*) Tuần qua, tin tức trong nước đăng tải nhiều tin, bài quan trọng. Trong đó, sự kiện Quốc hội bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Trong bài phát biểu của mình, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, có hại đến dân phải hết sức tránh.

- Sáng 2/3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023

Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sau đó đã thực hiện nghi thức tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tin tưởng trao cho mình cơ hội được phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trên cương vị Chủ tịch nước; trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy tiến cử và cho biết đây là vinh dự lớn lao cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với mình.

Chủ tịch nước bày tỏ lòng thành kính biết ơn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ mãi mãi ghi ơn công lao to lớn của các thế hệ Đảng viên, chiến sĩ và người Việt Nam yêu nước để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín quốc tế như ngày nay.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ, tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 khi kỉ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước nhấn mạnh sẽ quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là điểm xuất phát, là mục tiêu quan trọng của các quyết sách, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, cổ vũ cho tinh thần năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc; trân trọng khát vọng vươn lên của mỗi người dân, tạo môi trường để mọi người nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận công bằng, minh bạch với những cơ hội phát triển và cống hiến cho đất nước.

- Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 63/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Máy móc, phương tiện san nền tại sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN phát

Thông báo kết luận nêu rõ, theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 21 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (khoảng 70 dự án thành phần) thuộc danh mục theo dõi, chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo. Bao gồm: hệ thống đường cao tốc, trục dọc Bắc - Nam phía Đông, các trục ngang Đông - Tây khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các tuyến cao tốc kết nối vùng thủ đô, vùng Đông Nam Bộ và Tây Bắc, các dự án cảng hàng không quốc tế, các dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các dự án đang triển khai đồng loạt, khối lượng công việc thực hiện rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà thầu, tư vấn, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, mang lại hiệu quả thiết thực, không kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các dự án, góp phần phát huy vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

Bên cạnh mặt được, vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục như: tiến độ một số dự án còn chậm, nhiều mốc tiến độ chưa hoàn thành; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa cao, còn yếu; chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, lập phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số công trình, dự án chưa kỹ càng...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

* Thông tin trong tỉnh được đăng tải với nhiều tin tức nổi bật: Hội thảo trực tuyến 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo an ninh kinh tế; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016-2021...

- Sáng 27/2, đoàn kiểm tra của Trung ương do đồng chí Nguyễn Ðức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc với Tỉnh ủy Thái Nguyên về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Toàn cảnh buổi kiểm tra.

5 năm qua, Thái Nguyên đã thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương liên quan về an ninh kinh tế, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đúng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Công tác phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế được thực hiện tốt, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm kinh tế, tham nhũng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, không để hình thành “điểm nóng”, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Đoàn kiểm tra của Trung ương đánh giá cao kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của tỉnh Thái Nguyên. Theo chương trình công tác. Đoàn kiểm tra của Trung ương sẽ tiến hành khảo sát hồ sơ, văn bản chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy Thái Nguyên và làm việc về nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị tại Sở Giao thông vận tải và Thành ủy Phổ Yên./.

- Ngày 28/2, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tại phiên họp, các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tháng 01, 02, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023; Kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo với một số đơn vị về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; dư luận xã hội quan tâm.

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiêm tra, giám sát các cuộc thanh tra, thực hiện kiến nghị sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời rà soát, xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

*) Tuần qua, thế giới hướng sự quan tâm đến chuyến thăm lần đầu tiên sau 6 năm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới Iraq và những dự báo về kinh tế khu vực ASEAN.

- Ngày 28/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có chuyến thăm đầu tiên tới Iraq sau 6 năm.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein (phải) và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại cuộc họp báo chung ở Baghdad ngày 28/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Guterres cho biết mục tiêu chuyến thăm là nhằm thể hiện “sự đoàn kết với người dân và các thể chế dân chủ của Iraq”, đồng thời khẳng định LHQ cam kết hỗ trợ việc củng cố các thể chế ở Iraq. Bên cạnh đó, ông Guterres cũng bày tỏ lạc quan rằng Iraq có thể vượt qua những khó khăn và thách thức thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và toàn diện.

Iraq đã rơi vào khủng hoảng trong gần một năm do tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc cản trở quá trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử năm 2021. Tháng 10/2022, Quốc hội Iraq đã bầu ông Abdul Latif Rashid, một chính trị gia người Kurd làm Tổng thống, thay thế ông Barham Saleh.

Tân Tổng thống Iraq đã nhanh chóng bổ nhiệm chính trị gia Hồi giáo dòng Shi'ite - ông Mohammed Shia al-Sudani vào vị trí Thủ tướng, mở đường cho việc thành lập chính phủ và chấm dứt căng thẳng chính trị tại quốc gia này.

Theo kế hoạch, ông Guterres dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cũng như đại diện của các nhóm hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ và thanh niên trong ngày 1/3. Tiếp đó, ông Guterres sẽ thăm một trại tị nạn ở miền Bắc Iraq, trước khi gặp gỡ đại diện chính quyền người Kurd ở thành phố Erbil vào ngày 2/3.

Lần gần nhất Tổng Thư ký Guterres thăm Iraq là năm 2017.

- Công ty tư vấn YCP Solidiance mới đây có báo cáo nhận định rằng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người tiêu dùng số dự kiến sẽ là động lực chính cho nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm nay.

Điểm sự kiện từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/2023
Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Báo cáo của YCP Solidiance chỉ ra rằng Đông Nam Á đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2030, với dòng vốn đầu tư và kinh doanh được thiết lập để mang lại lợi ích cho một số ngành, bao gồm cả nền kinh tế số.

Báo cáo trích dẫn một báo cáo khác tựa đề "Đầu tư vào ASEAN 2023" cho biết với tốc độ tăng trưởng dự kiến thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nền kinh tế số của khu vực được dự đoán sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025 và 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm nay được dự báo sẽ vượt tốc độ tăng trưởng 2,7% của nền kinh tế toàn cầu. Dữ liệu từ ADB năm 2022 cho thấy nền kinh tế số chiếm 7% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đông Nam Á.

Báo cáo của YCP Solidiance cho rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế số Đông Nam Á là nhờ các tổ chức chính thức hỗ trợ sự phát triển số trong khu vực, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của các tổ chức này trong việc tạo ra các khuôn khổ và sáng kiến tập trung nhằm thúc đẩy nền kinh tế Internet. Bên cạnh đó, động lực cho tiêu dùng số sẽ là thế hệ Millennials và thế hệ Z vốn chiếm tới 75% người tiêu dùng trong khu vực.

Sự chuyển đổi số của tài chính và sự xuất hiện của lĩnh vực công nghệ tài chính cũng là một trong những yếu tố giúp kích thích sự tăng trưởng của các nền kinh tế trực tuyến trong khu vực và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới từ các nguồn trong và ngoài khối gia nhập. YCP Solidiance cho biết: "Thông qua các công nghệ số và Internet, nền kinh tế số đã mang đến cho các chủ doanh nghiệp và những người kinh doanh độc lập những cách thức mới để kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường cũng như tăng thu nhập của họ".

Theo một nghiên cứu của ngân hàng HSBC, số hóa đứng đầu trong các chương trình nghị sự của doanh nghiệp, với các công ty sẵn sàng đầu tư vào công nghệ cần thiết để chuyển đổi doanh nghiệp. Một nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư 5-10% lợi nhuận hoạt động để cải thiện các chiến lược số hóa, trong khi 26% đầu tư hơn 10%. Từ đó, báo cáo của YCP Solidiance khuyến nghị các nhà đầu tư tiềm năng và những người tham gia thị trường nên xem xét vai trò của hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân vì sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế số của ASEAN./.