Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả chủ lực
Gia đình chị Hoàng Thị Vinh, xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ đưa cây na vào trồng ở phần diện tích đất núi đá không canh tác được giống cây khác.

Thay vì chỉ trông vào cây lúa, cây ngô, năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Vinh, ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ sẽ đưa thêm cây na vào trồng ở phần diện tích đất núi đá mà gia đình từ lâu bỏ hoang vì không canh tác được giống cây gì khác. Chị Hoàng Thị Vinh chia sẻ: "Gia đình tôi được nhận hơn 900 cây na của Hội Khuyến nông hỗ trợ giống na; số cây giống này tôi trồng trên diện tích núi đá gần 1ha, tôi hy vọng toàn bộ số na tôi trồng sẽ sống để phát triển kinh tế".

Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả chủ lực
Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình “Ứng dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn hữu cơ” tại xã Tân Long với quy mô hơn 7ha.

Thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình “Ứng dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn hữu cơ” tại xã Tân Long với quy mô hơn 7ha. Các hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 100% cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng kỹ thuật rải vụ trong thâm canh na theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lý Văn Lắc, Trưởng xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Trước đây, bà con ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp với cây ngô, bây giờ thêm cây na sẽ có thêm thu nhập cho bà con".

Bà Vũ Thị Hương, Phòng Kế hoạch, Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Đối với cây na, hệ rễ thường là ăn nổi, nên rất ưa hệ đất chân núi đá, đặc biệt là dưới chân núi đá vôi. Chính vì thế, chúng tôi chọn địa phương này là nơi thử ứng dụng trồng cây na".

Ngoài việc hỗ trợ trồng mới, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, tập trung và cải tạo các giống cây ăn quả theo hướng thế mạnh có chất lượng cao. Hiện nay, phương pháp ghép cành đang được cơ quan chuyên môn khuyến cáo và nông dân ứng dụng ở nhiều vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh…

Ông Nông Văn Nghĩa, xóm Làng Mới, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Gia đình muốn cải tạo lại vườn để dễ canh tác, năng suất tốt, chất lượng tốt". Những năm trước, sản phẩm nhãn của vườn này chỉ để bán cho người dân địa phương, tuy nhiên, năm nay khi vừa áp dụng quy trình cải tạo vào đã có những thương lái đến đặt mua, ngay cả khi quả nhãn còn chưa chín.

Nông dân khi thực hiện phát triển cây ăn quả chủ lực sẽ được hỗ trợ 100% giá cây giống; 100% kinh phí chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; hỗ trợ chi phí phân bón vi sinh, hữu cơ, chế phẩm sinh học; chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm; mua máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm…

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này cần đăng ký với cán bộ nông nghiệp xã để tổng hợp vào kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng năm của cơ quan nông nghiệp huyện, tỉnh, để góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu mà đề án phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên đã đề ra".

Việc xác định được tiềm năng, lợi thế vùng miền kết hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường sẽ là chìa khóa để cây ăn quả nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên phát triển vững chắc. Để sản xuất nông nghiệp ngày thêm hiệu quả và bền vững, vấn đề chế biến cũng đang được tỉnh quan tâm mạnh hơn, để tránh tình trạng được mùa mất giá như nhiều nông sản mà các địa phương cũng đang gặp phải như hiện nay./.