* Trong tuần, thế giới đã có một tuần nhiều sự kiện được Thainguyentv.vn tuyên truyền đậm nét: Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba: Mốc quan trọng phát triển đất nước; Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba: Khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia; Tổng thống Mỹ Biden dự định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9; IMF: Thuế carbon có thể giúp các nước châu Á giảm lượng khí thải; IAEA xác nhận Iran bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%; Nguy cơ đông máu do COVID-19 cao hơn do vaccine ngừa COVID-19; Dịch COVID-19: Campuchia quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Penh...

- Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba, diễn ra từ ngày 17 đến 19/4 (giờ địa phương), được coi là cột mốc quan trọng trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia vùng Caribbean này.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Quang cảnh hội trường tổ chức Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cub

3 chủ đề chính của Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba gồm: đánh giá lại kết quả kinh tế - xã hội đạt được kể từ Đại hội lần thứ VII năm 2016; cập nhật các chủ trương, đường lối của Kế hoạch Phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đề ra; thảo luận về công tác quần chúng, tư tưởng và chính sách cán bộ của Đảng.

Nhìn lại 5 năm qua, một trong những bước đi vĩ mô quan trọng nhất của Cuba là thông qua Hiến pháp mới năm 2019, sau một quá trình dài 1 năm tham vấn nhân dân rộng rãi và các bước thông qua cần thiết. Nhiều nội dung mới đáng chú ý đã được đưa vào Hiến pháp như: củng cố tính pháp quyền của Nhà nước; cấu trúc lại cơ cấu hành chính từ cấp trung ương tới địa phương và áp dụng chế độ nhiệm kỳ; công nhận các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và tạo cơ sở hiến pháp cho hoạt động của các thành phần này trong tương lai...

Trong bối cảnh đó, tháng 7-2020, Cuba công bố Chiến lược kinh tế và xã hội để củng cố nền kinh tế. Và từ ngày 1-1-2021, Cuba bắt đầu tiến hành cải cách về tiền tệ, lương và giá cả, với tên gọi chính thức là nhiệm vụ bình ổn tiền tệ. Đây là bước chuyển đổi phức tạp và rộng lớn nhất kể từ khi Cuba bắt đầu tiến trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội năm 2011. Một số nhà quan sát coi đây là bước chuyển mình về tư duy kinh tế có ý nghĩa nhất trong vài thập niên qua ở quốc gia này.

Có thể nói, Đại hội VIII lần này sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước.

- Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 17/4 khẳng định Iran đã bắt đầu quá trình làm giàu urani ở mức tinh khiết 60% tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Pilot thuộc cơ sở hạt nhân Natanz, quá đó xác nhận các tuyên bố trước đó của giới chức nước Cộng hòa Hồi giáo.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz ở miền Trung Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo IAEA, cơ quan này xác nhận Iran đã bắt đầu quá trình làm giàu urani ở mức 60%, thông qua nạp nguyên liệu urani florua 6 (UF6) vào các máy ly tâm IR-4 và IR-6 tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Pilot ở cơ sở hạt nhân Natanz.

Trước đó, Iran cũng đã thông báo với IAEA về ý định bắt đầu làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%. Quyết định tăng mức làm giàu urani và lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại cơ sở hạt nhân Natanz được đưa ra trong bối cảnh Tehran và nhóm các cường quốc trên thế giới đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trước nguy cơ đổ vỡ.

Cùng ngày 17/4, Iran và nhóm các cường quốc nối lại cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Liên minh châu Âu (EU) cho biết cuộc đàm phán lần này có sự tham gia của các quan chức EU và đại diện của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Iran - những nước còn lại tham gia thỏa thuận.

* Trong tuần, Thainguyentv.vn cũng đăng tải nhiều thông tin nổi bật về tình hình trong nước: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ; Nghị quyết Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau kiện toàn; Lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử; Vietnam Expo 2021: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; Tuyển sinh đại học 2021: Tăng chỉ tiêu, thêm nhiều ngành học mới...

- Ngày 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ ngày 15/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên họp thảo luận về công tác bàn giao nhiệm vụ sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự, quan điểm định hướng chỉ đạo và một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới.

Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt và chỉ đạo các thành viên Chính phủ khẩn trương bàn giao, xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức Đảng và công tác nhân sự; rà soát, sửa đổi quy chế làm việc.

Theo chương trình làm việc của phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về: Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP; tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm phòng vaccine COVID-19; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19; tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

- Từ ngày 14/4 đến 18/4, Trung ương và các địa phương sẽ tiến hành hội nghị hiệp thương lần 3 để chốt danh sách chính thức ứng cử viên cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 tại Thái Nguyên

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử.

Như vậy, bắt đầu từ ngày 14/4 đến 18/4, Trung ương và các địa phương sẽ tiến hành các hội nghị hiệp thương để chốt danh sách chính thức ứng cử viên cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

1.085 người được giới thiệu ra Hội nghị hiệp thương lần 3.

Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, danh sách sơ bộ những ứng viên được giới thiệu trước hội nghị hiệp thương lần 3 gồm 1.085 người, trong đó, phụ nữ: 481 người (44,33%); dưới 40 tuổi: 305 người (28,11%); người tự ứng cử: 76.

Số người tự ứng cử khóa này chỉ bằng một nửa so với khóa XIV. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ người tự ứng cử lớn nhất cả nước, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến thời điểm này, về cơ bản, các địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri. Ý kiến của cử tri là thước đo về năng lực, uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của các ứng viên.

* Trong tuần, Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý, nổi bật nhất là những thông tin vui về việc thăng hạng ngoạn mục của Thái Nguyên về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020.

- Ngày 14/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020. Đạt tổng điểm 46,471 - Thái Nguyên được đánh giá là điểm sáng trong bảng xếp hạng khi nắm giữ vị trí thứ 3.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2020 là kết quả phỏng 14.732 người dân từ 18 tuổi trở lên được chọn ngẫu nhiên tại 63 địa phương trong cả nước. Bảng xếp hạng PAPI năm nay vẫn dựa trên 8 tiêu chí, trong đó, tiêu chí "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất. Kết quả PAPI năm 2020, cho thấy xu hướng tích cực trong cung ứng dịch vụ công, thực hiện các thủ tục hành chính công hay vấn đề công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.

Theo kết quả công bố, Quảng Ninh đã tăng 2 bậc để vươn lên vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng với điểm 48,811 điểm. Vị trí thứ 2 thuộc về Đồng Tháp với 46,961 điểm.

Đạt tổng điểm 46,471 - Thái Nguyên được đánh giá là điểm sáng trong bảng xếp hạng khi nắm giữ vị trí thứ 3. So với năm trước, Chỉ số PAPI năm 2020 của Thái Nguyên đã tăng 36 bậc với sự cải thiện rõ nét về điểm số đánh giá cả 6/8 tiêu chính.

Trong 8 tiêu chí đánh giá thì mức điểm cao nhất của Thái Nguyên lần lượt thuộc về 3 tiêu chí: Thủ tục hành chính công (7,66 điểm), Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,28 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,03 điểm). Đây là kết quả được tạo nên từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực không ngừng của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn.

- Ngày 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020.

Điểm sự kiện từ ngày 12/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Đông đảo các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước quan tâm tới Chỉ số PCI

Năm nay, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với mức điểm cao nhất trên 75 điểm; Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt nằm trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất. Với tổng điểm 66,56 điểm, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng, tăng 1 bậc so với năm 2019, dẫn đầu các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc. 6/10 chỉ tiêu thành phần đều tăng mạnh, trong đó các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và tính năng động của chính quyền cấp tỉnh, đều có số điểm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Điểm đặc biệt của báo cáo PCI 2020, đó là việc đưa ra những phân tích, nhận định về động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, một định hướng lớn của Đảng và Chính phủ đặt ra trong việc nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Thái Nguyên đang bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế và quyết tâm của bộ máy chính quyền năng động. Kết quả PCI 2020 và PAPI 2020 sẽ tiếp tục tạo đà bứt phá cho những hành động triển khai mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự minh bạch của môi trường đầu tư hấp dẫn, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã đề ra./.