* Trong tuần qua, những thông tin về việc bảo vệ trẻ em trong “cơn bão” COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí đốt thu hút sự quan tâm của truyền thông thế giới.

- Sau khi tập trung tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng là người trưởng thành, các nước trên thế giới đang ngày càng quan tâm tới việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 Soberana 02 cho trẻ em ở thủ đô La Habana, Cuba. Ảnh: CNN

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm ít tổn thương, hiếm có khả năng diễn biến nặng khi mắc virus hơn so với người lớn. Tuy nhiên, điều này không còn đúng nữa kể từ khi biến thể Delta xuất hiện. Bằng chứng là số trẻ em nhập viện và tử vong vì Covid-19 gia tăng ở nhiều nước. Thực tế này khiến hàng loạt nước trên thế giới đã đưa ra quyết định hạ độ tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên nhằm bảo vệ thế hệ trẻ cũng như bảo vệ cả cộng đồng.

Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Theo The Guardian, hiện các quan chức y tế Mỹ đang chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Cũng trong tháng 5, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. EMA khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro. Kể từ đó, các nước thành viên EU đã thực hiện tiêm cho trẻ em với tốc độ khác nhau.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế gần đây cho biết mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10-2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên là một rất cần thiết. The Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia y tế Mỹ cho biết, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em không chỉ giúp bảo vệ nhóm đối tượng này mà còn giảm sự lây lan virus sang những người lớn tuổi, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, quy trình tiêm chủng cho nhóm đối tượng này cần được giám sát chặt chẽ để bảo đảm an toàn.

- Trong những tháng gần đây, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt tới 600% khiến nguồn cung ở châu Âu bị thiếu trầm trọng. Một kịch bản tồi tệ đang trở nên hiện hữu, đó là tình trạng mất điện trên diện rộng buộc các doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa. Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài được dự báo sẽ khiến cho mùa đông năm nay ở "lục địa già" thêm khắc nghiệt.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Trạm nén khí Gazprom Slavyanskaya, điểm đầu của đường ống dẫn khí Nord Stream 2, ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg

Nhằm cải thiện tình hình, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đưa ra một số đề xuất nhằm hạ nhiệt giá dầu đang ở mức cao khi mùa đông sắp tới, đặc biệt là nhằm hỗ trợ những hộ gia đình thu nhập thấp.

Cụ thể, các biện pháp mà phía EU đưa ra bao gồm, hỗ trợ thu nhập khẩn cấp cho các hộ gia đình để giúp họ thanh toán hóa đơn chi tiêu năng lượng, viện trợ nhà nước và giảm thuế có mục tiêu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng có thể yêu cầu hoãn thanh toán hóa đơn, thanh toán một phần hóa đơn và thực hiện các quy trình liên quan để đảm bảo rằng không ai bị ngắt kết nối với lưới điện. Kinh phí thực hiện hỗ trợ được lấy từ nguồn thu từ hệ thống giao dịch khí thải của EU.

Một đề xuất khác mà EU đưa ra đó là chính phủ các nước cần áp dụng những biện pháp giảm mức áp thuế hay thậm chí là hỗ trợ cho một số công ty hay một số ngành công nghiệp cụ thể.

Tuyên bố của EC cũng bày tỏ mong muốn đưa ra được những giải pháp dài hơi để có thể sẵn sàng ứng phó với các tình huống biến động giá năng lượng đột ngột, gồm cả việc tăng cường đầu tư cho các năng lượng tái tạo và cải thiện khả năng tích trữ nhiên liệu.

“Sự nóng lên” của cuộc khủng hoảng nhiên liệu đã thổi bùng những tranh cãi xoay quanh việc liệu EU có nên thúc đẩy các dự án năng lượng hạt nhân, vốn được coi là giải pháp là giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống. Để có kinh phí thực hiện mục tiêu này, EU sẽ phải sử dụng đến hàng tỷ ơ-rô như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu và quỹ phục hồi sau đại dịch.

* Trong tuần, Thainguyentv.vn cũng đăng tải nhiều thông tin nổi bật về tình hình trong nước. Trong đó, nổi bật là Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 4.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ lần thứ 4, cho ý kiến về những nội dung còn lại trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Về công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 2, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến về 5 dự án luật. Tại các phiên họp thường kỳ lần thứ 2 và thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với tất cả các dự án luật, dự kiến trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, về việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về vấn đề xét xử trực tuyến theo đề nghị của Tòa án Nhân dân Tối cao, việc xử lý tài chính cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các cam kết, mục tiêu của Chính phủ; thảo luận, cho ý kiến về hai báo cáo của Chính phủ.

- Ngày 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ vaccine, thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế để Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước đánh giá cao những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Biden nhằm tăng cường hợp tác với các nước giúp kiểm soát dịch COVID-19 và hỗ trợ thế giới vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch nước mong Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19 và Công ty Pfizer sớm chuyển giao cho Việt Nam 31 triệu liều vaccine trong năm 2021, cùng 20 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi theo như cam kết từ Pfizer trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Trụ sở chính Công ty Pfizer tại New York, Hoa Kỳ nhân dịp dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 từ ngày 21-24/9/2021.

Chiều cùng ngày, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Lễ tiếp nhận 77 tủ lạnh trong tổng số 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine Pfizer do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã diễn ra tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Như vậy, tính đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua cơ chế COVAX đã hỗ trợ cho Việt Nam 8,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 5 triệu liều vaccine Moderna và 3,5 triệu liều vaccine Pfizer; đồng thời viện trợ trực tiếp cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine Pfizer, 77 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý:

- Chiều ngày 14/10, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 10/2021 để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc của bà Nguyễn Thị Tuyết, cư trú tại tổ 20, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tiếp công dân.

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Tuyết: Thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Hồ Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết bị thu hồi tổng diện tích 447,3m² đất tại tổ 33, phường Phan Đình Phùng theo Quyết định số 4609 ngày 10/5/2011 của UBND thành phố Thái Nguyên. Gia đình bà đã được bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền trên 1 tỷ 489 triệu đồng. Cùng với đó, được Nhà nước giao 02 ô đất tái định cư tại khu dân cư Hồ điều hòa Xương Rồng gồm thửa đất số 340, 341, tờ bản đồ địa chính số 24, diện tích mỗi thửa là 90m² loại đất ODT.

Tuy nhiên, từ khi được giao đất tái định cư, bà Tuyết phản ánh thửa đất số 341 của gia đình bà - Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Phan Thị Lan Hương, là con gái bà Tuyết - được cấp tại ngách 4, ngõ 19, tổ 20, phường Phan Đình Phùng đến nay không có đường đi do bị thửa đất của hộ ông Phạm Minh Hùng là hộ liền kề chắn, chưa giải phóng được mặt bằng để làm đường, cùng với đó, hạ tầng giao thông, đường điện, cống thoát nước chưa được hoàn thiện. Từ năm 2019, gia đình bà đã nhiều lần có đơn gửi các cơ quan chức năng của thành phố Thái Nguyên đề nghị giải phóng mặt bằng để gia đình bà có đường đi đối với thửa đất số 341, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Vụ việc đã được UBND TP Thái Nguyên chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, tham mưu giải quyết, tuy nhiên, đến nay, chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại buổi tiếp, trên cơ sở lắng nghe, nghiên cứu nội dung đơn đề nghị của công dân, cũng như quá trình làm rõ căn cứ, nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng của các cơ quan chức năng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận, nguyện vọng của công dân Nguyễn Thị Tuyết là chính đáng, có căn cứ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND TP Thái Nguyên rà soát, giải phóng xong trước ngày 31/12/2021 có đường vào khu đất nhà bà Tuyết.

- Chiều 14/10, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 3 của UBND tỉnh để thảo luận và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV năm 2021; cho ý kiến về một số nội dung báo cáo, tờ trình, đề án của UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Điểm sự kiện từ ngày 11/10/2021 đến ngày 17/10/2021
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo phiên họp.

9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mặc dù chịu tác động từ dịch COVID-19, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, đời sống nhân dân được đảm bảo; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 610.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt trên 21 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt trên 11.600 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; diện tích trồng rừng mới tập trung đạt hơn 4.100ha, bằng 103,2% so với cùng kỳ; trồng mới và trồng lại được 257ha chè.

Tại phiên họp, các báo cáo, tờ trình được trình bày, thảo luận gồm: Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; Tờ trình về việc thông qua báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; Báo cáo điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Phú Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; Tờ trình về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Tờ trình thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch năm đã đề ra, từ đó, có các giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch phù hợp với các mức độ dịch; tăng cường quản lý thu, chi ngân sách gắn với siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước; tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trong đó, có giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư theo quy định./.