* Thế giới đã trải qua một tuần nhiều biến động với nhiều sự kiện được Thainguyentv.vn đăng tải, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, như: Các tin bài cập nhật diễn biến dịch bệnh COVID-19; Mỹ Latinh, Caribbe có số ca mắc COVID-19 tử vong cao nhất thế giới; Bệnh viện Liban quá tải vì ca bệnh COVID-19 và vụ nổ đều tăng mạnh; Liban: Công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ tại Beirut; ASEAN tổ chức lễ kỷ niệm trực tuyến 53 năm ngày thành lập;…

- Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 9h sáng 9/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 19,8 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 729.568 ca tử vong. Hơn 12,7 triệu bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi bệnh.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 bên ngoài một siêu thị tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trên 50.000 ca/ngày, nâng tổng số bệnh nhân tại Mỹ lên tới 5.149.723 người với 165.070 người tử vong.

Theo hãng tin AFP (Pháp), Mỹ Latinh và Caribbe hiện là khu vực có số ca tử vong cao nhất thế giới với 215.859 ca, cao hơn so với 212.794 ca tại châu Âu. Brazil vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do đại dịch COVID-19, sau Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc tại Brazil trên thực tế có thể cao hơn gấp 6 lần số lượng thống kê nếu tiến hành xét nghiệm một cách hiệu quả. Với dân số 212 triệu người, Brazil hiện có tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 478/triệu dân, tương đương tỷ lệ tử vong ở Mỹ (487) và thấp hơn so với Tây Ban Nha (609) và Italy (583).

Tại châu Á, số ca mắc ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau 3 tuần, riêng trong 24 giờ qua xác định thêm hơn 56.000 ca nhiễm mới. Trung Quốc đại lục sáng 9/8 thông báo đã ghi nhận thêm 23 ca mắc trong ngày 8/8, trong đó có 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong khi số ca bình phục tăng thêm 45 người. Tính đến hết ngày 8/8, Trung Quốc đại lục thông báo tổng cộng 84.619 ca mắc, trong đó có 4.634 ca không qua khỏi và 79.168 ca khỏi bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này xác nhận thêm 36 ca mắc và 1 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 14.598 ca, trong đó có 305 ca tử vong. Số ca khỏi bệnh tại Hàn Quốc tăng thêm 13 người lên 13.642 người.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Cuba, chỉ trong tám ngày qua, nước này ghi nhận 255 ca mắc mới, chiếm tới 90% tổng số ca ghi nhận trong tháng Bảy. Trong khi đó, số liệu cập nhật cho thấy trong 24 giờ qua, Cuba có thêm 59 bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.888 ca và 88 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại đảo quốc Caribe này.

Tại châu Âu, Cơ quan cảnh sát Paris (Pháp) nhấn mạnh tất cả các chỉ số cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh chóng trong vùng thủ đô, với gần 400 người được xác nhận mắc bệnh mỗi ngày. Tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt cao ở những người 20-30 tuổi. Từ 10/8, khẩu trang sẽ là vật dụng bắt buộc tại các khu vực công cộng đông người tại thủ đô Paris và bốns tỉnh vệ tinh Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne và Val d'Oise.

Tại châu Phi, số ca tử vong tại Nam Phi hiện là hơn 10.000 người. Bộ Y tế Nam Phi cho biết đã ghi nhận thêm 301 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên 10.210 người. Số ca mắc bệnh tại Nam Phi tăng thêm 7.712 ca lên 553.188 ca. Tỷ lệ bình phục là 73% và số khỏi bệnh hiện là 404.568 người…

- Thương vong trong vụ nổ kinh hoàng tại Beirut đã khiến các bệnh viện của Liban lần đầu tiên quá tải. Vụ nổ cũng buộc nhà chức trách phải tạm hoãn lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài đến ngày 10/8.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Cảnh tan hoang sau vụ nổ ở Beirut. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Liban, Bộ Y tế ngày 6/8 đã ghi nhận thêm 255 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.604 ca. Đây số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Liban. Số ca tử vong tăng thêm 2 ca lên 70 ca.

Các số liệu trên được công bố trong bối cảnh vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut của Liban ngày 4/8 đã khiến 149 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Thương vong trong vụ nổ đã khiến các bệnh viện của Liban lần đầu tiên quá tải đối với các bệnh nhân không mắc COVID-19. Vụ nổ cũng buộc nhà chức trách phải tạm hoãn lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài đến ngày 10/8.

Ngày 5/8, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Liban Trần Thành Công xác nhận, đã có 1 công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut trước đó. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Li Băng và các cơ quan chức năng tại Beirut để cập nhật tình hình và triển khai kịp thời công tác bảo hộ công dân của Việt Nam. Khi xác nhận chính xác công dân bị thương là bà Đặng Huyền Nga, quê Thái Nguyên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập qua Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo về Sở Ngoại vụ Thái Nguyên. Ngay sau đó, Sở Ngoại vụ đã thực hiện việc thông báo thông tin, công tác bảo hộ công dân từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai cập đến với người nhà bà Đặng Huyền Nga về tình hình sức khỏe và công tác bảo hộ công dân đối với công dân Việt Nam tại Li Băng

- Ngày 8/8, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức lễ kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN theo hình thức trực tuyến với chủ đề “ASEAN 53: Hành trình gắn kết hướng tới sự phục hồi.”

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định, dưới vai trò Chủ tịch mạnh mẽ và có năng lực của Việt Nam, ASEAN vẫn tập trung thực hiện các hoạt động quan trọng và thể hiện cam kết trong hành trình hội nhập của mình.

Lưu ý rằng các nước trong khu vực đang dần bước vào trạng thái “bình thường mới,” Tổng Thư ký Dato Lim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN soạn thảo khuôn khổ phục hồi hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 một cách mạnh mẽ, toàn diện và thực tế nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo bà Retno, ASEAN phải luôn hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định khu vực và không bị lôi kéo vào những căng thẳng địa chính trị. Tổ chức khu vực này cũng cần vượt qua “đoạn đường quanh co” để duy trì vị thế trung tâm của mình và biến cạnh tranh thành hợp tác, sự mất lòng tin thành lòng tin chiến lược.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thay mặt nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc lại rằng, vào thời điểm ASEAN được thành lập cách đây 53 năm, ít ai có thể hình dung được sự thành công của ASEAN ngày nay.

Hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã nhiều lần thể hiện sức mạnh đoàn kết và khả năng phục hồi. Một ASEAN bao gồm 10 quốc gia anh em đã biến Đông Nam Á từ một khu vực bất hòa thành một khu vực hòa thuận, từ đối đầu sang hợp tác, và từ nghèo đói sang phát triển năng động.

Ngày nay, Cộng đồng ASEAN là một đại gia đình gồm 650 triệu người với Tổng sản phẩm nội khối (GDP) đạt 3.000 tỷ USD. Biến tầm nhìn thành hành động, ASEAN đã thúc đẩy lợi ích của các dân tộc cũng như hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ASEAN hiện đang đứng trước một thời điểm quan trọng. Sự năng động mới trong bối cảnh địa chiến lược, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên đòi hỏi ASEAN phải gắn kết hơn và chủ động thích ứng. Vai kề vai, các nước có thể vượt qua mọi thách thức và đưa ASEAN tiến lên phía trước…

* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Liên tục gia tăng số người mắc dịch COVID-19; Thủ tướng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để đứt gãy nền kinh tế; Cuộc chiến chống COVID-19 đã bắt đầu thời kỳ cao điểm; Tất cả các địa phương phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu; Ca thứ 10 tử vong có liên quan đến COVID-19 là BN 718; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần; Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục quyết định kỳ thi Tốt nghiệp THPT; Việt Nam phản đối Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay tới Trường Sa; Bắc Bộ tiếp tục mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét;...

- Từ ngày 25/7 đến 6 giờ ngày 9/8, Việt Nam đã có 355 ca mắc COVID-19 mới tại 15 tỉnh, thành phố liên quan đến Đà Nẵng. Đến 6h ngày 09/8: Việt Nam, có tổng cộng 812 ca mắc COVID-19, trong đó 317 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 178.695, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.252; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 27.798; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 145.645.

Đến thời điểm này đã có 395/812 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 48,6 % tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Tính đến sáng ngày 9/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 40 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 367 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19. Số trường hợp tử vong là 10 ca.

- Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 vào sáng 7/8, Thủ tướng nêu rõ, phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng. Không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, “không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý vấn đề này”…

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác, xem xét tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến dịch, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

Thủ tướng lưu ý, không để đình trệ công việc, đặc biệt công việc có thời hạn, những hợp đồng xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục của tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, lưu ý chủ động các biện pháp phòng dịch, “tinh thần là an toàn mới thi, bảo vệ cả thí sinh, thầy cô và phụ huynh”. Xử lý nghiêm nhóm đối tượng hàng gian, hàng giả, nhất là thiết bị, vật tư, khẩu trang y tế…

- Ngày 8/8, giáo sư Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định số 3492/QĐ-BYT về việc thành lập 5 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19.

Quyết định của Bộ Y tế giao Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo và điều phối thành viên các đoàn dựa trên tình hình thực tế. Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Trưởng đoàn có trách nhiệm xếp lịch kiểm tra, thông báo cho các bệnh viện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

- Ngày 7/8, đồng loạt các báo đưa tin: Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VIII). Ông là đại biểu Quốc hội Khóa X.

Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Chiều 6/8, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay chiến đấu tới các cấu trúc tôn tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có Đá Subi, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh ổn định ở khu vực Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối."

Trước thông tin Trung Quốc xây dựng mạng lưới do thám ở Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích, trách nhiệm của tất cả các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Do đó, mọi hoạt động của các nước cần thực hiện một cách có trách nhiệm, có thiện chí để phục vụ mục tiêu nói trên."

Cũng nêu quan điểm về thông tin Trung Quốc công bố bản sửa đổi “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa” theo luật định của Trung Quốc, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi cho duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị."

Bình luận về thông tin Australia trao công hàm Liên hợp quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việc các nước lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông đã được thể hiện trong các dịp khác nhau. Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Để làm được điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là thiết yếu."

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

"Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 rằng UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Trên tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, bao gồm các nước đối tác của ASEAN, sẽ nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Đoàn Đại sứ Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên; Thái Nguyên: tiếp tục tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 1, lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Võ Nhai khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Thái Nguyên: Hơn 15.200 thí sinh làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đại diện Tổ hợp Sam Sung Việt Nam; Thái Nguyên: Chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão;…

- Ngày 4/8, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện các mục tiêu kép: phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội và tập trung hoàn thành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với các đề xuất của tỉnh, đồng chí yêu cầu các Bộ, ban, ngành phối hợp tới tỉnh tiếp tục nghiên cứu và đề xuất Chính phủ các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Riêng đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án chậm tiến độ. Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân vốn vay ODA, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh để tháo gỡ. Đồng chí nhấn mạnh: Trong tình hình kinh tế khó khăn trong chống dịch COVID-19, việc phát triển kinh tế của tỉnh là mức cao trong cả nước, là cố gắng lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, đặt ra vấn đề mục tiêu để giải ngân vốn đầu tư công, lập 1 Tổ công tác của UBND tỉnh để thúc đẩy vấn đề này, thể hiện quyết tâm giải ngân tốt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đồng chí khẳng định, Thái Nguyên luôn luôn xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được các cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt coi trọng vai trò của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này… Thời gian tới, bên cạnh thực hiện mục tiêu kép là tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát đối với tất cả các dự án đã và đang triển khai, đối với những dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân sẽ thực hiện điều chuyển vốn; tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình để xảy ra các sai phạm liên quan đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đã đề ra.

- Cùng ngày 4/8, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn đại sứ Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023 do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Thái Nguyên. Tham dự buổi tiếp có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Toàn cảnh buổi làm việc

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin nhanh về kết quả sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thái Nguyên đã và đang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Samsung, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T… Trong quá trình đó, tỉnh Thái Nguyên luôn coi trọng công tác phối hợp với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, từ đó quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin chi tiết tới đoàn công tác về những kết quả khả quan trong thu ngân sách, giá trị xuất khẩu, giá trị công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Thái Nguyên, từ đó bày tỏ mong muốn các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023 sẽ tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và thân tình của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực và kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội mà Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề, đưa ra đề xuất, gợi ý về hợp tác đầu tư trong thời gian tới.

- Ngày 8/8, cùng với hơn 850.000 thí sinh trên cả nước, tại Thái Nguyên, trên 15.200 thí sinh đã có mặt tại 31 điểm thi trong toàn tỉnh để làm thủ tục tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trong thời gian làm thủ tục tại các điểm thi, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được thực hiện nghiêm túc: 100% lực lượng tham gia phục vụ kỳ thi và các thí sinh dự thi đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi và đeo khẩu trang trong và ngoài phòng thi. Tại các điểm thi, các thí sinh được cán bộ coi thi hướng dẫn làm thủ tục dự thi, phổ biến Quy chế thi và điều chỉnh những sai sót (nếu có). Phòng thi cũng được bố trí xếp giãn cách theo quy định. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, phụ huynh không được tập trung đông xung quanh điểm thi; phụ huynh đưa đón thí sinh cũng cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy chế.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên, trong ngày làm thủ tục, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp thí sinh thuộc diện F0, F1, F2. Ngày 9/8, các thí sinh sẽ bước vào ngày thi đầu tiên với môn thi Ngữ Văn trong buổi sáng, thời gian làm bài 120 phút và buổi chiều thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút. Các thí sinh cần lưu ý, ngoài những vật dụng được phép mang vào phòng thi theo quy định, các thí sinh phải đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình dự thi.

- Trước đó, ngày 7/8, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đi thăm, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại một số điểm thi.

diem su kien tu ngay 382020 den ngay 982020
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao tặng khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi.

Nhằm chia sẻ với các nhà trường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh tham dự kỳ thi, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã trao tặng khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi, đồng chí mong muốn các điểm thi thực hiện tốt quy định của ngành Giáo dục và đào tạo cùng các khuyến cáo của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy và đoàn công tác cũng đã đến thăm, động viên các nhân viên y tế và lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh.

- Ngày 6/8, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Nguyên chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, kể từ ngày 28/3/2020 đến nay, không có thêm trường hợp nào nhiễm COVID-19. Tổng số người nước ngoài hiện có trên địa bàn tỉnh trên 2.200 người, trong đó số người được theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày là 42 người, đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Số người từ Đà Nẵng và từ vùng có dịch trở về hoặc đến Thái Nguyên từ ngày 1/7/2020 đang tiếp tục được thống kê và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Với các trường hợp liên quan đến ca bệnh BN673 và BN674, các trường hợp này không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính, hiện sức khỏe ổn định, đang thực hiện cách ly theo quy định.

Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Đối với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý nhân khẩu trên địa bàn, thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch đến tận các xóm, bản. Công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế xây dựng phương án xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền tăng cường thời lượng, kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh để nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19./.