Bên hành lang Quốc hội sáng 11/6, bà Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, với sự nhất trí cao, hơn 85% đại biểu Quốc hội đồng ý lùi Luật Đặc khu sang Kỳ họp thứ 6 thể hiện các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và những hoạt động của Quốc hội được người dân rất quan tâm và cũng đã nêu ý kiến của mình.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc người dân quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới là điều rất tự nhiên, thể hiện trách nhiệm của công dân, người dân với sự phát triển của đất nước.

dbqh quoc hoi khong co khoang cach voi cu tri va nguoi dan
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trả lời báo chí

“Chúng tôi, những đại biểu Quốc hội và Ban Dân nguyện không có khoảng cách với cử tri và người dân, vì chúng tôi là do người dân bầu ra. Do vậy, chúng tôi thấy rằng việc tiếp thu kiến nghị, phản ánh của cử tri và thận trọng cân nhắc, xem xét những kiến nghị này để có báo cáo với Quốc hội, để Dự thảo luật đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cử tri, trong thời gian qua đã được Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tập trung lắng nghe và có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, xem xét, trao đổi với Chính phủ và đã có báo cáo Quốc hội hôm nay. Điều đó đã đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri.

Sau khi Quốc hội bấm nút thông qua đầu giờ họp sáng nay, ngay trong giờ giải lao lúc 9h30, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình và đánh giá cao các đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri và chúng tôi cũng nhận thấy, các kênh tiếp thu ý kiến của cử tri thời gian qua đã làm tương đối hiệu quả”- đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Cũng theo nữ đại biểu đoàn Hòa Bình, việc thể hiện nguyện vọng, mong muốn và kiến nghị đề xuất của công dân với công tác điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, thậm chí đối với một đại biểu Quốc hội, hoặc đối với chương trình, nội dung mà Quốc hội đang bàn thảo là nguyện vọng chính đáng. Có rất nhiều kênh để cử tri, người dân thể hiện nguyện vọng tới Đảng, Nhà nước, tuy nhiên theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường như trong mấy ngày qua là gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn, như sân bay Tân Sơn Nhất, khiến nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay vì việc tụ tập để thể hiện ý kiến của người dân.

“Qua sự việc này, chúng tôi thấy là cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua là có việc người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng nhưng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt thường ngày, đời sống xã hội của thành phố…Vì vậy, đây cũng là vấn đề chúng tôi sẽ tham gia trong thời gian tới” - bà Hải cho biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quyết định của Chính phủ, Quốc hội là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân về việc các bộ luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo các ý kiến của người dân.

dbqh quoc hoi khong co khoang cach voi cu tri va nguoi dan
Đại biểu Dương Trung Quốc.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta có được một bộ luật khắc phục những sai sót để xảy ra những rủi ro mà mối quan tâm của nhân dân là xác đáng. Đây là bài học ở cả phía các cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật cố gắng thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân. Và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước” - đại biểu Dương Trung Quốc cho biết./.