* Trong tuần qua, nhiều sự kiện thế giới được đăng tải trên Thainguyentv.vn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận như: Tình hình Covid-19 sáng 12/7: Thế giới có hơn 12,8 triệu ca nhiễm; WHO cử chuyên gia tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2; Tổng thống lâm thời Bolivia thông báo đã mắc bệnh COVID-19; Tổng thống Afghanistan cảnh báo bạo lực đe dọa tiến trình hòa bình;…

- Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.839.566 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 567.574 ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.477.683 người và vẫn còn 58.831 bệnh nhân COVID-19 đang ở tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Số ca nhiễm ở Mỹ đã lên tới 3.355.646 người và 137.403 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.840.812 ca nhiễm và 71.492 ca tử vong.

Với 850.358 ca nhiễm và 22.687 ca tử vong, Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ tám về số ca tử vong. Dứng thứ 4 là Nga với tổng cộng 720.457 ca nhiễm và 11.205 ca tử vong...

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

- Ngày 8/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, sau tham vấn giữa hai bên, chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử các chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này về hợp tác dựa trên cơ sở khoa học nhằm tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Theo Tân Hoa Xã, phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng các chuyên gia WHO sẽ tới Trung Quốc để chuẩn bị các kế hoạch khoa học nhằm xác định nguồn gốc lây nhiễm từ động vật của bệnh, cho hay hai bên sẽ gia tăng phạm vi và điều khoản tham chiếu của một phái bộ quốc tế do WHO dẫn đầu.

Ông cho hay quan điểm của WHO cũng là việc truy vết nguồn gốc của virus là một quá trình tiếp diễn và liên quan tới nhiều quốc gia và địa phương, và WHO sẽ có những chuyến đi tương tự tới các nước và khu vực khác nếu cần thiết.

Việc tìm cách xác định nguồn gốc bệnh dịch do virus đã cho thấy đây là một công việc phức tạp đối với các bệnh dịch trước đây ở nhiều nước.

Một loạt những nghiên cứu khoa học được chuẩn bị tốt sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về nguồn gốc bệnh ở động vật cũng như con đường lây nhiễm sang người.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tiến trình này là một nỗ lực mở rộng có thể thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu khoa học quốc tế và sự hợp tác trên bình diện toàn cầu.

Trước đó, Mỹ và một số nước nghi ngờ virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp là một sản phẩm nhân tạo bị rò rỉ từ phòng nghiên cứu của Trung Quốc

- Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 6/7 cảnh báo bạo lực do lực lượng Taliban gây ra đang đe dọa tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á này.

Phát biểu trong khuôn khổ một hội nghị trực tuyến thông báo về sự chuẩn bị của Afghanistan cho các cuộc hòa đàm với Taliban, Tổng thống Ghani nhấn mạnh: "Nếu Taliban tiếp tục gây chiến, tiến trình hòa bình tại Afghanistan sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng."

Văn phòng Tổng thống Afghanistan cho biết nhà lãnh đạo này lo ngại mức độ bạo lực hiện nay cao hơn so với năm ngoái.

Người phát ngôn của Tổng thống Ghani, ông Sediq Sediqqi, cũng vừa lên án Taliban leo thang bạo lực. Theo ông Sediqqi, Chính phủ Afghanistan không tạo ra bất kỳ rào cản nào đối với tiến trình hòa bình và cho đến nay đã thả hơn 4.000 tù nhân Taliban theo thỏa thuận mà lực lượng này ký với Mỹ hồi tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, chính quyền Kabul thấy "Taliban không nghiêm túc" và bạo lực vẫn tiếp diễn.

Giới chức Afghanistan và Taliban đang nỗ lực chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến gần 2 thập kỷ tại quốc gia Nam Á này. Bạo lực chỉ giảm bớt trong một thời gian ngắn trước và sau thời điểm ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 2 nói trên.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công đã gia tăng trở lại kể từ đó. Ngay trong tháng 5, một cuộc tấn công nhằm vào bệnh viện ở thủ đô Kabul đã làm 25 người thiệt mạng, trong đó có 16 sản phụ.

Taliban bác bỏ đứng đằng sau vụ này, cũng như nhiều vụ tấn công khác, song thừa nhận đã tấn công lực lượng chính phủ tại các vùng nông thôn.

Nhà chức trách Afghanistan cáo buộc các tay súng Taliban giết hại hàng trăm nhân viên an ninh và dân thường trong những tuần gần đây.

* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Chủ tịch CPP, Thủ tướng Campuchia Hun Sen; Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đạt thành tựu và tầm mức ấn tượng; Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ sáng lập Thanh niên xung phong Việt Nam; Bệnh nhân 91 xuất viện, trở về Anh sau 115 ngày điều trị Covid-19;…

- 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành nền tảng, xung lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ổn định và lâu dài giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Có thể nói, bên cạnh những bước tiến vượt bậc mà hai nước đã đạt được trong các lĩnh vực then chốt, kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành nền tảng, xung lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ổn định và lâu dài giữa hai nước.

Sau gần 5 năm đàm phán, năm 2000, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, qua đó tạo khuôn khổ chính thức thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Sau đó, Hoa Kỳ đã áp dụng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường và Quy chế Tối huệ quốc, giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Tháng 12/2006, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

Cũng trong năm này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Việc hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 tiếp tục mở đường cho việc phát triển quan hệ kinh tế song phương, với những thành tựu đáng kinh ngạc trong hoạt động thương mại và đầu tư.

Thương mại chính là một mảng sáng nổi bật trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ với sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của phía Hoa Kỳ, sau 25 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 333 lần, từ 233,4 triệu USD năm 1994 lên 77,5 tỷ USD cuối năm 2019. Hiện Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất khi trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ…

Mặc dù chưa nằm trong tốp các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam, song Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm ngoái, Hoa Kỳ có gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Số dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá ít so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhưng quy mô vốn trên mỗi dự án thường lớn hơn.

Mặt khác, bên cạnh đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ còn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua nước thứ ba, nên nếu tính tổng vốn đầu tư thì Hoa Kỳ có thể xếp thứ 6 hoặc 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam…

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Sáng 8/11/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh tiếp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross cùng đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

- Sáng 11/7, Bộ Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ xuất viện cho bệnh nhân 91 (43 tuổi, nam phi công quốc tịch Anh) sau 115 ngày điều trị.

Tại phòng bệnh, đại diện Bộ Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao giấy xuất viện và chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 cho bệnh nhân 91.

Bệnh nhân 91 cảm ơn Bộ Y tế, các y bác sỹ Việt Nam đã tận tình điều trị cho anh trong suốt hơn 100 ngày qua và đã đưa anh từ cõi chết trở về.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19), đánh giá thành công của ca bệnh 91 là minh chứng cho sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, tâm sức của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam.

Trong hơn 100 ngày điều trị vừa qua, ở mỗi một giai đoạn các y bác sỹ đã đưa ra những giải pháp mới phù hợp với diễn tiến sức khỏe bệnh nhân. Và điều đáng mừng, những giải pháp này đã mang lại hiệu quả vô cùng tốt khi giờ đây bệnh nhân 91 đã khỏe mạnh, được xuất viện, trở về quê nhà.

Theo kế hoạch, 17 giờ ngày 11/7, bệnh nhân 91 rời khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy, di chuyển ra Hà Nội và đến 23 giờ ngày 11/7 sẽ trở về Vương quốc Anh trên máy bay Boeing 787 - máy bay hiện đại nhất của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Về phía đơn vị vận chuyển, Tiến sỹ Rafi Kot, Tổng Giám đốc Phòng khám Family Medical Practice, cho biết do đây là ca bệnh phức tạp nên vấn đề vận chuyển cũng dự báo sẽ có những khó khăn nhất định.

Sau khi đánh giá, đơn vị này đã vạch ra kế hoạch vận chuyển gồm 7 giai đoạn để đưa bệnh nhân 91 từ Bệnh viện Chợ Rẫy về đến Vương quốc Anh một cách an toàn. Một bác sỹ và một điều dưỡng của Phòng khám Family Medical Practice sẽ đi cùng máy bay với bệnh nhân 91 nhằm theo dõi sức khỏe cũng như kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh đạo Bộ Y tế, đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh trong nỗ lực cứu sống công dân Anh là bệnh nhân 91. Đồng thời, ông cũng cảm ơn Chính phủ, Bộ Y tế, các ban, ngành, đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã điều trị, chăm sóc tận tình không chỉ cho bệnh nhân 91 mà còn cho cả các công dân Anh khác mắc Covid-19 cũng như công dân Anh tại các khu cách ly.”

- Ngày 7/7, tại Khu di tích lịch sử thanh niên Việt Nam (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ sáng lập lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950-15/7/2020); 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020).

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và trên 300 cựu Thanh niên xung phong từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước dự lễ kỷ niệm.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam vinh dự tự hào được thành lập theo chủ trương của Bác Hồ. Chủ trương ấy cũng xuất phát từ tình hình thực tế của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là từ đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, thế và lực của ta ngày càng mạnh hơn. Đảng ta chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc kháng chiến, gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị giành thắng lợi lớn.

Với tinh thần đó, tháng 9/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Cao-Bắc-Lạng nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc, mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc, giành quyền chủ động trên chiến trường chính.

Nhiệm vụ to lớn đó đòi hỏi phải huy động một lực lượng dân công phục vụ và đảm nhận những công việc hết sức to lớn và quan trọng như mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, phục vụ bộ đội chiến đấu…

Thực tế cho thấy, không phải việc gì bộ đội cũng có đủ lực lượng tham gia mà phải huy động nhân dân, dân công hỏa tuyến… Tuy vậy, những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi phải có lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề.

Ý kiến của Bác về việc thành lập một lực lượng như vậy đã được Trung ương Đảng và Chính phủ nhất trí. Vậy là lực lượng Thanh niên xung phong được thành lập từ ngày 15/7/1950.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021; Duyệt Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra các dự án trọng điểm; Thường trực Tỉnh ủy làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp; Hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống lực lượng Thanh niên Xung phong; Thái Nguyên: Sẽ sắp xếp lại 105 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2021-2026; Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Thái Nguyên: Thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn; Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án giết người;…

- Trong hai ngày 8 và 9/7, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức Kỳ họp thứ 11.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra sau thời điểm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 23 để cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020; đồng thời cho ý kiến về thực hiện một số chương trình, dự án và chủ trương về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở, định hướng để tỉnh Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ chính trị theo mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã khắc phục khó khăn, từ những tác động của dịch Covid-19, đồng chí nhấn mạnh những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020 và ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp, đồng thời đặt ra một số vấn đề cần thảo luận, xem xét tại kỳ họp lần này.

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, đó là đại dịch Covid-19, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Những kết quả nói trên là do sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó, có sự đóng góp rất quan trọng của HĐND tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã nhấn mạnh một số nội dung mang tính gợi mở để HĐND tỉnh, các vị Đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định tại kỳ họp…

Trong ngày làm việc đầu tiên (8/7) của Kỳ họp thứ 11, các đại biểu HĐND tỉnh nghe 24 báo cáo, tờ trình, thông báo do Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, các Ban HĐND tỉnh trình tại kỳ họp. 8 nội dung được các đại biểu tự nghiên cứu và cho ý kiến vào phiên thảo luận tổ…

Ngày làm việc thứ hai (9/7), các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Trong đó, những vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2020 dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 là nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.

Trên cơ sở thống nhất cao, kỳ họp đã biểu quyết thông qua các nội dung được đề cập. Đây đều là những nghị quyết có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, đồng thời là định hướng quan trọng để các ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự chuẩn bị các báo cáo, tờ trình có chất lượng của UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan; đồng thời, ghi nhận và hoan nghênh các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện các nội dung, góp phần vào thành công của kỳ họp. Trên cơ sở các nghị quyết được ban hành tại kỳ họp này, đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: “Ngay sau kỳ họp, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, nhất là việc triển khai, rà soát, bổ sung những giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của tỉnh để tổ chức thực hiện và phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020; đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2020; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 trên cơ sở nguồn lực và các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vũng trong giai đoạn tới. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua tại kỳ họp. Trong đó, quan tâm sâu sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh”.

Sau 2 ngày làm việc tích cực với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành tốt chương trình đề ra. Thành công của kỳ họp là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

- Ngày 6/7, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiểm tra một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ Dự án Trung tâm hành chính huyện Đồng Hỷ

Dự án Trung tâm hành chính huyện Đồng Hỷ được khởi công từ năm 2018 với tổng mức đầu tư trên 227 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân trên 109 tỷ đồng; hiện hạng mục trụ sở làm việc và các công trình phụ trợ đang tiếp tục được thi công, tổng khối lượng thi công đạt 92%, với giá trị đạt khoảng 46,3 tỷ đồng. Hiện nhà thầu và đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Tuy nhiên, dự án đang gặp phải một số khó khăn do thiếu vốn, nên tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, hiện nay, UBND thành phố Thái Nguyên và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã ký hợp đồng các dự án bảo đảm chặt chẽ về trình tự, thủ tục, hồ sơ và nhà đầu tư đang triển khai thi công dự án. Hiện nay, dự án đã thi công ngoài thực địa đạt khoảng 50% giá trị theo hợp đồng, với tổng kinh phí khoảng 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, việc lập hồ sơ thiết kế thi công, phê duyệt của nhà đầu tư còn chậm...

Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2386 năm 2014 với tổng mức đầu tư trên 161 tỷ đồng. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính bao gồm: sân quảng trường, sân vườn lễ đài, cột cờ, lễ đài, sân khấu trung tâm, vườn hoa. Riêng hạng mục Phù điêu đã thi công xong phần móng, thân, dự kiến tháng 8 năm 2020 hoàn thành hạng mục này.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các đơn vị thi công và chính quyền các địa phương trong triển khai các dự án. Mặc dù, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, song, các nhà thầu vẫn tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm này. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tìm các giải pháp tháo gỡ sát với yêu cầu thực tế, nhằm đảm bảo việc triển khai các Dự án theo đúng tiến độ; đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật và phấn đấu hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ kế hoạch đã cam kết với tỉnh.

- Ngày 7/7, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân tỉnh Thái Nguyên. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành và các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân của tỉnh.

diem su kien tu ngay 672020 den ngay 1272020
Toàn cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân tỉnh Thái Nguyên.

Hiện toàn tỉnh có trên 6.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ hoạt động ở mức cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc không tiêu thụ được sản phẩm.

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về một số vấn đề như: tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách thủ tục kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; có phương án xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp… khẳng định tỉnh Thái Nguyên sẽ nghiên cứu, trả lời và triển khai, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc thời gian qua, đặc biệt là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng chí khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân là đội ngũ quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của đất nước, trong đó có doanh nghiệp của Thái Nguyên… đồng chí đề nghị UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Tỉnh Thái Nguyên cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp; đồng thời mong muốn doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, liên kết để sản xuất kinh doanh, cũng như đồng hành cùng chính quyền địa phương trong sự phát triển chung của tỉnh…