Đề án 1956 - Chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn
Anh Lương Anh Văn tại cơ sở sản xuất đồ gỗ riêng của gia đình

Anh Lương Anh Văn, trú tại xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên là một trong những học viên đầu tiên của Đề án. Từ một lao động phải làm thuê cho các xưởng mộc trong vùng, sau khi học xong khóa đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Phổ Yên, anh đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất riêng, phát triển ổn định và tạo việc làm cho trên 30 lao động nông thôn tại địa phương.

Anh Lương Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Đồ gỗ Văn Sáu, xã Trung Thành, chia sẻ: “Ban đầu khi chúng tôi chưa được học lớp nghề, về kỹ thuật làm chưa được bài bản. Sau khi chúng tôi học, trình độ bài bản hơn, giúp chúng tôi phát triển tốt.”

Đề án 1956 - Chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn
Các chương trình đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động

Thái Nguyên hiện có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động giáo dục dạy nghề. Để làm tốt Đề án 1956, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề, điều tra nhu cầu học nghề và sử dụng lao động qua đào tạo trên địa bàn, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án đồng bộ... Các chương trình đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nhất là trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Vũ Huy Lương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Sông Công cho biết: “Được sự giúp đỡ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm trung tâm được cấp kinh phí đào tạo, chúng tôi đã mở các lớp đào tạo nghề. Đặc biệt đội ngũ học viên sau khi học nghề đã có việc làm.”

Đề án 1956 - Chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn
Đội ngũ học viên qua đào tạo nghề cơ bản đã có việc làm

Sau 10 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến năm 2020 dự kiến đạt 70%. Nhiều hộ có lao động nông thôn sau khi học nghề đã trở thành hộ khá, hộ giàu, nhiều mô hình điểm được nhân rộng. Chỉ số đào tạo lao động thuộc bộ chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 đứng thứ 5 toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc sở Lao động,Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề; triển khai tích cực đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; nâng cao năng lực hiệu quả của hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và giữa nhà trường với người học.”

Với mục tiêu đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong 5 năm tới đây là gần 220 nghìn người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 4.000 người/năm, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm hoặc tiếp tục công việc cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên sau đào tạo đạt trên 80%, tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng nhiều giải pháp để có thể đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu được đào tạo và yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với lao động hiện nay./.