Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP tiêu biểu
Toàn cảnh Ngày hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên năm 2020

Năm 2019 - năm đầu tiên triển khai chương trình, Thái Nguyên có 25 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Đến nay toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm đủ điều kiện để trở thành sản phẩm OCOP và 51 sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong phát triển sản phẩm OCOP thì một mặt phải tập trung tổ chức sản xuất để phát huy những tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm đặc sản của địa phương; đồng thời với phát triển sản phẩm OCOP thì cần phải có hoạt động hỗ trợ, quảng bá để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.”

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP tiêu biểu
Các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương được giới thiệu tại Ngày hội

Năm 2020, để tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm, tỉnh đã tổ chức Ngày hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu với 20 gian hàng, trong đó có 9 gian hàng là các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh và 11 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP. Đây là dịp giới thiệu tiềm năng, các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đó, thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi và ký kết hợp tác.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất chè theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trên thị trường.”

Cũng chia sẻ về định hướng thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó rà soát, định hướng, mở rộng thêm số lượng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.”

Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay./.