* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump vượt qua ông Biden trong cuộc thăm dò tại Iowa; Dịch COVID-19 thúc đẩy Mỹ đưa chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc; Ấn Độ phát triển quỹ đất khổng lồ thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc; Mỹ hy vọng xây dựng quan hệ hợp tác mới với Nga trong vấn đề Syria; Hủy tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 10; Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã lên hơn 4 triệu người; 74 năm chiến thắng Phát xít Đức: Không thể để cái ác trỗi dậy trở lại;…

Dịch Covid-19: Số liệu tổng hợp của hãng tin AFP tính đến 4 giờ 45 ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 4.001.437 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 277.127 ca tử vong.

Theo một thống kê khác của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 sáng 10/5 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 4.100.726 ca nhiễm và 280.431 ca tử vong. Số ca hồi phục là 1.441.474 ca.

Châu Âu chịu tác động nặng nề: Theo thống kê, khu vực chịu tác động lớn nhất là châu Âu với 1.708.648 ca nhiễm và 155.074 ca tử vong.

Số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha chỉ đứng sau Mỹ với 262.783 ca nhiễm và 26.478 ca tử vong.

Trong khi đó, Italy ghi nhận 218.268 ca nhiễm và 30.395 ca tử vong, Anh với 215.260 ca nhiễm và 31.587 ca tử vong, Nga với 198.676 ca nhiễm và 1.827 ca tử vong, Pháp với 176.658 ca nhiễm và 26.310 ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Riêng tại Pháp, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 80 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại nước này kể từ ngày 1/4.

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ thêm gần 1.600 ca tử vong: Trong khi đó xét trên các quốc gia, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với 1.305.544 ca nhiễm và 78.618 ca tử vong. Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại Mỹ của Đại học Johns Hopkins công bố vào lúc 7 giờ 30 sáng 10/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.568 ca tử vong. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 và số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này ở con số lần lượt là 78.746 ca và 1.309.164 ca.

AFP đưa tin, theo số liệu được Bộ Y tế Brazil công bố ngày 9/5, Brazil - quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - đã ghi nhận hơn 10.000 ca tử vong do dịch bệnh. Tới nay, Brazil ghi nhận tổng cộng 155.939 ca mắc COVID-19, trong đó có 10.627 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico ngày 9/5 ghi nhận thêm 1.938 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 33.460 người, trong đó có 3.353 ca tử vong. Hiện nay, dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đỉnh điểm tại Mexico và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần.

Algeria, Maroc ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19: Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều 9/5, Algeria và Maroc đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao ở mức 3 con số trong nhiều ngày qua; tính đến chiều 9/5 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận thêm 189 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia này lên thành 5.558 người, trong đó có 494 ca tử vong.

Bộ Y tế Israel tối 9/5 ghi nhận thêm 2 bệnh nhân đã qua đời, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới SARV-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên tới 247 người. Bộ Y tế nước này cho biết, có ít nhất 4.831 trường hợp mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị, trong đó 241 người điều trị tại bệnh viện và 4.590 người được điều trị tại nhà hoặc tại các khách sạn được sử dụng làm khu cách ly cho người bệnh.

Trung Quốc ghi nhận 14 ca mắc mới COVID-19: Tân hoa xã đưa tin, ngày 10/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đã nhận được báo cáo về 14 ca mắc mới COVID-19 trên toàn Trung Quốc đại lục trong ngày 9/5, trong đó có 2 trường hợp “nhập ngoại” ở thành phố Thượng Hải. Theo ủy ban trên, 12 ca mắc mới COVID-19 còn lại là những trường hợp lây bệnh ở trong nước, trong đó có 11 người ở tỉnh Cát Lâm và 1 người ở tỉnh Hồ Bắc.

- Các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Theo các quan chức và một số nguồn thạo tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh.

Các nguồn tin cho hay Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ đang tìm cách thuyết phục các công ty nước này chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển đang được cân nhắc để đẩy nhanh sự thay đổi trên. Ngoài ra, các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc…

- Chính phủ Ấn Độ đang làm việc với các chính quyền bang để thúc đẩy việc thu hồi đất dự án, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ấn Độ đang phát triển một quỹ đất rộng gần gấp đôi diện tích của Luxembourg để thu hút các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), diện tích của Luxembourg là 243.000 ha.

Bloomberg ngày 5/5 dẫn các nguồn thạo tin nêu rõ New Delhi đã xác định tổng cộng 461.589 ha (4.615,89 km2) trên toàn quốc cho mục đích này, trong đó bao gồm 115.131 ha đất công nghiệp có sẵn ở các bang như Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu và Andhra Pradesh.

Đất đai là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn nhất cho các công ty muốn đầu tư vào Ấn Độ. Các tập đoàn của Saudi Arabia từ Aramco đến Posco đang hết sức thất vọng vì bị trì hoãn trong việc thu hồi đất phục vụ dự án.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang làm việc với các chính quyền bang để thay đổi điều đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc như là một cơ sở sản xuất sau sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung…

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng đồng ý nới lỏng các hạn chế - Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài; Thủ tướng: Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%; Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng Nga nhân 75 năm ngày Chiến thắng; Thêm 17 trường hợp mắc COVID-19 mới, đều nhập cảnh về Việt Nam; Không có ca mắc mới COVID-19, còn 47 bệnh nhân đang điều trị; 161 công dân Việt Nam về từ Mỹ âm tính với virus SARS-CoV-2; Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương 'cấm đánh bắt cá ở Biển Đông'; Tuyển sinh Đại học: Các trường tự chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng;…

- Sáng 8/5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 45.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là phiên họp cuối để cho ý kiến về những nội dung chuẩn bị trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần 2 và ba dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA); một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho thủ đô Hà Nội; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chuyển hình thức đầu tư đối với một số dự án thành phần của đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020; nội dung việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Ngoài các nội dung trên, phiên họp có thể xem xét công tác nhân sự do các cơ quan chuẩn bị. Phiên họp thứ 45 dự kiến trong ba ngày (8/5 và 15-16/5)…

- Ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 177/TB-VPCP, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 7/5.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt kết tích cực, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Cả nước đã có 21 ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, các ca nhiễm mới đều trong số người nhập cảnh đã được cách ly, không để lây lan trong cộng đồng. Tất cả các địa phương trên toàn quốc đều ở mức nguy cơ thấp, thậm chí rất thấp lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp; số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.

Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế...

Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này, tuyệt đối không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp (Nguồn TTXVN)

Về thực hiện nới lỏng các hạn chế:

Dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ trên phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu thủy, tàu hỏa...).

Đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay. Chưa cho mở lại vũ trường, dịch vụ karaoke.

Đồng ý tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động có tập trung đông người với yêu cầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Đồng ý các cơ sở khám chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học; không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học. Nhà trường tăng cường thực hiện các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh, bảo đảm phòng, lớp học thông thoáng, học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sát khuẩn...

- Chiều 10/5, Bộ Y tế thông báo trong ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh COVID-19. Như vậy, đến nay Việt Nam vẫn ghi nhận 288 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 241 trường hợp đã chữa khỏi bệnh, chỉ còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 10/5 là 24 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 10/5, Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.130 người; trong đó, 180 người được cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.146 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác và 4.804 người đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 6 ca.

Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 14 ca.

- Nhân dịp kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020), trong tuần Thainguyentv.vn đăng tải bài viết “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Nghệ thuật chỉ đạo độc đáo, sáng tạo” (TTXVN/Vietnam+)

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020 Chiến thắng Điện Biên Phủ - Nghệ thuật chỉ đạo độc đáo, sáng tạo
diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954) là một trong những chiến công vang dội nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ nét tài thao lược kiệt xuất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời khắc xoay bản lề lịch sử…

Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, là chiến công oanh liệt đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này đã tác động mạnh mẽ đến bàn hội nghị Hội nghị Geneva (khai mạc ngày 26/4/1954), buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (ngày 21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp cách mạng dân tộc…

- Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8/2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.

Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ trong góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV; Thái Nguyên: thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Thái Nguyên: Trên 300.000 học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19; Trực tuyến công bố Chỉ số PCI 2019: Thái Nguyên xếp hạng thứ 12; Thái Nguyên: Khoa học và công nghệ trong định hướng phát triển nhanh, bền vững; Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng nhân đại lễ Phật đản; Xuất khẩu khẩu trang - Hướng đi trước mắt của doanh nghiệp; Thái Nguyên: Mưa giông kèm theo lốc gây thiệt hại ước tính trên 21,8 tỷ đồng;…

- Ngày 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến tại 10 điểm cầu. Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Trung tâm.

Tại Hội nghị, các đại biểu và cử tri đã được nghe báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và Trung ương gửi đến kỳ họp thứ chín. Theo đó, do dịch bệnh COVID-19 và căn cứ tình hình thực tế hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo 2 đợt: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 4/6/2020); Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 10 đến 19/6/2020).

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020

Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

phát biểu tại Hội nghị

Kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng như: thảo luận 10 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết; xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; và phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Bên cạnh đó,Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gửi đến kỳ họp thứ chín, qua tổng hợp có 12 ý kiến thuộc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương và 19 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Trong đó các ý kiến tập trung về một số vấn đề như: đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2013; Đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo việc điều chỉnh các quy định công nhận địa phương vùng thiểu số và miền núi phù hợp với tình hình thực tế đối với phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên; sớm xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thực hiện nhiệm vụ khuyến nông; quan tâm sửa chữa nâng cấp 1 số tuyến đường giao thông đã xuống cấp như: Tuyến đường tránh Giang Tiên - Phú Đô - Núi phấn trên địa bàn huyện Phú Lương, đầu tư xây dựng tuyến đường từ Km12 (Quốc lộ 1B) đi xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.

Bên cạnh đó một số ý kiến cử tri phát biểu trực tiếp tại Hội nghị đề nghị quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã quy hoạch nhiều năm, đến nay chưa thực hiện hoặc đang chậm tiến độ; quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị, có biện pháp xử lý bảo vệ môi trường.

Các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi, giải đáp trực tiếp tại Hội nghị.

Đây là lần đầu tiên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến vì do ảnh hưởng dịch COVID-19. Mặc dù số lượng người hạn chế, và thời gian tổ chức ngắn gọn, tuy nhiên vẫn đảm bảo yêu cầu, chất lượng…

- Trên 300.000 học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 4/5, 683 trường học với trên 300.000 học sinh từ khối mầm non đến khối THPT trong toàn tỉnh đã chính thức đi học trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh nhiệm vụ là đảm bảo công tác dạy và học theo đúng chương trình, mỗi nhà trường, thầy cô và học sinh đều không lơ là, chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh.

- Sáng ngày 5/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 với chủ đề “Cùng lan tỏa những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh”.

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020 Trực tuyến công bố Chỉ số PCI 2019: Thái Nguyên xếp hạng thứ 12

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên sự kiện công bố PCI 2019 được VCCI thực hiện trực tuyến tại website của PCI: www.pcivietnam.vn, website VCCI www.vcci.com.vn; Đài PT-TH Thái Nguyên thực hiện online trực tuyến tại website www.thainguyentv.vn.

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam…

diem su kien tu ngay 452020 den ngay 1052020
Toàn cảnh buổi Lễ

Năm 2019, Thái Nguyên tiếp tục là địa phương nằm trong nhóm tốt trên bảng xếp hạng PCI, tăng 6 bậc so với năm 2018. Cụ thể, Thái Nguyên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, với 67,71 điểm.

- Trận mưa giông kèm lốc xảy ra rất bất ngờ vào tối 8/5 đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh có 4 người bị thương nhẹ (2 người tại thành phố Thái Nguyên; 1 người tại huyện Phú Bình; 1 người tại thị xã Phổ Yên); 1.824 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng... ước thiệt hại sơ bộ về tài sản khoảng 21,864 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, sáng ngày 09/5, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và lãnh đạo các địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra./.