* Trong tuần, dư luận thế giới tiếp tục quan tâm đến tình hình chiến sự Nga-Ukraine; gia tăng căng thẳng một số khu vực và tình hình khủng hoảng của một số ngân hành lớn trên thế giới,…

- Sau khi chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper trị giá 32 triệu USD rơi trên Biển Đen, Nga và Mỹ chạy đua thu hồi xác chiếc UAV này.

Chú thích ảnh
Chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: RT

Theo tờ The Guardian, UAV này chứa một số công nghệ hiện đại nhất của Mỹ và với Nga, thu hồi được xác UAV trước sẽ là một vận may tình báo.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder nói chiều 14/3 (giờ Mỹ): “Theo tôi biết, tại thời điểm này, người Nga vẫn chưa thu hồi được chiếc máy bay không người lái đó”.

Trong khi đó, theo trang newstimesuk.com, ngày 15/3, xuất hiện đoạn ghi âm bị rò rỉ cho thấy một đội trục vớt thuộc Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga có thể đã tìm thấy mảnh vỡ của UAV Mỹ.

Trong đoạn ghi âm, nhóm trục vớt tuyên bố đã đưa các bộ phận của MQ-9 Reaper lên tàu sau khi nó bị rơi lúc va chạm với máy bay chiến đấu Nga ngày 14/3.

Có thể nghe thấy trong đoạn ghi âm tiếng một người hỏi liệu đội cứu hộ Nga có nhìn thấy gì không. Một người trả lời: “Chúng tôi đã nhấc một phần của vật thể lên. Đó là vỏ động cơ”.

Trước đó, hãng tin TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 14/3, chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ đã bị các phương tiện kiểm soát không phận của Nga phát hiện gần Bán đảo Crimea.

Bộ trên cho biết: "UAV này đã bay khi tắt bộ tiếp sóng, vi phạm ranh giới của chế độ không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt, mà Nga đã thông báo với tất cả những người sử dụng không phận quốc tế và được công bố theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi chuyển hướng đột ngột, chiếc UAV của Mỹ đã thực hiện một chuyến bay không có hướng dẫn, mất độ cao và va chạm với mặt nước. Máy bay Nga không sử dụng vũ khí trên khoang, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho rằng một trong hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã va phải cánh quạt của chiếc MQ-9 khiến nó lao xuống Biển Đen.

Trước đó, Tướng Ryder nói máy bay Nga còn bay trước chiếc UAV. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo về vụ việc. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết thêm rằng máy bay Nga đã bay gần máy bay không người lái Mỹ trong 30 - 40 phút rồi va chạm.

MQ-9 Reaper là một máy bay không người lái trinh sát tấn công do General Atomics Aeronautical Systems phát triển dựa trên nguyên mẫu MQ-1 Predator.

UAV này có sải cánh dài 20 mét và được trang bị động cơ tua-bin cánh quạt 950 mã lực, có thể đạt tốc độ hơn 400 km mỗi giờ. Thời gian bay tối đa là 24 giờ.

Quân đội Mỹ mô tả chiếc UAV này là phương tiện “Tình báo, Giám sát và Trinh sát” (ISR). Mặc dù vậy, Reaper chủ yếu là một "sát thủ săn mồi", có khả năng mang bom dẫn đường bằng laser Paveway hoặc tên lửa Hellfire nặng 1.700 kg.

Tính đến năm 2021, Quân đội Mỹ có khoảng 300 chiếc MQ-9 Reaper.

- Bộ Thương mại Hàn Quốc ngày 16/3 thông báo sẽ rút đơn kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Phiên họp của đảng cầm quyền Hàn Quốc về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu tại Seoul. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN

Quyết định trên được đưa ra sau khi Nhật Bản cùng ngày đồng ý bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc.

Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, các quan chức của bộ đã tiến hành hội đàm với các đồng nghiệp của Nhật Bản từ ngày 14 - 16/3 về cách quản lý hoạt động xuất khẩu giữa hai nước. Dựa trên cuộc đối thoại chính sách này, phía Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã nhất trí rút lại đơn kiện lên WTO ngay khi Tokyo thực hiện việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế xuất khẩu này. Hai bên cũng nhất trí thảo luận cụ thể về cách thức khôi phục quy chế đối tác thương mại đáng tin cậy cho nước kia.

Tháng 7/2019, Nhật Bản áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao cần thiết đối với sản xuất chip bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" các nước được ưu đãi giảm đến mức tối thiểu các hạn chế thương mại. Nhật Bản khẳng định việc siết chặt quy định xuất khẩu là vì lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho rằng đây là các biện pháp trả đũa việc tòa án Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết buộc một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến (từ năm 1910 - 1945). Hàn Quốc đã khiếu nại biện pháp hạn chế xuất khẩu trên của Nhật Bản, cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử, vi phạm các quy định của WTO.

Tuần trước, trong một động thái giúp "tháo nút" cho quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh, Hàn Quốc đã đề xuất phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các công ty tư nhân đóng góp, thay vì chờ tiền chi trả trực tiếp của các công ty Nhật Bản có liên quan.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang thăm Nhật Bản và vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida trong ngày 16/3. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các biện pháp tổng thể cho việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.

- Trung Quốc tập trận hải quân với Nga, Iran để 'truyền năng lượng tích cực': Bắc Kinh cho biết cuộc tập trận chung "Security Bond-2023’ với Nga và Iran ở Vịnh Oman nhằm “truyền năng lượng tích cực” vào khu vực.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục Thẩm Dương của Hải quân Trung Quốc tiến ra biển trong cuộc tập trận "Hợp tác Hải quân 2015" tại Vladivostok. Ảnh: Sputnik

Nga, Trung Quốc và Iran đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 5 ngày nhằm tăng cường an ninh hàng hải - Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố ngày 15/3.

Bộ trên cho biết cuộc tập trận “Security Bond-2023” giữa ba quốc gia ở Vịnh Oman diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/3 và một số quốc gia không xác định cũng sẽ tham gia.

“Cuộc tập trận này sẽ giúp tăng cường hợp tác thiết thực giữa hải quân các nước tham gia, thể hiện hơn nữa sự sẵn sàng và khả năng cùng nhau duy trì an ninh hàng hải”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc tập trận sẽ “truyền năng lượng tích cực vào hòa bình và ổn định khu vực”.

Bộ trên cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường Nam Ninh của Trung Quốc sẽ tham gia sự kiện, đồng thời lưu ý rằng chương trình của “Security Bond-2023” được xây dựng dựa trên các cuộc tập trận do Trung Quốc, Nga và Iran tổ chức vào năm 2019 và 2022.

Vào cuối năm 2019, các cuộc tập trận tương tự giữa ba quốc gia đã diễn ra ở Ấn Độ Dương và Biển Arab. Khi đó, phát ngôn viên của quân đội Iran, Abolfazl Shekarchi, cho biết mục tiêu của các sự kiện này là chống khủng bố và cướp biển. Vào năm 2022, loạt cuộc diễn tập "Security Bond" bao trùm khu vực phía bắc của Ấn Độ Dương và có sự tham gia của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, nhánh tinh nhuệ của quân đội Iran.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết sự hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh đã “đạt đến một cấp độ hoàn toàn mới”, với mối quan hệ đối tác đóng vai trò là “một trong những biện pháp ngăn chặn chính đối với các hoạt động gây hấn của Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương."

Phản ứng trước cuộc tập trận của Trung Quốc - Nga - Iran, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi, chúng tôi sẽ giám sát nó, rõ ràng là để đảm bảo rằng không có mối đe dọa nào từ cuộc tập trận này đối với lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi hoặc của các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực".

Hồi tháng 2, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố rằng Washington “quan ngại về bất kỳ quốc gia nào tập trận với Nga” khi Moskva đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về một loạt vấn đề, bao gồm việc Trung Quốc từ chối chỉ trích Moskva về cuộc xung đột ở Ukraine và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Nga.

Trung Quốc hiện đang duy trì căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất của mình, với một bến tàu hải quân tại Djibouti - quốc gia vùng Sừng châu Phi, nằm ngay bên kia Vịnh Oman.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân khác với Nga và Nam Phi. Trong khi Pretoria gọi đó là một phương thức để tăng cường phối hợp giữa ba nước, thì truyền thông phương Tây gọi động thái này là "gây tranh cãi" trong bối cảnh cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine.

* Trong tuần, Thainguyentv.vn cũng đăng tải nhiều thông tin trong nước nổi bật: Chủ tịch nước dự lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2022; Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát huy hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023; Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41;…

- Sáng 16/3, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức chương trình Tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo, động viên tuổi trẻ Quân đội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu tham dự buổi lễ.

Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân là danh hiệu được tổ chức bình chọn và tuyên dương hàng năm. Chương trình nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ Quân đội; tạo động lực để cán bộ, đoàn viên, thanh niên không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Cũng qua đó, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; xung kích, sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc...

Việc tổ chức bình chọn và tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu được thực hiện từ cấp cơ sở, tạo nên phong trào thi đua sâu rộng; đã chọn được 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu, 43 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân cùng hàng nghìn điển hình tiên tiến được bình chọn và tuyên dương trong năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cùng với toàn quân, đoàn viên, thanh niên Quân đội đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, gian khổ, xung kích, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, lao động sản xuất, vận động quần chúng nhân dân, cứu hộ, cứu nạn trong và ngoài nước, tham gia các hoạt động đối ngoại quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... Từ thực tiễn phong trào, hoạt động phong phú và thiết thực đó đã xuất hiện nhiều cách làm, mô hình, công trình, phần việc thanh niên hiệu quả; nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương dũng cảm hy sinh, lập công xuất sắc có sức lan tỏa mạnh mẽ; tiếp tục khẳng định thanh niên Quân đội luôn xung kích, sáng tạo, “đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương thành tích mà thanh niên Quân đội và các Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân đã đạt được trong năm 2022. Đánh giá cao sự khổ luyện, phấn đấu bền bỉ, không ngừng của các gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng toàn quân, Chủ tịch nước nhấn mạnh, giành được vinh dự này đã khó, nhưng giữ được vinh dự còn khó khăn hơn. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời quân ngũ, là động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, trở thành cán bộ, chiến sỹ quân đội tài - đức, vừa hồng, vừa chuyên như Bác Hồ đã dạy.

Chủ tịch nước đề nghị mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên Quân đội nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị của hòa bình, thống nhất đất nước, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm cao hơn giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Các cấp ủy, chỉ huy và Đoàn Thanh niên trong Quân đội phải tổ chức, tạo môi trường để các bạn trẻ nghiên cứu, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước, Quân đội, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc. Cùng với đó, tuổi trẻ Quân đội không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức tổng hợp và chuyên sâu, nâng cao khả năng tự học, tự rèn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thích ứng nhanh với thực tiễn, vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ và vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

- Sáng 18/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và lãnh đạo 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Mô hình quản lý này mang lại một số thay đổi tích cực.

Nhờ đó, 19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp. Tính đến 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 1 triệu 173 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng.

Tính đến năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt.

Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 ngàn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 ngàn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 ngàn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 ngàn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 ngàn 211 tỷ đồng).

Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...

- Sáng 17/3, lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề "Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu tham quan gian hàng của TTXVN. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các địa phương đã dự lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc năm 2023.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, luôn gắn bó đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cả nước đã thường xuyên đề cao sứ mệnh, trách nhiệm chính trị, bám sát định hướng của Đảng, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền sâu rộng việc nghiên cứu quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận chính trị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Báo chí đã tích cực chủ động, hiệu quả phản ánh trung thực khách quan, góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thông tin tuyên truyền về phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, thành tựu của công cuộc đối ngoại tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Hội Báo toàn quốc năm nay là hoạt động quan trọng, giàu ý nghĩa chính trị xã hội và văn hóa, giàu trí tuệ làm sinh động, phong phú thêm đời sống báo chí. Đây cũng là dịp để biểu dương lực lượng báo chí cách mạng, tạo không khí thi đua giữa các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo và những người làm báo cả nước, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức đức nghề nghiệp cho các nhà báo, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của báo chí.

Với chủ đề "Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo", Hội Báo toàn quốc năm nay là hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện lớn diễn ra trong năm, thông qua đó, nêu bật những thành tựu to lớn, sự phát triển mạnh mẽ của Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động sáng tạo của đội ngũ người làm báo cả nước, là dịp để những người làm báo, cơ quan báo chí gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm báo, công nghệ làm báo mới; tăng cường giao lưu gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ báo chí thực hiện tốt nhất chức năng nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (2020 - 2025), đặc biệt hướng tới những ngày lễ, đợt kỷ niệm lớn của 3 năm 2023 - 2025, trong đó có kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)…

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Thái Nguyên hoàn tất việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật đất đai (sửa đổi); Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên làm việc với Đảng ủy Thanh tra tỉnh; Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nhuyên; Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tỉnh thứ 5 trong cả nước và là tỉnh thứ 2 trong Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ được Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

- Ngày 17/3, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với Đảng ủy Thanh tra tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc.

Phát huy vai trò thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên làm việc với Đảng ủy Thanh tra tỉnh

Trong năm 2022, Thanh tra tỉnh đã phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành với chủ đề “Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu qua công tác thanh tra, thích ứng an toàn trong tình hình mới". Toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 48 cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định về phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, thực hiện 431 cuộc thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội, qua đó đã kiến nghị xử lý về kinh tế trên 21 tỷ đồng. Kết quả đánh giá chỉ số công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 do Thanh tra Chính phủ công bố năm 2022, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 06/63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao những kết quả mà ngành thanh tra đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, để phát huy tốt vai trò trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, ngành thanh tra tỉnh cần tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chỉ thị, Kết luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Ngày 17/3, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nhuyên. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Samsung có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Samsung khẳng định nỗ lực, tiếp tục phát triển tại Thái Nguyên
Buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với Công ty Samsung Việt Nam.

Tại buổi làm việc ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định trong suốt thời gian gần 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh Samsung luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện đồng hành của các cấp, ngành và người dân tỉnh Thái Nguyên. Từ một dự án ban đầu là Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên SEVT được khởi công tháng 3 năm 2013 với số vốn 2 tỷ USD, chỉ sau một năm dự án đã tăng thêm 3 tỷ USD, liên tục sau đó Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần đây nhất Samsung đã tăng vốn thêm 1.187 triệu USD vào nhà máy Samsung Electromechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên nâng tổng mức đầu tư của tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD.

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Samsung tại tỉnh Thái Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022 và nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5 năm 2023 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11 năm 2023.

Năm 2023 Samsung tại Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng 5%. Ông Choi Joo Ho cũng khẳng định thông tin gần đây về việc Samsung chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật, những sản phẩm được sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các quốc gia Châu Phi còn tại Việt Nam thì xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới. Như vậy sản lượng của nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu theo đó để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Samsung Việt Nam, Tập đoàn Samsung mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xem xét và có giải pháp về nội dung này. Về phía tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng sự có mặt của Samsung đã có những đóng góp lớn, tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển đất công nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh cũng như ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó đã góp phần đưa các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp giá trị xuất khẩu của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế thu ngân sách cũng đạt được kết quả rất ấn tượng trong những năm gần đây.

Đối với các nội dung kiến nghị của Samsung Việt Nam tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành để đề xuất kiến nghị với quốc hội chính phủ Việt Nam trong việc xem xét xây dựng cơ chế thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu sớm tháo gỡ khó khăn của Samsung tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó tiếp tục duy trì và đẩy mạnh vai trò cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn Samsung tại Việt Nam, tiếp tục đóng góp lớn và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước./.