* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm:

Ấn Độ quyết định mở cửa biên giới cho du khách đến từ 99 quốc gia: Khi đến Ấn Độ, du khách của 99 quốc gia phải khai báo tình trạng tiêm chủng tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ.

Hành khách đến từ 99 quốc gia, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 nay có thể đến Ấn Độ mà không cần phải cách ly bắt buộc.

Theo bản hướng dẫn sửa đổi của Chính phủ Ấn Độ, một số quốc gia trong danh sách miễn trừ nêu trên bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Australia, Bỉ, Bangladesh, Phần Lan, Croatia, Hungary, Nga, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biện pháp miễn trừ được áp dụng tiếp sau thỏa thuận của Ấn Độ với một số nước trong số 99 quốc gia về việc công nhận lẫn nhau chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đối với những vaccine được quốc gia hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

Mặt khác, một số quốc gia trong danh sách “Loại A” mặc dù không có thỏa thuận công nhận vaccine với Ấn Độ nhưng cho phép công dân Ấn Độ đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh không phải cách ly.

Bản hướng dẫn nêu rõ: “Quyết định nới lỏng các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với khách quốc tế đến từ 99 quốc gia được đưa ra trên cơ sở có đi có lại."

Theo quy định, du khách đến từ 99 quốc gia phải tự khai báo về tình trạng tiêm chủng đầy đủ của mình tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình báo cáo xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Hành khách cũng cần phải nộp một bản khai báo liên quan đến tính xác thực của báo cáo RT-PCR và sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố hình sự nếu khai báo đó bị phát hiện là giả.

Những du khách mới chỉ tiêm một phần hoặc chưa tiêm vaccine COVID-19 sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm khi đến Ấn Độ và trải qua thời gian cách ly 7 ngày tại nhà, sau đó xét nghiệm lại vào ngày thứ 8, và nếu kết quả âm tính, sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe của mình trong 7 ngày tiếp theo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ chính phủ vỡ nợ:

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo trên trong thư đề ngày 16/11 kêu gọi các nghị sỹ lưỡng viện quốc hội nước này nâng mức trần nợ công để tránh kịch bản chính phủ vỡ nợ.

Chính phủ Mỹ đang cận kề nguy cơ vỡ nợ và có thể cạn kiệt ngân sách vào ngày 15/12 tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo trên trong thư đề ngày 16/11 kêu gọi các nghị sỹ lưỡng viện quốc hội nước này nâng mức trần nợ công để tránh kịch bản chính phủ vỡ nợ.

Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Yellen cho biết Mỹ sẽ chạm trần nợ công vào ngày 15/12 tới, chậm hơn 2 tuần so với dự đoán ban đầu là ngày 3/12. Khoảng thời gian 12 ngày "gia hạn" này sẽ cho phép Quốc hội Mỹ có thêm thời gian để đạt thoả thuận về vấn đề trần nợ công.

Tuy nhiên, bà cảnh báo quốc hội không sớm nâng hoặc đình chỉ áp mức trần nợ công, Bộ Tài chính có thể sẽ không còn đủ nguồn lực để duy trì các hoạt động của chính phủ sau thời hạn chót trên.

Trong những tháng gần đây, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi về việc nâng mức trần nợ công. Ngày 14/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD, qua đó phần nào giảm áp lực vỡ nợ liên bang. Luật trên cho phép nâng giới hạn nợ công thêm 480 tỷ USD.

Các cuộc đàm phán mới nhất về mức trần nợ công giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua kế hoạch "Xây dựng lại tốt hơn" nhằm đầu tư 1.850 tỷ USD vào các dịch vụ an sinh xã hội và ngành giáo dục của Mỹ.

Đảng Cộng hòa thiểu số trong quốc hội phản đối kế hoạch này, tuyên bố sẽ không đồng ý tăng trần nợ để chi trả cho kế hoạch trên. Do đó, nhiều khả năng lần này các thành viên đảng Dân chủ sẽ phải tự nâng giới hạn nợ mà không có sự trợ giúp của các đảng viên Cộng hòa.

Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và trái phiếu kho bạc của nước này đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bộ trưởng Yellen từng cảnh báo việc Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn đến suy thoái và làm tổn hại vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo việc Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ công sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn.

Kỳ vọng thuốc điều trị COVID-19 làm thay đổi cuộc chiến chống đại dịch: Một số công ty dược công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 và điều này hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,1 triệu người tử vong.

Kể từ đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều hãng dược trên thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu và bào chế vaccine phòng chống bệnh, nhờ đó hàng triệu người đã được cứu sống.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời gian vừa qua, một số công ty dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 và điều này hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,1 triệu người trên toàn cầu tử vong. Hồi đầu tháng 11, thuốc kháng virus molnupiravir của hãng dược Merck (Mỹ) trở thành thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc COVID-19 vừa và nặng. Theo báo cáo các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc molnupiravir, có tên thương mại là Lagevrio, giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, thuốc thuốc kháng virus dạng viên có tên Paxlovid của hãng dược Pfizer đã chứng minh giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc COVID-19 nặng. Cả hai loại thuốc này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Các chuyên gia y tế cho biết với tác dụng của 2 loại thuốc trên trong điều trị COVID-19 cùng với việc tiêm vaccine, các quốc gia sẽ có khả năng sống chung với dịch bệnh. Ông Sanjaya Senanayake, bác sỹ về bệnh truyền nhiễm đồng thời là Phó Giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng do con người sẽ sống chung lâu dài với COVID-19, việc bào chế các loại thuốc điều trị này là rất quan trọng. Ông khẳng định tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất nhằm giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nhập viện, trong khi những loại thuốc điều trị dạng uống củng cố "kho vũ khí" của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch.

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này, các loại thuốc điều trị sẽ giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người không thể tiêm vaccine hoặc những người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều.Trong khi đó, Phó Giáo sư Ashley Brown thuộc Viện Đổi mới Trị liệu tại Đại học Y khoa Florida nhấn mạnh việc bào chế ra thuốc kháng virus dạng uống được xem là yếu tố "thay đổi cuộc chơi," bởi những loại thuốc này sẽ sẵn có để cung ứng rộng rãi cho người dân. Theo bà Brown, người mắc COVID-19 có thể tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19 dạng uống trong thời gian đầu của bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh, qua đó người này có thể tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp cận sớm với thuốc điều trị COVID-19 dạng uống phụ thuộc vào năng lực truy vết và xét nghiệm của từng quốc gia và hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của 2 loại thuốc này trong trường hợp người bệnh chưa được điều trị ngay. Giới khoa học cũng bày tỏ quan ngại về khả năng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh sẽ kháng thuốc. Đây cũng là mối quan ngại đặt ra đối với việc phát triển các phác đồ điều trị các bệnh do virus mãn tính gây ra, trong đó có cả thuốc kháng virus của hãng Pfizer. Do vậy, giới khoa học cho rằng các hãng dược cần nghiên cứu các loại thuốc mới để có thể sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị COVID-19 dạng viên hiện có, qua đó ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Phó Giáo sư Ashley Brown cho biết các loại thuốc tương tự như thuốc molnupiravir của hãng Merck được biết đến là có khả năng cao ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Ông Alejandro Chavez, Phó Giáo sư về tế bào học tại Đại học Columbia, New York, nhận định rất khó để có thể biết mức độ hiệu quả của thuốc điều trị COVID-19 trong thời gian dài, song các số liệu trong ngắn hạn cho thấy các thuốc điều này có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus SARS-CoV-2. Ông Chavez nói rõ cách duy nhất để đánh giá rủi ro dài hạn là kết hợp các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với nghiên cứu dịch tễ học.Ông cũng nhấn mạnh nếu loại thuốc điều COVID-19 dạng viên của hai hãng trên có thể giúp kiểm soát đại dịch, điều này sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

ASEAN-Trung Quốc: Singapore, Philippines nhận định tình hình Biển Đông:

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực - bao gồm cả việc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông. Ngày 21/11, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng đã đến lúc ASEAN và Trung Quốc nên tích cực hợp tác để mở cửa lại biên giới với nhau trong bối cảnh các quốc gia khu vực đạt được tiến bộ trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, bao gồm phát triển các giải pháp kỹ thuật số, khả năng tương tác và đảm bảo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận giấy chứng nhận vaccine của nhau. Nhà lãnh đạo Singapore cũng kêu gọi các nước thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc cũng như Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc.

Ông lưu ý rằng cả hai bên đã tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành. Năm ngoái, ASEAN trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều hằng năm hiện là hơn 500 tỷ USD. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực - bao gồm cả việc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông. Ông hoan nghênh cuộc đối thoại hiệu quả với Trung Quốc và mong đợi các cuộc thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác mới. Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh khẳng định luật pháp là cách thức duy nhất để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.

Hội nghị này là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong 30 năm qua, đề ra định hướng quan trọng trong giai đoạn mới nhằm đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm mức của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vừa được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 (26/10/2021).

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được ThaiNguyentv.vn đăng tải:

Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong đại đoàn kết toàn dân: Là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trải qua 91 năm ra đời và phát triển (18/11/1930-18/11/2021) với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc."

Trong 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức, vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp; kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Đưa công tác Mặt trận về cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân

Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Ngày hội nhằm xây dựng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Điệu múa cồng chiêng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư Ka Tăng- Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội vào ngày 14/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kết quả của Ngày hội đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Nhật Bản:

Chiều 22/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11/2021.

Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi đảm nhận cương vị và là vị khách quốc tế đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác này có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tham gia đoàn còn có các lãnh đạo một số Bộ, ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.Thông qua đó Việt Nam khẳng định sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh quốc phòng, đa phương, giao lưu nhân dân, xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiện, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vaccine và thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng và hợp tác tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế hai nước cùng quan tâm.

Nếu chủ quan, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hiện hữu: Giáo sư Kính nhấn mạnh tâm chấn của dịch COVID-19 sẽ quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Bộ Y tế nhận định đến nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên dịch có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Tại một số tỉnh phía Nam, mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng dẫn tới nhiều khó khăn trong việc khống chế nhanh các ổ dịch.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay hiện cả nước tuy đã khống chế được dịch nhưng nguy cơ vẫn còn đó. Tâm chấn của dịch COVID-19 đang quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

5K + tiêm vaccine: “Chìa khóa” phòng bệnh

Gần đây, có thông tin 86% bệnh nhân nhập các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine và có 17 trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi (thống kê trong hai ngày 10-11/11) được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng.

Đề cập đến lo ngại trên, Giáo sư Nguyễn Văn Kính cho biết dịch COVID-19 đã tràn ra khắp 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với hơn 253 triệu người mắc, trên 5 triệu ca tử vong.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến thể virus COVID-19 mới. Trước đây, virus COVID-19 lây qua tiếp xúc gần do các giọt bắn nước bọt hoặc do tiếp xúc với dịch cơ thể. Tuy nhiên, các chủng virus mới như chủng Delta có thể lây nhiễm qua đường không khí.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh nếu chu kỳ lây nhiễm của chủng virus Vũ Hán là từ 7-14 ngày thì chủng Delta chỉ có 2 ngày. Như vậy, cùng một lúc trong cộng đồng có thể có nhiều người nhiễm hơn. Vì vậy, dịch COVID-19 thường bùng phát tại các khu công nghiệp hay những gia đình đông người có không gian sống chật, các hẻm, ngõ nhỏ của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều căn hộ chỉ có diện tích từ 9-10 m2 nhưng có tới 4-5 người sinh sống khiến tốc độ lây truyền bệnh tăng mạnh.

Theo giáo sư Kính, tỷ lệ bảo vệ của vaccine đối với COVID-19 không phải là 100%. Người tiêm vaccine vẫn mắc chủng mới bình thường, tuy nhiên tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong có thấp hơn. Song nếu những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi mắc bệnh có chỉ số CT-Value ở ngưỡng trên 30 thì không có khả năng lây nhiễm cho người khác (Chỉ số CT>=30 trong tiêu chuẩn xuất viện tức là người đó đã có tải lượng virus rất thấp, khó lây). Đó là những lợi ích của việc tiêm phòng vaccine mang lại.“Còn nhiều trường hợp đã tiêm vaccine nhưng có các bệnh lý nền, khi mắc thêm bệnh COVID-19 họ có thể tử vong do bệnh lý nền chưa được kiểm soát tốt, chẳng hạn như những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường…” giáo sư Kính nhấn mạnh. Vì vậy, để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, mọi người dân vẫn cần thực hiện nghiêm 5K + tiêm vaccine và điều trị hiệu quả cần thực hiện tổng thể, không riêng lẻ là giải pháp trong tình hình hiện nay.

* Các tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải:

Định hướng tập trung tuyên truyền các nội dung quan trọng trong công tác đối ngoại: Ngày 17/11, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc báo cáo viên tháng 11 với sự tham gia của trên 1.050 điểm cầu. Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Hội nghị trực tuyến toàn quốc báo cáo viên tháng 11 với sự tham gia của trên 1.050 điểm cầu

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện của Ủy ban Biên giới quốc gia, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội báo cáo các chuyên đề: Thành quả cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Tình hình quan hệ ngoại giao của Việt Nam-Campuchia thời gian gần đây; Công tác đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Về định hướng thời gian tới, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tiếp tục chú trọng vào các nội dung trong công tác thông tin đối ngoại, hoạt động quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những thành quả của công tác đối ngoại nhằm làm nổi bật vai trò, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như hoạt động giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 22, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng:

Ngày 22/11 đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 22, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và thảo luận, cho ý kiến vào 48 nội dung về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các Ban xây dựng Đảng Trung ương, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.

48 nội dung trình tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 22, gồm các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; Các nội dung xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh; Chủ trương thực hiện Phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị - du lịch phía Tây Nam và Khu đô thị sinh thái phía Tây Bắc xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên; Đầu tư Khu đô thị City Home, thị xã Phổ Yên; Khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại thị xã Phổ Yên; Cấp phép khai thác mỏ than Đồi Còi, huyện Phú Lương; Điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của một số đơn vị trực thuộc UBND huyện Đồng Hỷ.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 22

Tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số; Tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước; Một số hoạt động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Đây đều là những nội dung quan trọng, có tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và những năm tới đây.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Đối với các nội dung do Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về chủ trương và giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến tại hội nghị, chỉ đạo bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung văn bản trình HĐND tỉnh khóa 14, nhiệm kỳ 2021-2026 xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đối với các nội dung xin chủ trương một số dự án, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ văn bản bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các bước tiếp theo theo quy trình, quy định.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông người lao động, dân cư sinh sống và tại các địa phương giáp ranh với các tỉnh có dịch. Tập trung rà soát, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2021; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 bảo đảm hiệu quả, khả thi, đạt mục tiêu cao nhất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các Chương trình, Đề án có tính khả thi cao, hiệu quả mang lại lớn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Rà soát hiện trạng diện tích rừng phòng hộ hồ Núi Cốc: Ngày 17/11, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp hiện trạng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ hồ Núi Cốc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe kết quả rà soát, tổng hợp hiện trạng tại diện tích quy hoạch rừng phòng hộ hồ Núi Cốc; các dự án đã và đang thực hiện tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc; kết quả quy hoạch đất rừng trên địa bàn tỉnh.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Toàn cảnh buổi làm việc trực tuyến.

Các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng rừng và đất rừng; căn cứ pháp lý, tiêu chí chuyển đổi các loại đất rừng để phù hợp với Quyết định quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên của Thủ tướng Chính phủ và hiện trạng đất rừng của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; quản lý chặt chẽ các loại rừng của tỉnh. Các sở, ngành liên quan khi tham mưu các dự án đầu tư liên quan đến đất rừng tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc cần phải căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành của Luật Đất đai, văn bản Quy hoạch 3 loại rừng nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh: Thời gian qua, để ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19, cùng với việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu, tỉnh Thái Nguyên còn đặc biệt coi trọng phát huy vai trò của “Tổ COVID-19 cộng đồng” – Những "cánh tay nối dài" trong công tác phòng, chống dịch. Đây cũng là mô hình thể hiện sức mạnh của cả cộng đồng, chung tay phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của nhân dân ta.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Các Tổ COVID tại cộng đồng đã phát huy vai trò, hiệu quả với việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Cùng với các lực lượng chức năng, các Tổ COVID tại cộng đồng đã phát huy vai trò, hiệu quả với việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; qua đó, hỗ trợ chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, giám sát công dân, góp phần khống chế dịch một cách hiệu quả.

Anh Nguyễn Bá Lợi, ở tổ 12, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Tổ dân phố xuống tuyên truyền để dán mã QR và quét mã. Tôi thấy rất thuận lợi, khách đến mua hàng ai cũng hưởng ứng quét mã. Khi xảy ra dịch bệnh, biết cách phòng tránh để không lây lan cho cộng đồng".

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Lạp, thành phố Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc giám sát người dân thực hiện các quy định của địa phương về công tác phòng, chống dịch".

Hoạt động của Tổ COVID cộng đồng không chỉ mang lại hiệu quả cụ thể trong công tác phòng, chống dịch ở phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, mà còn đang được nhân rộng và có đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát, phòng ngừa và khống chế dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 2.300 Tổ COVID cộng đồng với trên 15.000 thành viên, đạt tỷ lệ 100% xóm, tổ dân phố thành lập được Tổ COVID cộng đồng. Có thể khẳng định, đây là mô hình hoạt động trực tiếp gần dân, sát dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và cũng là minh chứng cho thấy, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng cùa nhân dân.

TP .Thái Nguyên: Đảm bảo an toàn cho ngày đầu đi học trở lại: Thực hiện công văn số 1375 của UBND TP Thái Nguyên về việc tổ chức dạy học trực tiếp, ngày 22/11, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP Thái Nguyên đã tổ chức dạy học trực tiếp. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bên cạnh đảm bảo công tác dạy và học theo khung chương trình, các nhà trường, giáo viên và học sinh đều không lơ là, chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh.

Trường mầm non Trưng Vương hiện có 12 lớp với trên 400 học sinh. Trong ngày đầu đi học trở lại, nhà trường đã tổ chức đón trẻ ngay tại cổng trường thay vì ở lớp như trước. Các cô tiến hành đo thân nhiệt, trang bị thêm khẩu trang, sát khuẩn tay cho trẻ, bố trí thời gian biểu hợp lý để đảm bảo thực hiện giãn cách và cự ly an toàn theo quy định.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2021
Các nhà trường bố trí thời gian biểu hợp lý, đảm bảo thực hiện giãn cách và cự ly an toàn theo quy định.

Bà Đỗ Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên thông tin: “Với đặc điểm sân trường nhỏ hẹp nên nhà trường phải phân khung giờ với các khối, lớp để đảm bảo không bị ùn ức, không tập trung quá đông phụ huynh dồn đến vào một thời điểm; Phân chia thời gian, đường đến vào các lớp để đảm bảo yếu tố phân luồng và giãn cách cho các cháu”.

Anh Dương Hoàng Nghĩa, tổ 9, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi thấy cũng rất vui mừng khi các cháu được quay trở lại trường học. Sau 1 thời gian nghỉ dịch ở nhà thì việc học của các con bị xáo trộn. Phụ huynh hay phải nghỉ việc ở nhà để trông con. Đến trường thấy các cô phân luồng, đảm bảo giãn cách, thực hiện các biện pháp theo quy định 5K nên tôi thấy cũng yên tâm, không quá lo lắng”.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định 5K của các nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần nắm chắc các quy định phòng chống dịch tại gia đình như: Hạn chế tiếp xúc với người thường xuyên đi xa hoặc mới đi từ vùng dịch trở về địa phương; Cho học sinh nghỉ học nếu có biểu hiện ho, sốt và phải chủ động thông báo với cơ quan y tế địa phương và nhà trường.

Với trên 1.300 học sinh, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân là một trong các trường có số học sinh lớn nhất TP Thái Nguyên. Thực hiện quy định 5K trong phòng, chống dịch bệnh, trước giờ vào học và nghỉ giữa giờ, nhà trường thực hiện phát thanh tuyên truyền, yêu cầu các em không tụ tập vui chơi ngoài sân trường mà nghỉ giữa giờ ngay trong lớp. Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Nhà trường chúng tôi đã xây dựng các phương án, các tình huống khi phát hiện F0, F1 cụ thể để không bị lúng túng, bị động”.

Cùng với việc dạy học trực tiếp, các trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học ăn bán trú. Thời điểm này, không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn, công tác phòng, chống dịch được các nhà trường thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Công ty TNHH Green Food Thái Nguyên cho biết về cách làm của đơn vị: “Công ty chúng tôi nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, rửa và sục ôzon cẩn thận, trường có người xác nhận theo đúng thực đơn của các cháu”.

Trước những diễn biến phức tạp khi xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, để phục vụ cho công tác truy vết trong phòng chống dịch COVID-19, trong sáng 22/11, các trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên thuộc các phường: Phan Đình Phùng, Đồng Quang, Cam Giá, Phú Xá và xã Quyết Thắng đã tạm thời cho học sinh nghỉ học. Sau khi kết thúc công tác truy vết, các trường sẽ tiếp tục tổ chức việc dạy học trực tiếp theo kế hoạch đã đề ra.