Điểm sự kiện từ ngày 12/5 đến ngày 18/5/2025
* Tuần qua thế giới chứng kiến những nỗ lực ngoại giao quan trọng. Từ thỏa thuận giảm thuế Mỹ - Trung đến đàm phán Nga - Ukraine và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, những tín hiệu tích cực xuất hiện. Tuy nhiên, những thách thức về địa chính trị, kinh tế và an ninh vẫn còn rất lớn…
- Sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ có động thái hạ nhiệt cuộc chiến thương mại bằng việc đồng loạt cắt giảm mạnh thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Cuộc họp cấp cao diễn ra ngày 10 và 11/5 tại Geneva, Thụy Sĩ đã mang lại kết quả tích cực, khi hai bên nhất trí giảm 115% thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, có hiệu lực từ ngày 14/5. Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là một "thiết lập lại hoàn toàn", mở ra hy vọng về sự ổn định cho kinh tế toàn cầu.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối ứng lên hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 10%. Tuy nhiên, mức thuế 20% liên quan đến chất gây nghiện fentanyl vẫn được giữ nguyên, nâng tổng thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc lên 30% trong 90 ngày tới. Đáp lại, Trung Quốc cũng tạm dừng hoặc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan tương ứng với tổng tỷ lệ 115% đối với hàng hóa Mỹ, chỉ duy trì mức thuế 10%. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết tạm ngừng các biện pháp phi thuế quan áp dụng từ ngày 2/4 đối với 17 thực thể Mỹ trong danh sách không đáng tin cậy và 28 thực thể trong danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Thỏa thuận này ngay lập tức có tác động đến thị trường. Theo ghi nhận vào trưa ngày 14/5, mức thuế quan mới đã được thực thi. Các tổ chức tài chính đồng loạt điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc theo hướng tích cực hơn. Ngân hàng đầu tư UBS nâng dự báo GDP năm 2025 của Trung Quốc lên 3,7-4% từ mức 3,4% trước đó, kỳ vọng việc giảm căng thẳng thương mại sẽ hạn chế tác động tiêu cực. Morgan Stanley cũng dự báo GDP quý II/2025 của Trung Quốc có thể vượt 4,5%.
Tuy nhiên, thời hạn 90 ngày của thỏa thuận đang làm dấy lên những lo ngại về tính bền vững. Tờ Global Times của Trung Quốc nhận định thời gian này là quá ngắn. Dan Wang, Giám đốc Eurasia Group tại Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không vội vàng làm rõ các rào cản phi thuế quan dự định dỡ bỏ để duy trì sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán tương lai. Yue Su, nhà kinh tế trưởng tại The Economist Intelligence Unit, cũng cảnh báo nguy cơ thuế quan có thể được áp dụng trở lại sau 90 ngày.
Mặc dù vậy, tác động ngắn hạn của việc giảm thuế là không thể phủ nhận. Các chuyên gia dự đoán hàng hóa Trung Quốc sẽ ồ ạt đổ vào Mỹ trong 90 ngày tới khi các nhà bán lẻ tranh thủ tích trữ hàng tồn kho trước khi thuế quan có thể quay trở lại. Ryan Calkins, quan chức cảng Seattle, dự đoán sẽ có một đợt hàng hóa tăng đột biến vào giữa mùa hè. Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Maersk, Charles van der Steene, cho biết khối lượng vận chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 40% do bất ổn thuế quan, và giờ đây nguồn cung bị dồn nén sẽ quay trở lại.
Ở chiều ngược lại, việc Trung Quốc giảm thuế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Mỹ thâm nhập thị trường tỷ dân này. Các mặt hàng nông sản, công nghệ và các sản phẩm khác của Mỹ có thể trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn sâu sắc trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn tồn tại. Mức thuế 30% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn cao hơn mức 10% của Trung Quốc, một phần do thuế fentanyl. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các rào cản phi thuế quan khác vẫn có thể được sử dụng như công cụ trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Nhìn chung, việc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt giảm thuế là một bước đi tích cực, mang lại sự lạc quan nhất định cho kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức và sự bền vững của "thỏa thuận đình chiến" này phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán sâu rộng hơn trong 90 ngày tới.
- Sau hơn 3 năm xung đột, Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc hòa đàm kéo dài chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã được các bên đánh giá "tích cực hơn dự kiến" và mở ra triển vọng hòa bình cho khu vực.
![]() |
Quang cảnh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Trợ lý của Tổng thống Nga, ông Vladimir Medinsky - trưởng đoàn đàm phán Nga tại Istanbul - bày tỏ "hài lòng" với kết quả đạt được. Ông khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Kiev trong tương lai, đặc biệt khi "các bên đã trao đổi quan điểm về một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra".
Theo nguồn tin ngoại giao, hai bên đã nhất trí trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên. Phái đoàn Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu đã nhấn mạnh các ưu tiên của nước này trong đàm phán bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày và việc trao trả tất cả tù binh.
Bộ trưởng Umerov cho biết ưu tiên hàng đầu của Kiev là đảm bảo việc trao đổi tù binh và đạt được lệnh ngừng bắn, vì vậy "bước tiếp theo nên là một cuộc gặp cấp lãnh đạo".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng bày tỏ hài lòng khi chứng kiến "ý chí của cả hai phía đã mở ra một cánh cửa cơ hội mới cho hòa bình". Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với CNN rằng trong cuộc đàm phán, phía Nga đã yêu cầu Ukraine rút khỏi một số lãnh thổ mà Kiev vẫn đang kiểm soát. Khi đàm phán bế tắc, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất kế hoạch trao đổi tù nhân theo 3 nhóm: trẻ em, dân thường và binh sĩ.
Về phần mình, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephanie Tremblay hoan nghênh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đánh giá đây là "bước đi quan trọng hướng tới việc tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững tại Ukraine theo Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết có liên quan của LHQ". Bà cũng bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn hoàn toàn, ngay lập tức và vô điều kiện.
Cùng ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khẳng định ông có thể sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. "Tôi có mối quan hệ rất tốt với ông Putin, tôi tin tưởng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận, chúng tôi cần gặp nhau, và tôi cho rằng chúng tôi có thể sẽ sắp xếp lịch gặp", Tổng thống Trump phát biểu trong chuyến công du UAE.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ là cần thiết và cần hướng tới kết quả cụ thể. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố cách duy nhất để có bước đột phá trong tiến trình hòa bình Ukraine là một cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ.
Mặc dù đã có những bước tiến tích cực, nhưng sự khác biệt lớn giữa hai bên vẫn còn tồn tại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện trước khi đàm phán thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Putin từ chối ngừng bắn cho đến khi có sự nhượng bộ lớn từ Kiev và phương Tây.
Trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao đang diễn ra, các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục và thậm chí gây nhiều thương vong hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Liên hợp quốc.
Dù vậy, cuộc đàm phán tại Istanbul đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình ngoại giao, mở ra hy vọng cho một giải pháp hòa bình sau hơn 3 năm xung đột kéo dài.
* Trong tuần từ ngày 12 đến 18/5/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc hội tiếp tục thảo luận một số luật phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính; Đông đảo người dân đón xá lợi Phật trong Đại lễ Vesak 2025; Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; Cảnh báo về biến thể COVID-19 tại Việt Nam.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tượng “Bác Hồ về thăm quê”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
- Hướng tới Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), trong tuần, ngày 15/5, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và Bộ Công an tổ chức trọng thể Khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 và Khánh thành công trình Tượng "Bác Hồ về thăm quê" tại Nghệ An.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí nguyên Ủy biên Bộ Chính trị, Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng tham dự lễ hội. Dấu ấn đặc biệt trong năm nay là cùng với Chương trình Khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 là khánh thành công trình Tượng "Bác Hồ về thăm quê" do Bộ Công an trao tặng.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương cùng đại diện lãnh đạo tỉnh đã cắt băng khánh thành Tượng đài "Bác Hồ về thăm quê" tại tỉnh Nghệ An.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - Đền thờ Gia tiên Bác Hồ và tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trong tuần, nhiều hoạt động tưởng niệm, văn hoá nghệ thuật nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng diễn ra xúc động trên khắp cả nước.
- Tuần qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phiên thảo luận với 2 dự thảo này được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
Cùng với các phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu tham gia thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội về những nội dung như: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) phục vụ cho việc sắp xếp, sáp nhập được đông đảo ĐBQH quan tâm.
Làm rõ những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức đặt ra hai vấn đề lớn: Đầu tiên là xác lập pháp lý cho việc liên thông đội ngũ cán bộ cấp xã với cấp tỉnh trở lên để xây dựng một chế độ công vụ chung của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, từ đó đáp ứng yêu cầu khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Trong đó nổi bật, ngạch công chức không còn là mục tiêu như hiện nay và tiến tới sẽ không còn thi nâng ngạch, người lao động không còn phải trải qua quy trình từ cán sự đến chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp... Đây là vấn đề mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Bộ sẽ xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở sử dụng công nghệ, dữ liệu số, công vụ công chức và chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghệ hiện đại; kết hợp giữa KPI với đặc thù của công vụ Việt Nam… để đảm bảo đánh giá thực chất, công khai, minh bạch, chính xác, từ đó loại bỏ tư duy biên chế suốt đời.
- Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong.
Trên phạm vi toàn cầu, số trường hợp mắc, tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm; sự gia tăng nhanh số ca nhiễm COVID-19 tăng tại Thái Lan trùng với thời điểm và thời gian ủ bệnh sau ngày Tết truyền thống, nhiều khả năng do có có sự gia tăng tụ tập đông người và sự gia tăng của biến thể phụ XBB.1.16.
Tại Việt Nam, bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành; với sự giao lưu, đi lại cao của người dân Việt Nam trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể sẽ không gia tăng các trường hợp nặng do biến thể của virus COVID-19. Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng, nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và WHO hiện không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Trước tình hình bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của hiến pháp năm 2013; Hội nghị trao đổi công tác giữa BTV Tỉnh ủy Thái Nguyên và BTV Tỉnh ủy Bắc Kạn; Nỗ lực đảm bảo kịch bản tăng trưởng năm 2025; Sẵn sàng hạ tầng thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn huyện Phú Bình;…
![]() |
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 |
- Trong tuần, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã tham dự Hội nghị tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức.
Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, liên quan trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi, trí tuệ tập thể của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, những người làm công tác thực tiễn. Với tinh thần trách nhiệm, sự tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến cụ thể, chất lượng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013, với mong muốn làm cho Hiến pháp ngày càng hoàn thiện, thực sự là đạo luật gốc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Hiện nay, các địa phương và nhiều tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang tích cực tổ chức các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
- Tại Hội nghị trao đổi công tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
![]() |
Hội nghị Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn |
Trước đó, trong chương trình làm việc, Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị chuẩn bị nhân sự theo Kết luận số 150 ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Liên quan đến công tác sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn, trong tuần, một số ban, ngành, cơ quan, đơn vị của hai tỉnh đã họp bàn, thống nhất các nội dung liên quan.
- Nỗ lực đảm bảo kịch bản tăng trưởng năm 2025 - là yêu cầu của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng tại Phiên họp thứ 43 của UBND tỉnh nhằm đánh giá tình hình phát triển KT-XH tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các chỉ số KT-XH đạt được trong tháng 4 là rất tích cực, tạo cơ sở quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng quý II, bù lại mức tăng trưởng âm của quý I và đảm bảo mức tăng trưởng cả năm 2025. Đồng chí nhấn mạnh việc tỉnh có cơ sở để hoàn thành nhiều chỉ tiêu như thu ngân sách, giải ngân đầu tư công… và giao các sở, ngành, địa phương tham mưu các giải pháp phục vụ điều hành kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn phát sinh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025./.
Tin mới hơn


Tin 24h ngày 22/6/2025

Tin 24h ngày 21/6/2025

Tin 24h ngày 20/6/2025

Tin 24h ngày 19/6/2024
Tin bài khác

Tin 24h ngày 18/6/2025

Tin 24h ngày 17/6/2025

Tin 24h ngày 16/6/2025

Điểm sự kiện từ ngày 9/6 đến ngày 15/6/2025

Tin 24h ngày 15/6/2025
Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục
![[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/phanletung/112021/02/10/medium/2612_d49d1cca37d4ff8aa6c5.jpg?rt=20211102102614?211102104719)
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)
Multimedia
![[Photo] Thái Nguyên kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/18/17/croped/medium/dsc0090520250618174037.webp?rt=202506230103?250619122153)
[Photo] Thái Nguyên kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05
![[Infogrraphic] Dự kiến 55 đơn vị hành chính xã, phường của tỉnh Thái Nguyên khi sáp nhập, hợp nhất tỉnh Bắc Kạn](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/12/11/croped/medium/2info-du-kien-55-phuong-xa-tinh-thai-nguyen20250612110627.webp?rt=202506230103?250612111627)
[Infogrraphic] Dự kiến 55 đơn vị hành chính xã, phường của tỉnh Thái Nguyên khi sáp nhập, hợp nhất tỉnh Bắc Kạn
![[Infographic] Quy định của Ban Bí thư về bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, xã](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/10/23/croped/medium/3info-co-cau-ubmttq-cap-tinh-xa20250610233037.webp?rt=202506230103?250612101623)
[Infographic] Quy định của Ban Bí thư về bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, xã
![[Infographic] Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/10/23/croped/medium/10-6-thai-nguyen-chung-tay-vi-nguoi-ngheo20250610231201.webp?rt=202506230103?250612101018)
[Infographic] Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025
![[Photo] Hoạt động của lãnh đạo tỉnh Gyeongsangbuk - do thăm Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/10/18/croped/medium/c1196mp4-snapshot-0003-20250610-16332120250610185912.webp?rt=202506230103?250610110355)
[Photo] Hoạt động của lãnh đạo tỉnh Gyeongsangbuk - do thăm Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)
![[Phóng sự ảnh]: Giao lưu các sản phẩm đặc trưng giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và Gyeongsangbuk - do (Hàn Quốc)](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/062025/08/20/croped/medium/c0012mp4-snapshot-0001-20250608-20311320250608204111.webp?rt=202506230103?250608094208)