* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm:

Anh dự kiến hỗ trợ thêm 1,3 tỷ USD cho các nước đang phát triển: Chính phủ Anh, quốc gia cam kết chi 11,6 tỷ bảng Anh (15,9 tỷ USD) tài trợ cho đối phó với biến đổi khí hậu trong 5 năm tới, đã cam kết không phát thải ròng muộn nhất là vào năm 2050.

Thủ tướng Anh Boris Johnson có ý định tăng hỗ trợ tài chính các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Anh. Truyền thông cho biết Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ cam kết thêm 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho các nước phát triển vào năm 2025 nếu nền kinh tế Anh tăng trưởng như dự báo.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các quốc gia hành động chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi đó, tổng cam kết hỗ trợ tài chính của Anh cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sẽ tăng lên 12,6 tỷ bảng Anh vào năm 2025. Nhà lãnh đạo Anh dự kiến cũng sẽ đề nghị các quốc gia cam kết về việc loại bỏ than đá, chuyển sang sử dụng xe điện, chấm dứt nạn phá rừng và cam kết tài chính để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Nếu hôm nay chúng ta không nghiêm túc về biến đổi khí hậu thì sẽ quá muộn cho con em chúng ta làm như vậy trong tương lai." Chính phủ Anh, quốc gia cam kết chi 11,6 tỷ bảng Anh (15,9 tỷ USD) tài trợ cho đối phó với biến đổi khí hậu trong 5 năm tới, đã cam kết không phát thải ròng muộn nhất là vào năm 2050.

Theo mục tiêu được đặt ra từ năm 2009, các nước phát triển cam kết sẽ đóng góp 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020. Việc mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm các nỗ lực xác lập mục tiêu mới về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.

Theo Hiệp định Paris được ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C hoặc càng gần mức 1,5 độ C càng tốt. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C và chỉ có việc cắt giảm khí thải nghiêm ngặt mới giữ được mức tăng đó ở ngưỡng 1,5 độ C. Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới được công bố vào đúng ngày khai mạc Hội nghị COP26, 31/10, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra thường xuyên hơn, và từ năm 2015 đến nay thế giới đã trải qua 7 năm liền nóng nhất trong lịch sử.

Trung Quốc đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 đang lan rộng:

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn kiên định theo đuổi chính sách Zero COVID, bất chấp các đợt bùng phát đang tăng với tốc độ nhanh hơn, lan rộng hơn và vượt qua nhiều biện pháp kiểm soát được áp dụng. Theo hãng tin Bloomberg, thêm nhiều tỉnh tại Trung Quốc đang tăng cường chống dịch COVID-19 sau khi ghi nhận đợt bùng phát mạnh nhất kể từ sau khi đại dịch này nổ ra từ thành phố Vũ Hán hồi năm 2019.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, ngày 2/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương, bất chấp các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Đến nay, số ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 19 trong số 31 tỉnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo có 93 ca mắc mới trong cộng đồng và 11 ca bệnh không triệu chứng. Ba tỉnh mới nhất ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là Trùng Khánh, Hà Nam và Giang Tô, thuộc khu vực duyên hải miền Đông Trung Quốc.

Địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhất là Hắc Long Giang (35 ca). Tiếp đến là Hà Bắc (14 ca), Cam Túc (14 ca), Bắc Kinh (9 ca), khu tự trị Nội Mông (6 ca)....

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn kiên định theo đuổi chính sách "Zero COVID," bất chấp các đợt bùng phát đang tăng với tốc độ nhanh hơn, lan rộng hơn và vượt qua nhiều biện pháp từng được Bắc Kinh áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, một số quốc gia, như Singapore và Australia đã thay đổi phương pháp từ "Zero COVID" sang sống chung an toàn và coi đây là một căn bệnh đặc hữu.

Mỹ hỗn loạn tại lễ hội âm nhạc khiến ít nhất 8 người thiệt mạng: Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong khi nhiều người khác đã được chuyển đến bệnh viện sau khi xảy ra hỗn loạn tại hội âm nhạc Astroworld ở thành phố Houston, bang Texas.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Cảnh sát có mặt bên ngoài nơi tổ chức lễ hội âm nhạc. (Nguồn: click2houston)

Tối 5/11 (giờ địa phương), giới chức cho biết ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại lễ hội âm nhạc Astroworld ở thành phố Houston, bang Texas miền nam nước Mỹ. Đội trưởng cứu hỏa thành phố Houston Samuel Pena cho biết đám đông bắt đầu dồn về phía trước sân khấu và gây ra tình trạng hỗn loạn. Ít nhất 8 người đã được xác định thiệt mạng trong tối nay và một số lượng lớn người khác đã bị thương. Nguyên nhân dẫn đến tử vong chưa thể được xác nhận cho đến khi các cuộc kiểm tra y tế hoàn tất. "Chúng tôi đã chuyển 17 bệnh nhân đến bệnh viện... 11 người trong số đó được vận chuyển trong tình trạng ngừng tim," ông Samuel Pena nói thêm./.

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị COP26: Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành...

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 1/11 (giờ Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị COP26 có Lãnh đạo và đại diện của 197 Bên tham gia Công ước, trong đó có và hơn 120 Nguyên thủ và Thủ tướng các nước.

Hội nghị được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Trong phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao; đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế:

Tối 6/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác vừa kết thúc chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11, thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến ngày 5/11. Chuyến công tác thành công rất tốt đẹp, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giải quyết những vấn đề mang tỉnh toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Pháp.

Tập trung phân bổ vaccine để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp Chính phủ vào chiều 6/11 Chính phủ đã nghe, thảo luận kỹ và thống nhất cao về các nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới; Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động nhân dân cả nước mà công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế xã hội.

Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; số ca tử vong giảm sâu; số bệnh nhân khỏi bệnh tăng; tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh; cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO() đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống dịch của Việt Nam.

Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các địa phương cần tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.

Bên cạnh đó, cần triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời, phải thực hiện hiệu quả phương châm 5K+vaccine+điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân+các biện pháp cần thiết khác.

Các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine, bảo đảm có vaccine đầy đủ, nhanh nhất và hướng tới chủ động nguồn cung; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tập trung phân bổ vaccine để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, nước ta đã tiếp nhận trên 123 triệu liều vaccine; tổ chức tiêm hơn 88,5 triệu liều, trong đó 1 mũi là trên 81,2%; 2 mũi là 37,3% đối với người từ 18 tuổi trở lên; bắt đầu tổ chức triển khai tiêm vaccien cho trẻ em dưới 18 tuổi, trước mắt tập trung tiêm cho lứa tuổi 16,17. Thời gian tới, công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine cần bám sát nhu cầu thực tiễn; thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; ban hành mới hướng dẫn về dịch tễ để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam về nước; doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.

Hà Nội: Cho phép học sinh một số khối lớp đi học trở lại từ ngày 8/11: Học sinh lớp 5, 6, 9, 10 và 12 các trường ở các xã, phường, thị trấn tại 18 huyện, thị xã có mức độ dịch cấp độ 1, 2; trong 14 ngày tính đến 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng sẽ học trực tiếp.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có quyết định số 3807/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Y tế và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý với tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 30/10 về việc cho học sinh trở lại trường từ ngày 8/11.

Cụ thể, các trường tổ chức học trực tiếp cho các khối lớp đầu cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp: Cấp tiểu học khối lớp 5, cấp trung học cơ sở khối lớp 6 và lớp 9, cấp trung học phổ thông khối lớp 10 và lớp 12.

Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Cấp mầm non nghỉ học tại nhà.

Công văn nêu rõ học sinh các khối lớp trên đươc quay trở lại đi học trực tiếp nếu thuộc các trường tại các đơn vị xã, phường thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch cấp độ 1, 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.

Trường học phải đảm bảo giãn cách

Học sinh đi học theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn tại những nơi được xác định cấp độ 1 và cấp độ 2 tại 18 huyện và thị xã. Những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định nắm rõ thông tin của các học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú.

Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế.

Trường có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sỹ số học sinh/buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine phòng chống COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.

Các địa phương, trường học cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh trước, trong, sau khi đến trường theo đúng hướng dẫn liên ngành.

Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: “Một cung đường, hai điểm đến”; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất một mũi đạt trên 90%.

Không tổ chức ăn bán trú

Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường học. Học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Trường chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp một buổi/ngày, tổ chức dạy học luân phiên đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.

Việc cho học sinh trở lại trường học cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp quyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phương, thị trấn trực thuộc.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, tại địa phương (xã, phường, thị trấn) nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chông dịch, ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì phối hợp Sở Y tế, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thông báo chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục, các đơn vị và tổ chức liên quan triển khai nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục về thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các trường học, các cơ sở giáo dục.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
(Ảnh minh họa: TTXVN

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến cấp độ dịch tại địa phương, tiếp tục có đề xuất phương án đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tạo cho học sinh các khối lớp còn lại đang học trực tuyến được quay trở lại trường học trực tiếp theo lộ trình phù hợp, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét, quyết định đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, tạo điều kiện giúp đỡ các nhà trường, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học.

Bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn căn cứ vào mức độ an toàn dịch COVID-19 quyết định, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và các phương án chi tiết ứng phó với các tình huống cụ thể để phòng chống dịch COVID-19; chịu trách nhiệm trước thành phố cho học sinh đi học trở lại đảm bảo an toàn.

Việc cho học sinh trở lại trường học cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xay dựng tiêu chí, làm từng bước với phạm vi, mức độ nhất định và phương châm thận trọng vừa làm vừa điều chỉnh nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì, tổng hợp chung, tham mưu, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố các lộ trình tiếp theo.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động dạy và học cho học sinh phổ thông của các trường trên địa bàn thành phố.

Các địa phương lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3 vaccine COVID-19: Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh.

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vaccine COVID-19 để tiêm cho người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để có cơ sở cho việc phân bổ vaccine COVID-19 trong tháng 11-12 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng ủy ban nhân dân cho những nhóm tuổi này.

Các địa phương đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn; trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh đồng thời giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, lượng vaccine phòng COVID-19 sẽ về nhiều, do đó các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để tăng tốc tiêm chủng nhằm tăng nhanh diện bao phủ vaccine, kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bao phủ vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh.

Các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng; cập nhật, hoàn thiện ứng dụng PC-Covid, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người dân.

Đến trưa 1/11, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 82 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó khoảng 24,5 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 78,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là hơn 33,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 921.122 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.352 ca nhiễm). Tính đến hết ngày 31/10, đã có 817.517 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh.

Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (431.101), Bình Dương (232.386), Đồng Nai (65.091), Long An (34.738), Tiền Giang (16.422)./.

* Các tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải:

Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XIV dự kiến thông qua nhiều nghị quyết quan trọng: Kỳ họp thứ 3 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV sẽ diễn ra vào ngày 4/11. Đây là kỳ họp chuyên đề thứ hai của nhiệm kỳ 2021 -2026. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận và quyết nghị thông qua 16 nghị quyết. Đây đều là những nội dung quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến đầu tư, mở rộng và phát triển không gian đô thị, khu công nghiệp, tạo cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến mới, phức tạp trên địa bàn tỉnh, Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh được tổ chức trong thời gian 1 ngày. Rút ngắn thời gian làm việc, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao nhất của kỳ họp.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Toàn cảnh buổi họp báo

HĐND tỉnh sẽ xem xét và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, gồm: Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu và định hướng phát triển thương mại cụ thể, đa dạng các loại hình, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, gắn phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý và kinh doanh. Đề án thành lập 9 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên với mục tiêu mở rộng và phát triển không gian đô thị, xây dựng Phổ Yên trở thành thành phố trẻ, năng động, hiện đại và văn minh.

Cùng với đó, HĐND tỉnh dự kiến thông qua đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp -đô thị - dịch vụ Phú Bình, làm cơ sở để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực phía Nam của tỉnh. Đề án nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng anh trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên, tỉnh xây dựng một đề án tổng thể, với mục tiêu cụ thể cho từng cấp học, bậc học và giải pháp đồng bộ nhằm tạo đột phá về chất lượng dạy và học tiếng anh trong nhà trường.

HĐND tỉnh dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang vinh 2 và hệ thống giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và Xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên. Dự án góp phần kết nối 2 bờ phía Đông và Tây của Sông Cầu, kết nối giữa khu động lực phía đông Sông Cầu với trung tâm thành phố Thái Nguyên. Kỳ họp cũng sẽ xem xét, thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội và các nội dung quan trọng khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Khai mạc Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026: Ngày 04/11, Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XIV đã được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Dự phiên khai mạc kỳ họp có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành, địa phương của tỉnh. Đây là kỳ họp chuyên đề thứ 2 của nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến mới, phức tạp trên địa bàn tỉnh, Kỳ họp thứ ba (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức trong thời gian 01 ngày, trên tinh thần rút ngắn thời gian tổ chức, song vẫn đảm bảo chất lượng cao nhất của kỳ họp.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Toàn cảnh Kỳ họp thứ ba (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XIV được tổ chức vào thời điểm các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong bối cảnh chung, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức tình hình dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ số tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XIV được tổ chức để nghiên cứu, thảo luận về 16 Tờ trình, đề án do UBND tỉnh trình nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian và kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương. Đây là những nội dung quan trọng, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trực tiếp trong năm 2021 và có tác động hiệu quả lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo. Các nội dung của kỳ họp đã được các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, thẩm tra và báo cáo tại kỳ họp theo quy định.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trước cử tri, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật, tình hình thực tế của địa phương, tính khả thi, tính hiệu quả của từng nội dung để có quyết định đúng đắn, đảm bảo các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp đúng luật, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp phía Nam: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên đã và đang tích cực tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phía Nam, tạo thế và lực để sớm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
TX Phổ Yên là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên

Quý 1 vừa qua, tỉnh đã có quyết định Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 5 cụm công nghiệp đã được đưa ra khỏi quy hoạch, 3 cụm công nghiệp giảm diện tích - phần lớn các cụm này thuộc các huyện miền núi, nơi khó khăn về giao thông. Đồng thời, tỉnh đã bổ sung 5 cụm công nghiệp mới thuộc huyện Phú Bình và TX Phổ Yên. Điều này cho thấy sự dịch chuyển trong quy hoạch cụm công nghiệp từ vùng khó khăn sang khu vực phía Nam, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương.

Ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: “Phú Bình đang phấn đấu trở thành thị xã của tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi xác định rõ đầu tư tập trung phát triển vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đô thị và dịch vụ”.

Nổi lên là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại khu vực phía Nam nói riêng và của cả tỉnh nói chung, những năm gần đây, Phổ Yên-thị xã công nghiệp trẻ đã thu hút được 28 dự án FDI và hàng chục dự án DDI vào hoạt động tại 3 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã.

Ông Chen Bao Dong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar cho biết: “Khi đầu tư vào khu công nghiệp Yên Bình – nơi có hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền địa phương; các chính sách đầu tư, thủ tục đăng ký đầu tư có nhiều thuận lợi và nhanh gọn”.

Hiện nay, 5/7 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 61%, 18/35 cụm công nghiệp có quyết định thành lập với tổng diện tích là 723ha, tỷ lệ lấp đầy 44% phần lớn các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh đều nằm ở khu vực phía Nam. Và thực tế ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp này là minh chứng thuyết phục và có sức hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về môi trường sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên.

Ông Kim Dae Su, Quản lý chung Công ty TNHH KSD Vina nhận xét: “Tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Bình đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về mặt thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo môi trường an toàn không dịch bệnh, để doanh nghiệp ổn định và duy trì sản xuất trong suốt thời gian qua”.

Hiệu quả thực tế của việc dịch chuyển và chú trọng đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp phía Nam, cho thấy Thái Nguyên đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại khu vực trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Kiểm soát dịch song song với đảm bảo đời sống dân sinh: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Thành phố Thái Nguyên đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ mới. Cùng với nhiệm vụ kiểm soát dịch tễ, việc đảm bảo đời sống dân sinh tại khu vực phong tỏa cũng được chú trọng thực hiện.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Khu vực phong tỏa liên quan đến các ca bệnh với 5 khu dân cư, tổ dân phố, trên 1300 nhân khẩu, phường Trung Thành, TP Thái Nguyên.

Là một trong những dịch vụ phải thực hiện đóng cửa tạm thời để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn TP Thái Nguyên. Bà Đặng Thị Trâm, Chủ cơ sở Karaoke Trâm Việt, phường Trung Thành đã chủ động thực hiện nghiêm túc: “17h là đóng cửa nhưng gia đình tôi đã đóng cửa từ trưa hôm trước rồi để đảm bảo an toàn sức khỏe và các quy định phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và những người xung quanh”.

Ngay từ đêm ngày 1/11, khi ghi nhận các ca F0 tại cộng đồng, phường Trung Thành, TP Thái Nguyên đã ngay lập tức triển khai 4 tại chỗ, phong tỏa các khu vực có liên quan lịch trình di chuyển của các ca bệnh với 5 khu dân cư, tổ dân phố, trên 1300 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Thành, TP Thái Nguyên thông tin: “Chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu mà nhân dân trong khu phong tỏa có yêu cầu đều được đáp ứng”.

Không chỉ tại các khu vực có liên quan yếu tố dịch tễ của các ca bệnh F0 đã được ghi nhận, để kiểm soát kịp thời, không để dịch lây lan ngoài cộng đồng, từ 17h ngày 2/11, TP Thái Nguyên đã yêu cầu tạm dừng một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Là phường trung tâm TP Thái Nguyên, chỉ sau vài giờ đồng hồ thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, lực lượng chức năng phường Hoàng Văn Thụ đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân.

Ông Đỗ Khải Hoàn, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: “Đề nghị các nhà hàng thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo quy định phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng có những biện pháp kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không nghiêm túc thực hiện”.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch” – đó vẫn luôn là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. Chỉ khi mỗi người dân tự nâng cao ý thức phòng chống dịch bằng việc khai báo y tế kịp thời, trung thực; thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, chúng ta mới có thể sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

TP. Thái Nguyên: tạm dừng ăn uống tại chỗ, chỉ bán mang về từ 10H ngày 8/11:

Trước diễn biến của tình hình dịch bênh, số ca F0 tăng, thành phố Thái Nguyên quyết định triển khai một số biện pháp từ ngày 8/11

Theo đó:

* Tạm dừng ăn uống tại chỗ, chỉ bán mang về từ 10H ngày 8/11

* Huy động toàn bộ lực lượng các phường: Cam Giá, Trung Thành, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, Quan Triều, Quang Vinh để kịp thời truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly và phong toả...

Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021
Điểm sự kiện tuần từ ngày 1/11 đến ngày 8/11/2021