Để không còn tiến sĩ “giấy”, ngành Giáo dục phải làm gì?
Thời gian gần đây, việc “trăm hoa đua nở” của “các lò” đào tạo tiến sĩ đã khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo. Điều này buộc cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT phải thẳng thắn nhìn nhận, rà soát lại các quy định về đào tạo tiến sĩ hiện hành.
Siết chặt ...
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ (TS) tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có 114 trường đại học, 42 viện nghiên cứu. Quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ở Việt Nam trường ĐH nào cũng có thể đào tạo TS. Thậm chí, không ít trường cao đẳng mới lên đại học được vài năm đã xin được đào tạo tiến sĩ kiểu tại chức. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần siết chặt hơn nữa trong việc cấp phép đào tạo, tránh kiểu đào tạo tràn lan như hiện nay.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói thẳng là đã đến lúc bậc đào tạo tiến sĩ cần phải có những bước chuyển quyết liệt hơn, trong việc siết chặt lại để học vị TS được trao cho những người thực học, thực tài và có đóng góp hữu ích trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng cuộc sống. Việc đổi mới quy trình, phương thức đào tạo, đưa ra quy chế mới về đào tạo TS là cần thiết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, và trên điều kiện quy chế cũ có những điểm không còn phù hợp, thậm chí đã bộc lộ bất cập. Một trong những thay đổi cần lưu tâm là trình độ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh.
Không ít TS, GS nêu một thực trạng đáng lo ngại, hội đồng chấm luận án thường là những người cùng phe, cùng cánh là khá phổ biến. Họ chỉ mời những khách nào nới tay chấm cho điểm cao chót vót 9,10, chứ nếu ai chấm dù 7,8 điểm lần sau sẽ khó có chuyện được mời lại. Vì thế, điểm mấu chốt là cần siết chặt tiêu chí thành lập hội đồng bảo vệ của trường, để chọn được những người có đủ trình độ, đúng chuyên môn có công trình hiện hành, chứ không phải chọn những người có “chức sắc”, chấm nới tay. Bên cạnh đó, việc dự thảo chỉ quy trách nhiệm người hướng dẫn trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án là chưa chính xác, vì trách nhiệm pháp lý vẫn là hội đồng chấm luận án.
Đề cập Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận để nhằm siết chặt quy chế bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, cấu trúc của quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.
Siết chặt đào tạo tiến sĩ là việc làm cần thiết |
Cần hội đồng kiểm định độc lập
Theo TS.Nguyễn Viết Khuyến, cần phải được phân tầng, xếp hạng trường ĐH để các trường xác định sứ mệnh rõ ràng trong đào tạo nhân lực. Ví dụ như ở Canifornia họ phân 3 phân tầng đại học khá rõ, cụ thể: Chỉ có 9 trường đại học đầu bảng mới được đào tạo TS; 23 trường có tuổi đời 50-70 năm thì đào tạo thạc sĩ và 105 trường khác đào tạo trình độ cao đẳng...
Để các trường ĐH có được đội ngũ giảng viên chất lượng cao, Việt Nam cũng phải tiếp cận các yêu cầu, đòi hỏi đó. Vì vậy, trình độ đào tạo, nghiên cứu của TS phải được nâng cao thì các trường ĐH mới có được đội ngũ GS, PGS giỏi.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Lực lượng nhà giáo và nhà khoa học là một hệ thống hình chóp. Ở trên cùng là GS, PGS rồi đến TS, ThS, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Toàn bộ hệ thống đó phải được nâng cấp và nâng cao chất lượng. Vì thế cần phải xây dựng một lộ trình khoa học hợp lý, không thể vội vã nhưng cũng phải khẩn trương”.
PGS.TS Trần Văn Tớp cũng cho rằng nếu có thay đổi, Bộ GD&ĐT cần đặt ra lộ trình trong thực hiện hoặc công bố sớm để ứng viên kịp chuẩn bị. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ủng hộ thay đổi này, vì mục tiêu xa hơn của chất lượng nghiên cứu. Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam mới ban hành thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.
“Cần chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng và đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng. Đào tạo tiến sĩ cũng chỉ thực hiện ở những cơ sở đào tạo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định./.