Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên cần phải thu hút lượng vốn đầu tư khoảng 288 nghìn tỷ đồng

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặt ra phương án tăng trưởng 8%/năm. Đây là phương án thể hiện rõ vai trò đầu tầu là trung tâm kinh tế của vùng Trung du miền núi phía Bắc, tạo tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng. Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng 8%/năm giai đoạn 2021-2025, theo nhận định của ngành chuyên môn, tỉnh Thái Nguyên cần phải thu hút lượng vốn đầu tư khoảng 288 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, do quy mô kinh tế của tỉnh tương đối lớn, các dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 chủ yếu gắn với tổ hợp Samsung đã hoàn thành sản xuất đạt công suất thiết kế, dự án khởi công mới chủ yếu mới ở giai đoạn nghiên cứu, chưa triển khai đầu tư, bởi vậy yêu cầu thu hút nguồn vốn đáp ứng yêu cầu tăng trưởng 8% là một trọng trách lớn, đặt ra các yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu, năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Riêng cái nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế thì tỉnh cũng đề ra 4 nhóm giải pháp. Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh thì phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp này. Trong đó, tôi đề cao giải pháp thứ nhất là tập trung vào công tác thu hút đầu tư. Vì có thực hiện tốt công tác này chúng ta mới tạo ra được năng lực mới tăng thêm, mới đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thứ 2 là phải thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh trên người và gia cầm chúng ta mới có thể ổn định được xã hội để tập trung phát triển kinh tế”.

Cũng theo các cơ quan chuyên môn, để đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng 8% giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch bắt đầu bằng việc gửi đi thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Đó là ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, bản đồ xúc tiến đầu tư cần tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện các hoạt động tìm kiếm hay so sánh lợi thế, giá thuê mặt bằng. Cùng với đó là tổ chức quy hoạch không gian bài bản gắn với định hướng và chiến lược phát triển công nghiệp; đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ vùng công nghiệp kết nối với hệ thống đường cao tốc quốc gia; đồng thời hình thành quỹ đất phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho rằng: “Thu hút các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp trên địa bàn, gắn với cụ thể là tiếp tục tham mưu, cụ thể hóa nội dung liên quan phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn. Thêm 1 khu công nghiệp 300 ha. Thứ 2 cùng các ngành, tham mưu, đề xuất với tỉnh sớm đưa vào vận hành, khai thác khu công nghệ cao trên địa bàn thị xã Phổ Yên”.

Ông Phan Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng ưu tiên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, và đặc biệt là hạ tầng giao thông. Khi hạ tầng giao thông phát triển thì sẽ giúp gia tăng thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển chung của tỉnh và thành phố Thái Nguyên”.

Một trong những giải pháp cũng được tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đó là việc thay đổi cách thức đầu tư, từ bị động (Chờ nhà đầu tư đến) sang chủ động (Chủ động tìm kiếm nhà đầu tư mà tỉnh cần). Việc chuẩn bị thông tin và chủ động tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên vừa thể hiện sự cầu thị, phát đi thông điệp cam kết và đồng hành cùng nhà đầu tư.

Minh chứng hiệu quả cho giai đoạn trước, đó là khi Thái Nguyên tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với gần 60 dự án được ký kết, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư trên 113 nghìn tỷ đồng, qua đó tạo động lực, sự lan tỏa, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút nhiều Nhà đầu tư tiếp tục đến nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội
Hiệu quả trong cải cách hành chính là một trong những điểm nhấn giúp Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Thái Nguyên đang có lợi thế là sự hiện diện của những tập đoàn kinh tế hàng đầu trong nước và thế giới chọn đây là đại bản doanh của mình. Đó là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên trở thành trung tâm liên kết của các chuỗi giá trị trong các nền kinh tế có cái lợi thế đặc biệt của Việt Nam trong thời gian tới”.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T nhận xét: “Tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn, có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TMS khẳng định: “Tôi có ấn tượng rất đặc biệt với tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình triển khai các dự án tại Thái Nguyên chúng tôi được các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, địa phương đón chào cũng như tạo điều kiện tối đa. Và hiện tại chúng tôi chưa gặp một trở ngại gì. Và tôi đánh giá là tỉnh Thái Nguyên đang có sự chuẩn bị rất tốt trong vấn đề thu hút đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp”.

Ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC chia sẻ: “Phải nói là sự phát triển sẵn có và tiềm năng của thị trường Thái Nguyên là rất lớn. Chúng tôi đến với Thái Nguyên từ một lời đồn rất mạnh mẽ về tính minh bạch trong thu hút đầu tư. Và chúng tôi đặt một niềm tin rất mạnh mẽ vào công cuộc đầu tư tại Thái Nguyên của FLC”.

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuẩn hóa, minh bạch hóa; rút ngắn thời gian thẩm định các thủ tục cấp phép xây dựng, phòng cháy, ĐTM, lao động; nâng cao năng lực thẩm định dự án đầu tư, cũng như tạo sự bình đẳng trong tiếp cận cơ hội đầu tư, kinh doanh được các ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện, qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến tìm hiểu cơ hội và triển khai dự án đầu tư tại Thái Nguyên.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trước hết chúng tôi tập trung tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các đề án quy hoạch. Để từ đó từng bước thu hút các nguồn lực đầu tư. Chúng tôi sẽ tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các phòng, ban chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp”.

Bên cạnh các biện pháp chung để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thái Nguyên cũng các định cần tập trung vào các nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu, đóng góp ngân sách, sử dụng lao động để đồng hành cùng doanh nghiệp, có biện pháp, chiến lược giúp đỡ, ưu đãi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, phát triển bền vững. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã tiếp tục là điểm cộng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với mảnh đất giàu tiềm năng này. Theo thống kê, từ quý IV/2020 đến nay, toàn tỉnh có 21 dự án được cấp mới và điều chỉnh với tổng số vốn đầu tư trên 10.200 tỷ đồng. Trong đó, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài là 14 dự án, với tổng đầu tư trên 344 triệu đô la Mỹ; dự án đầu tư trong nước là 7 dự án, với tổng vốn trên 2.800 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và uy tín cũng đang quan tâm, đề xuất thực hiện một số dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội
Thái Nguyên luôn tập trung thực hiện các giải pháp, chiến lược đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, phát triển bền vững

Ông Wo Zwo Jiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam chia sẻ: “Từ khi công ty bắt đầu nộp hồ sơ để xin cấp phép đầu tư là ngày 19/11/2020 thì đến ngày 16/12/2020 chúng tôi đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đến giờ chúng tôi có thể khẳng định, Thái Nguyên là sự lựa chọn đúng đắn của chúng tôi. Theo dự kiến, đến tháng 3/2021 chúng tôi sẽ chuẩn bị danh mục để nhập khẩu các thiết bị để tháng 4 có thể đi vào hoạt động”.

Ông Soong In Soo, Chủ tịch Công ty TNHH MDA E&C nhận xét: “Có nhiều lý do chúng tôi mong muốn được triển khai dự án tại Thái Nguyên. Đầu tiên là vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách thủ đô Hà Nội hơn 1 giờ đi ô tô. Thái Nguyên cũng được nhiều người Hàn Quốc biết đến kể từ khi có Tập đoàn Samsung đầu tư. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng tổ hợp sân gôn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu của người dân trong thời gian tới”.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục thống kê Thái Nguyên đưa ra dự báo: “Thứ nhất là chúng ta đã có kinh nghiệm thu hút các nhà đầu tư. Thứ hai chúng ta có nhiều tiềm năng. Ở các khu công nghiệp chúng ta còn đất sạch. Các cơ chế chính sách của chúng ta đã có cởi mở, thông thoáng. Bộ máy chính quyền đã có cải cách hành chính hiệu quả. Tôi tin rằng thu hút đầu tư của chúng ta còn rất nhiều cơ hội”.

Lựa chọn định hướng phát triển cùng giải pháp thực hiện đúng và trúng đã cho thấy năng lực chỉ đạo, điều hành sâu sát, chủ động và sáng tạo của tập thể cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Tin tưởng, với những kết quả bước đầu trong công tác thu hút đầu tư, sẽ làm tiền đề quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; cũng như góp phần để tỉnh Thái Nguyên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.