* Nguy cơ suy thoái ở châu Âu tăng do COVID-19 và xung đột tại Ukraine và những diễn biến Nhật Bản xúc tiến các biện pháp mới nhằm đối phó với lạm phát đang là những vấn đề thu hút sự quan tâm của thế giới tuần qua.

- Viện kinh tế Đức cho biết tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế tiếp diễn - vốn bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng, có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) đứng trước bờ vực suy thoái.

Viện kinh tế Đức (IW) ngày 11/8 công bố một nghiên cứu, trong đó đưa ra nhận định rằng, các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 hay xung đột Nga-Ukraine đang khiến nguy cơ suy thoái tại châu Âu tăng cao.

Theo nghiên cứu trên, tuy cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hiện nay của các nước "có thể hiểu được", nhưng có nguy cơ dẫn đến "sự phân hóa trong phát triển kinh tế", nhất là liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế tiếp diễn - vốn bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng, có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) đứng trước bờ vực suy thoái.

Năm ngoái, EU đã thông qua gói viện trợ phục hồi sau đại dịch trị giá 800 tỷ euro (tương đương 826 tỷ USD). Trong đó, Tây Ban Nha và Italy - hai quốc gia chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do đại dịch, nhận được khoản viện trợ không hoàn lại lớn nhất, lần lượt là 77 tỷ euro và 70 tỷ euro.

Tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã chạm mức 9,6% trong tháng 6, trong đó các nước Estonia và Lithuania ghi nhận mức lạm phát cao nhất, hơn 20%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tháng 7/2022, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm, song đây chỉ là bước mới nhất trong số các biện pháp đặc biệt mà ngân hàng này có thể sẽ áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng.

Tuy nhiên, IW cho rằng việc tăng lãi suất khó có thể mang lại hiệu quả tức thời, trong khi các biện pháp của ECB thậm chí có thể làm tăng nguy cơ suy thoái.

- Ngày 12/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp mới để giảm thiểu tác động do giá cả tăng cao, trong đó kiềm chế lạm phát được xem là ưu tiên hàng đầu đối với Nội các mới được cải tổ.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/8/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Phát biểu tại cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng mới được bổ nhiệm và lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Kishida cho biết việc giá cả hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, đang có "tác động rất lớn" đối với các công ty và người tiêu dùng.

Ông cho biết sẽ chỉ thị các cơ quan chức năng mở rộng hỗ trợ bằng cách đáp ứng nhu cầu của từng khu vực và thực hiện các biện pháp bổ sung tập trung vào các mặt hàng năng lượng và thực phẩm.

Giá năng lượng, nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng cao, phần lớn là do cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bao gồm các khoản trợ cấp nhằm giảm giá xăng bán lẻ, hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng vì chi phí phân bón tăng cao và giữ cho giá lúa mì nhập khẩu không tăng vượt mức trước khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 2 năm nay.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Nổi bật là các thông tin về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước cấp bù phần học phí THCS được miễn, giảm hoặc tăng thêm…

- Ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị với doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 địa phương. Hội nghị với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", có sự tham gia của 1.200 đại biểu đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ hiến kế, đưa ra những giải pháp phù hợp, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để sớm phục hồi, vượt qua những khó khăn của đại dịch, góp phần cho phát triển kinh tế.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Tính đến hết tháng 7/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 345 nghìn người lao động; thị trường lao động dần phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn, những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, nhiều đề xuất, kiến nghị về các giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm của người lao động.

Phát biểu bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn của các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt khó vươn lên, cùng chính phủ và nhân dân xây dựng đất nước hùng cường. Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trên các lĩnh vực, từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp, đưa các doanh nghiệp phát triển ổn định về chất lượng và số lượng, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - Nhân dân - Doanh nghiệp…

- Ngân sách Nhà nước cấp bù phần học phí THCS được miễn, giảm hoặc tăng thêm, đây là trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về hướng điều chỉnh học phí THCS tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành giáo dục cũng đã nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên.

Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng, đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể để đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn phần học phí do gia đình học sinh đóng góp.

Ngân sách địa phương, hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Thái Nguyên xếp thứ 8 về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021; Đổi mới phương thức dự báo, nắm bắt, định hướng dư luận; Lãnh đạo tỉnh dự sinh hoạt tại chi bộ cơ sở; UBND tỉnh họp phiên thường kỳ thứ 12, nhiệm kỳ 2021 - 2026…

- Ngày 8/8, Phiên họp thứ 3 để đánh giá kết quả chuyển đổi số 06 tháng đầu năm 2022 và xác định những giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới đã được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Phiên họp thứ 3 để đánh giá kết quả chuyển đổi số 06 tháng đầu năm 2022.

Tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó công tác chuyển đổi số đã ghi nhận những kết quả nổi bật trên cả 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn lõm sóng viễn thông. Bàn giao cho các tỉnh trên 450.000 máy tính trong Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75%.

Phát biểu tham luận tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo nhanh một số kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số của địa phương. Đồng chí khẳng định, sau hơn 1 năm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và kết quả triển khai mô hình Chợ 4.0. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, tỉnh đã triển khai mô hình Chợ 4.0 ở 11 chợ truyền thống trên địa bàn với trên 2.100 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng tích cực.

Tại phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đạt 0,496 điểm (xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng) và nằm trong Tốp 10 tỉnh, thành phố xếp hạng cao; trong đó kinh tế số xếp thứ 5 cả nước.

- Thực hiện quy định của Trung ương về cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt Đảng ở chi bộ cơ sở, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã dự sinh hoạt với các Chi bộ cơ sở. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã dự sinh hoạt chi bộ định kỳ tháng 8 tại Chi bộ Nà Kháo, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dự sinh hoạt thường kỳ tại chi bộ Tài chính - Thống kê, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng nhân dân xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai "tuyến đường thắp sáng làng quê" nhân dịp dự sinh hoạt chi bộ định kỳ tháng 8 của chi bộ Nà Kháo.

Chi bộ Nà Kháo có 52 đảng viên. Thời gian qua, cán bộ, đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu, đi đầu vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên trong chi bộ đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào kết quả hoạt động trong tháng 7 và giải pháp thực hiện nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Đặc biệt, các đảng viên đã bày tỏ rõ sự phấn khởi, tin tưởng khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tham dự và lắng nghe ý kiến của các đảng viên tại cơ sở.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cuộc sinh hoạt định kỳ diễn ra nghiêm túc, các ý kiến phát biểu sôi nổi, trách nhiệm và đúng trọng tâm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục tiên phong, gương mẫu trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số. Nhân dịp này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tặng nhân dân xóm Nà Kháo một tuyến đường thắp sáng làng quê.

Điểm sự kiện từ ngày 8/8 đến ngày 14/8/2022
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh dự sinh hoạt thường kỳ tại chi bộ Tài chính - Thống kê, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ

Tham dự sinh hoạt thường kỳ tại chi bộ Tài chính - Thống kê, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ, sự chỉ đạo quyết liệt từ đảng bộ, chính quyền, nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ, đảng viên sẽ góp phần tạo nên thành tích chung của huyện và của tỉnh. Đánh giá cao các đảng viên trong chi bộ đã thể hiện trách nhiệm, sôi nổi, thẳng thắn trong trao đổi, thảo luận những giải pháp trong thời gian tới, đồng chí đề nghị chi bộ Tài chính - Thống kê, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ tiếp tục làm tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự tiêu biểu, trong sạch vững mạnh, chính quyền liêm chính, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 997 của BTV Tỉnh ủy Thái Nguyên quy định về việc dự sinh hoạt chi bộ, chi bộ cơ sở, chi bộ khu dân cư của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngay sau khi các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tham dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh cũng sẽ tham gia hoạt động này./.