăng hơn gấp đôi do sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A). Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC), ghi nhận mức tăng trưởng phục hồi khiêm tốn hơn. Dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 30% lên gần 870 tỷ USD, trong đó Đông và Đông Nam Á tăng 20%, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận sự phục hồi gần mức trước đại dịch. Dòng tiền đầu tư vào châu Phi cũng tăng, song hầu hết các nước nhận đầu tư ở châu lục này đều cho rằng FDI tăng vừa phải.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynp nhấn mạnh sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển là điều đáng khích lệ, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự trì trệ đầu tư mới ở các nước kém phát triển nhất trong các ngành quan trọng đối với năng lực sản xuất và các lĩnh vực chính thuộc Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) như điện, thực phẩm hoặc y tế. Theo báo cáo, FDI toàn cầu có thể tăng trưởng trong năm 2022, song khó có thể lặp lại tốc độ tăng trưởng phục hồi như của năm 2021. Nguồn vốn dự án quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng FDI.Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 vẫn có thể là nguy cơ làm giảm sút mạnh dòng tiền đầu tư. Ngoài ra, có thể có các rủi ro quan trọng khác ảnh hưởng đến dòng vốn FDI năm 2022, bao gồm tắc nghẽn về lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát gia tăng.

Đã có hơn 5,6 triệu người trên thế giới tử vong vì COVID-19: Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 2.165.214 ca mắc COVID-19 và 4.624 ca tử vong. Ấn Độ là nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất trên thế giới trong 1 ngày, trong khi Nga có số ca tử vong cao nhất. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 24/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 351.914.175 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.614.333 ca tử vong. Số ca hồi phục là 279.683.155 ca. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 2.165.214 ca mắc COVID-19 và 4.624 ca tử vong. Ấn Độ là nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất trên thế giới trong 1 ngày, với 305.171 ca, trong khi Nga có số ca tử vong cao nhất, với 679 ca. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với 71.925.931 ca mắc và 889.197 ca tử vong. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thủ đô Washington D.C của Mỹ đang siết chặt hơn các quy định phòng dịch trong trường học, đồng thời khuyến khích tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 25/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky nêu rõ vaccine đã chứng minh hiệu quả gần 91% phòng ngừa bệnh COVID-19 ở trẻ em trong độ tuổi này.Các tác dụng phụ không nhiều như đối với người lớn, chủ yếu là đau bắp tay ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 17,9% trong nhóm tuổi này được tiêm chủng đầy đủ. CDC Mỹ cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên chủ quan với biến thể Omicron bởi khả năng lây nhiễm cao của biến thể này. Omicron đã “quét” qua hầu hết dân số trưởng thành, hiện tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em cũng đang tăng vọt. Các số liệu mới nhất cho thấy tổng số ca nhiễm ở trẻ em ở mức cao nhất là 580.000 ca, cao hơn gấp đôi so với mức cao nhất trong mùa Hè năm ngoái. Tỷ lệ nhập viện của trẻ em Mỹ cũng đang tăng mạnh, nhiều trường hợp trẻ em chuyển nặng là do sự kết hợp của biến thể mới với tình trạng sức khỏe của trẻ có bệnh nền.Trong khi đó, Bộ Y tế Israel thông báo kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 60 tuổi giúp tăng khả năng bảo vệ trước nguy cơ biến chứng nặng gấp 3 lần so với những người chỉ tiêm 3 mũi ở cùng nhóm tuổi. Kết quả trên được đưa ra dựa trên số liệu của khoảng 400.000 người cao tuổi đã tiêm 4 mũi vaccine, so với số liệu của 600.000 người cùng nhóm tuổi chỉ 3 mũi trước đó ít nhất 4 tháng.Nghiên cứu của Israel cho kết quả tương đồng với các nghiên cứu trước đó ở Mỹ, Đức, Nam Phi và Anh, theo đó cho thấy các loại vaccine hiện nay kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron, nhưng mũi bổ sung có thể giúp tăng đáng kể khả năng này.Trước đó trong tháng này, Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 60 tuổi.

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được ThaiNguyentv.vn đăng tải:

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề Biển Đông: Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
(Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 14/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển. Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, theo đó Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các Bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”.

Hơn 60 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng Một: Khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng đầu năm chưa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh là do hoạt động giao thương kinh tế còn chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 1/2022, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 60 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 2 triệu TEUs. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, khối lượng hàng hóa trong tháng đầu năm chưa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh là do hoạt động giao thương kinh tế còn chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 và đợt cao điểm nhập khẩu hàng hóa dịp Tết của Mỹ, châu Âu mới kết thúc nên thị trường vận tải biển có phần chững lại.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Tàu container tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhận định về cơ hội đối với cảng biển Việt Nam năm 2022, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ, thị trường vận tải đường biển cũng trở nên sôi động. Nếu đầu năm 2020, đơn đặt đóng mới tàu container chỉ chiếm 8,5% sức chở đội tàu hiện có thì hiện con số này chiếm đến 23-24%. Theo thống kê của Alphaliner (công ty phân tích vận tải biển), số lượng tàu đóng mới sức chở 8.000-24.000 TEU chiếm tới gần 22%, nghĩa là 1/4 số tàu đóng mới đều từ 8.000 TEU trở lên. "Theo dự báo, sự phấn khích trong thị trường vận tải container sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Đội tàu container phát triển và xu thế tăng trọng tải tàu sẽ là cơ hội lớn cho cảng biển Việt Nam, trọng tâm là các cảng cửa ngõ Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện (Hải Phòng)," ông Trần Khánh Hoàng cho hay.

Mở cửa trường học trở lại ,vì lợi ích tốt nhất của học sinh: Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục-Đào tạo.

Kế hoạch năm học, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo, tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương để thống nhất lộ trình cụ thể mở cửa các trường học trở lại trên toàn quốc. Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy trước khi có vaccine, việc học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu, việc đưa học sinh quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng thực hiện đo thân nhiệt khi tới trường học trực tiếp từ sáng 10/1 vừa qua. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo khảo sát của UNICEF, tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình "Sống chung với COVID-19" và việc mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Số liệu của UNICEF và UNESCO ngày 7/1 vừa qua cho thấy khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có 26 nước thì 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần (trong đó có Việt Nam). Các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO. Trong đó, có các quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học. Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết: Khi trường học đóng cửa đã tác động rất lớn đến trẻ em và những rủi ro các em gặp phải khi nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với rủi ro khi các em quay trở lại trường. UNICEF đã có những nghiên cứu và bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine COVID-19 đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi cùng những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và nhận thức của người dân tăng lên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: Đây là thời điểm hết sức hợp lý và cần thiết để đưa học sinh trở lại trường.

Theo thông tin của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nhóm từ 0-17 tuổi chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18-49 là trên 15%. Do đó, đại diện Cục Quản lý môi trường đề xuất, sau Tết Nguyên đán, các tỉnh, thành phố nên cho học sinh từ 12-17 tuổi đi học trở lại. Lứa tuổi mầm non và Tiểu học cũng cần tính toán lộ trình để trẻ được đến trường.

Trong thời gian học trực tiếp, cả thầy và trò đều bị động trong việc dạy và học online khiến cho học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức. Thêm vào đó, chất lượng đường truyền kém, phương tiện học tập không đảm bảo… cũng làm cho học sinh căng thẳng, mệt mỏi, giảm trí nhớ. Ở nhà nhiều, tiếp cận với phương tiện internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang lo lắng. Cùng chung quan điểm về việc đưa học sinh trở lại trường, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh chúng ta cần chọn thời điểm an toàn nhất để cho học sinh đến trường chứ không thể có an toàn tuyệt đối. Đã đến lúc, Chính phủ cần quan tâm, chăm lo để học sinh quay trở lại trường học một cách thuận lợi nhất.

* Các tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải:

Thái Nguyên nỗ lực chăm lo tết cho người nghèo: Đã trở thành truyền thống tốt đẹp, cứ mỗi dịp tết đến, công tác chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn lại được các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên tích cực thực hiện, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nhà nhà đều có tết, người người đều có tết”. Trong những ngày giáp tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, truyền thống tốt đẹp đó lại tiếp tục được phát huy. Nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu may mắn đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia ấm áp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, chăm lo cho đối tượng nghèo, yếu thế nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung là một nhiệm vụ quan trọng, coi đây là một trong những trụ cột vững chắc cho phát triển biền vững. Trong đó “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022” là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực, biển hiện sinh động nhất cho tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm là rách của dân tộc; nhằm chia sẻ và lan tỏa tinh thần tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ người nghèo, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vui Xuân, đón Tết.

Hàng nghìn suất quà đã được trao tặng đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhiều ngôi nhà đại đoàn kết đã được hỗ trợ chi phí xây dựng, góp phần giúp những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết ấm áp, sum vầy. Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022 đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng tích cực, tạo ra động lực, khí thế mới, “Mừng Đảng - Mừng Xuân”, quyết tâm thi đua, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng Thái Nguyên “Bình yên - Hạnh phúc - Sung túc và Phát triển”.

Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022: Nằm trong chuỗi các hoạt động của “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên phát động, ngày 24/1, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã tham dự chương trình cắt băng khánh thành Nhà Văn hoá xóm Xuyên Sơn, trao tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; trao tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đồng chí Mai Thị Thuý Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Võ Nhai.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.

Công trình Nhà văn hoá xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa do Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long tài trợ với trị giá 1,2 tỷ đồng. Sau khi khánh thành đưa vào sử dụng sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng của trên 80 hộ dân nơi đây. Dự lễ cắt băng khánh thành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng khi thấy đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Toàn xóm chỉ còn 18 hộ nghèo. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và sự nỗ lực của người dân, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống điện, đường... được đầu tư xây dựng khang trang. Chúc mừng bà con có nhà văn hoá mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Võ Nhai đã tặng nhiều thiết bị điện tử cho Nhà văn hoá xóm Xuyên Sơn.

Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng 50 chiếc xe đạp và 25 máy tính bảng cho học sinh nghèo của xã Thần Sa. Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long cũng trao tặng trên 300 suất quà Tết cho các hộ nghèo và hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà đại đoàn kết tại xã Thần Sa với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Trước đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã thăm và chúc Tết ông Nông Văn Thịnh là người cao tuổi ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường và gia đình bà Lý Thị Khào là vợ liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ tại xóm Kim Sơn, xã Thần Sa.

Đại học Thái Nguyên biểu dương các nhà khoa học tiêu biểu: Ngày 21/1, Đại học Thái Nguyên đã tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và đối ngoại năm 2021, triển khai hoạt động năm 2022 và gặp mặt, biểu dương khen thưởng các nhà khoa học, nhà giáo tiêu biêu có thành lích xuất sắc.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã được khen thưởng.

Trong năm, Đại học Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 37 đề tài KHCN cấp Quốc gia, 62 đề tài cấp Bộ, 14 đề tài cấp Đại học, hơn 700 đề tài cấp cơ sở. Về hoạt động đối ngoại, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác hợp tác quốc tế dược những thành quả tích cực như: Mở mới chương trình liên kết; phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, quản lý tốt người nước ngoài đến công tác và học tập tại ĐHTN; cũng như đưa nhều cán bộ, giảng viên và sinh viên đi công tác, học tập ở nước ngoài.

Năm 2022, ĐHTN sẽ xây dựng định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm giải quyết nhũng vấn để cấp bách và thiết thực cho vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương; chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác có uy tín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và khoa học - công nghệ, tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên, tích cực tìm kiếm các chương trình, dự án hợp tác quốc tế.

Công khai, minh bạch thông tin đấu giá tài sản: Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021, Thái Nguyên đã đưa các thông tin đấu giá tài sản lên ứng dụng C - Thái Nguyên và mang lại hiệu quả rất tích cực. Năm 2021, thị xã Phổ Yên đã tổ chức đấu giá thành công hàng trăm lô đất, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước với mức trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Hàng trăm khách hàng từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia đấu giá do thông tin được công khai, minh bạch trên nhiều phương tiện, trong đó có ứng dụng C - Thái Nguyên.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/1 đến ngày 25/1/2022
Năm 2021, thị xã Phổ Yên đã tổ chức đấu giá thành công hàng trăm lô đất, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước với mức trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Ông Dương Văn Diễn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phổ Yên cho hay: "Đây là hình thức có tính công khai, minh bạch rõ ràng, được khách hàng và nhân dân khắp nơi biết đến; công dân trên toàn quốc có đủ điều kiện để tham gia đấu giá tài sản theo quy định".

Ông Trần Mạnh Phong, Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Bắc cho biết: "Ứng dụng C - Thái Nguyên giúp cho mọi thông tin đấu giá công khai, minh bạch về việc bán tài sản đấu giá của Nhà nước, tài sản khác".

Với sự kết hợp của Sở Tư pháp và Viettel Thái Nguyên, từ năm 2021, thông tin về các tài sản đấu giá trên địa bàn toàn tỉnh đã được công khai rộng rãi trên ứng dụng C - Thái Nguyên. Mọi người dân đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các tài sản được đưa ra đấu giá, cũng như có thể phản hồi ngay lập tức về những thông tin liên quan đến quá trình đấu giá lên ứng dụng C - Thái Nguyên.

Bà Lê Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thái Nguyên nhấn mạnh: "Việc công khai thông tin bán đấu giá tài sản nhằm bảo vệ quyền lợi của người có tài sản bị kê biên, người tham gia đấu giá; đồng thời, để người dân giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản của chấp hành viên cơ quan thi hành án".

Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi thấy rằng việc đăng ký của các tổ chức đấu giá lên C - Thái Nguyên là một yêu cầu cần thiết trong thực hiện Luật Đấu giá tài sản và tăng cường được vai trò quản lý Nhà nước để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm Luật Đấu giá tài sản cùng các quy định của pháp luật".

Từ hiệu quả của việc đưa thông tin đấu giá tài sản lên ứng dụng C - Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin cũng như các nội dung liên quan để tiến tới tổ chức đấu giá tài sản trực tuyến trong thời gian tới./