Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2026 mở ra cơ hội để du lịch cất cánh.
Thái Nguyên phát triển du lịch xanh, gắn truyền thống với hiện đại, gắn phát triển du lịch với bảo tồn

Với những giá trị di sản quý giá được bảo tồn cùng với sự chuyên nghiệp, mến khách, những điểm đến như Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đang là một trong những nổi bật trong cách làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa di sản của ngành du lịch Thái Nguyên trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Người sáng lập Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải chia sẻ: "Khi khách du lịch đã thích, đặc biệt lại được đảng, nhà nước ủng hộ thì không có lý do gì những mô hình làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa di sản lại không có cơ hội phát triển"

Phát triển du lịch xanh, gắn truyền thống với hiện đại, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm tôn trọng, gìn giữ tối đa các giá trị cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả; đó cũng là những nội dung chính được đưa ra trong Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đề án, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi Đông Bắc, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm và đến năm 2030, con số này sẽ là 6.600 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: " Chúng tôi đẩy mạnh việc quảng bá về tiềm năng du lịch Thái Nguyên, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối để thu hút, mời gọi được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch của Thái Nguyên"

Phát triển du lịch bền vững, đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương liên quan, mà đó còn là sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân đã, đang và sẽ tham gia đóng góp cho du lịch. Phát huy vai trò của địa phương trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tập trung vào các sản phẩm du lịch nhất định nhằm phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí ngân sách, đó là mục tiêu, cũng là mong muốn của những người tâm huyết với sự phát triển của du lịch Thái Nguyên.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên đề nghị: "Chúng ta cần có hoạch định chiến lược, quy hoạch các điểm du lịch, có những thông tin để doanh nghiệp lựa chọn để liên kết đầu tư, tạo thành những điểm nhấn du lịch và tránh bị chồng chéo những sản phẩm du lịch"

Từ 2 năm nay, du lịch là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid -19. Tuy nhiên, với tầm nhìn mang tính lâu dài, du lịch Thái Nguyên đã đang định ra những hướng lớn để có thể phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, nguồn lực sẵn có, cộng thêm việc tăng cường huy động nguồn lực, tạo đà và động lực đưa du lịch phát triển thành một trong những ngành thế mạnh của tỉnh.