Diện mạo mới ở Phú Ninh, Phú Đình
Xóm Phú Ninh nhìn từ trên cao

Xóm Phú Ninh được sáp nhập từ 3 xóm: Phú Ninh 1, Phú Ninh 2 và Phú Ninh 3, hiện nay xóm có tổng số 148 hộ với 562 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo của xóm hiện còn trên 7%. Xóm rộng trên 80ha, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào canh tác chè, trồng lúa và chăn nuôi. Từ khi được lựa chọn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu, người dân đều rất đồng tình hưởng ứng.

Đặc biệt năm 2018, đoàn lãnh đạo huyện Cheongdo, tỉnh Geosangbok Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại Định Hóa và dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, thăm làng nghề chè Phú Ninh 3, xã Phú Đình, nay là xóm Phú Ninh. Nhận thấy đây là khu vực có tiềm năng và phù hợp, lãnh đạo huyện Cheongdo đã đồng ý giúp đỡ xóm Phú Ninh trong công tác xây dựng làng mới. Từ cuối năm 2019 đến nay, dự án xây dựng làng mới Saemaul tại Phú Ninh bắt đầu được triển khai, dưới sự quản lý điều hành của Quỹ toàn cầu hóa Nông thôn mới tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa đánh giá: “Qua 2 năm thực hiện, tư tưởng của bà con nhân dân, cách làm ăn của bà con đã thay đổi cơ bản. Kết quả giảm nghèo đã giảm rõ rệt, đời sống được nâng lên. Làng nghề chè đã có thương hiệu, quảng bá ra được các tỉnh bạn. Về quan hệ đối ngoại thì chúng tôi rất ngưỡng mộ phong trào Saemaul. Có thể nói, đó là cái nôi của huyện Cheongdo, di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi mong rằng sự hợp tác giữa 2 huyện đã được cam kết sẽ tiếp tục gắn bó keo sơn hơn nữa”.

Sau hơn 1 năm, xóm Phú Ninh đã được bê tông hóa trên 2km hệ thống đường lên đồi chè mẫu, xây dựng chòi canh vận hành hệ thông tưới nước trên đồi chè, thực hiện lắp đặt trên 1,3km hệ thống điện thắp sáng nằm trên trục đường chính của xóm. Đặc biệt là huyện Cheongdo - Hàn Quốc và Quỹ toàn cầu hóa Nông thôn mới SGF đã hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình Nhà văn hóa xóm Phú Ninh rộng trên 300m2, cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Trong đó, bà con nhân dân trong xóm đồng tình cao, đóng góp 160 triệu đồng để mua trên 1.400m2 mặt bằng xây dựng nhà văn hóa.

Diện mạo mới ở Phú Ninh, Phú Đình
Sau 2 năm được lựa chọn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu và mô hình làng mới Saemaul xã Phú Đình đã có 2 HTX Chè

Ông Bùi Văn Thụ, người dân xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, huyện Định Hóa vui mừng nói: “Nhân dân trong xóm chúng tôi cảm thấy rất là phấn khởi. Và tự hào khi được đón nhận nhà văn hóa, đường điện thắp sáng nông thôn và các công trình phúc lợi khác mà bà con nhân dân được hưởng lợi từ đó”.

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình, huyện Định Hóa cho biết: “Khi kêu gọi đầu tư, bà con nhân dân đã đồng tình ủng hộ, đóng góp mua 1.400 mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa. Xây dựng xong, xóm có nhà văn hóa mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng gió mới vào từng hộ gia đình; có sự thay đổi về vệ sinh môi trường trong cộng đồng, phát triển kinh tế. Theo lộ trình thì đến nay đã thành lập được 2 hợp tác xã chè. Tới đây sẽ cố gắng phát triển kinh tế và tạo ra nhiều liên kết các sản phẩm”.

Saemaul Undong còn được biết đến với các tên gọi khác như Phong trào Cộng đồng mới, Phong trào Làng mới, Phong trào Saemaul... là một sáng kiến chính trị đưa ra vào ngày 22/4/1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park-Chung-Hee, nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc. “Cần cù - Tự lực - Hợp tác” là những khẩu hiệu để khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển.

Diện mạo mới ở Phú Ninh, Phú Đình
Khánh thành công trình Nhà văn hóa xóm Phú Ninh - nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Tại Định Hóa, Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) đã triển khai xây dựng mô hình làng mới Saemaul tại xóm Tổ xã Phượng Tiến và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tiếp nối kết quả đó, việc xây dựng mô hình làng mới Saemaul tại xóm Phú Ninh, xã Phú Đình đã đem lại hiệu ứng tích cực trong việc đổi thay nhận thức của người dân trong việc cộng đồng hóa xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hợp tác, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm của địa phương.

Ông Kwakbusung, Trưởng đại diện Quỹ toàn cầu hóa Nông thôn mới SGF chia sẻ thêm về phong trào: “SGF đã và đang triển khai phong trào làng mới ở Việt Nam. Chủ yếu dựa trên 3 yếu tố chính: Cần cù, tự lực và hợp tác. Ý nghĩa chính của việc này là để mọi người dân gắn kết chặt chẽ với nhau, để có thể tạo thành sức mạnh đoàn kết, cuối cùng họ có thể gia tăng được thu nhập thông qua phát triển sản xuất, từ đó xây dựng ngôi làng của họ trù phú hơn. Hôm nay, việc xây dựng nhà văn hóa cho cộng đồng đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Hy vọng với 1 thiết kế không gian mở thế này, người dân có thể sử dụng tối đa được công năng của nó, thậm chí có thể chuyển đổi mục đích sử dụng được dễ dàng hơn. Hy vọng người dân Phú Ninh có thể chủ động hơn trong mọi công việc và chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các bạn”.

Có thể nói, mô hình làng mới Saemaul tại Định Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, được cộng đồng dân cư vùng dự án đánh giá cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới Định Hóa./.