Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Cơ giới hóa đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trà Phú Lương, Thái Nguyên

Nhận thấy được hiệu quả khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương cũng đã đầu tư và được hỗ trợ đồng bộ các loại máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa sản xuất chè đồng bộ từ hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, máy sao sấy, máy vò chè, máy hút trên không, tạo ra nguyên liệu có chất lượng, an toàn, đồng đều cung cấp cho thị trường tiêu thụ.

Ông Phan Đức Thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ: “Thiết bị công nghệ cao đưa vào sản xuất, chế biến chè có sự thuận lợi hơn làm truyền thống. Và nhiệt độ nó đều hơn giúp cánh chè từ đó xanh và mỡ bóng hơn và không bị nát chè. Sản phẩm loại 1 đưa ra đạt chất lượng cao”.

Cùng với sản xuất chè, sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh cũng đang phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, đưa tiến bộ kỹ thuật vào chế biến. Là một trong những Hợp tác xã sản xuất nông sản với cánh đồng lớn của huyện Phú Bình với các loại nông sản như rau, củ, quả, lúa. Để đáp ứng kịp thời vụ với diện tích sản xuất lớn, thời gian qua Hợp tác xã Trọng Hùng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã tích cực đưa cơ giới hóa như các loại máy móc hiện đại vào sản xuất.

Ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Trọng Hùng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho biết: “Cây trồng sau khi được trồng trên mảnh đất có sử dụng máy cầy thì đất được xới nhuyễn hơn, nhỏ hơn và làm cho rễ cây phát triển nhanh hơn. Vậy là năng suất canh tác nông nghiệp của bà con trong hợp tác xã chúng tôi cao hơn”.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Cơ giới hóa đã góp phần phát triển nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 370 Hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề trồng và chế biến chè, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ nông lâm nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, từ chương trình phát triển nông thôn đã hỗ trợ bà con mua các loại máy với tổng số trên 150 chiếc, kinh phí hỗ trợ là hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn kết hợp các dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản.

Ông Dương Văn Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Thái Nguyên khẳng định: “Các máy móc cung cấp cho hợp tác xã hiện nay đã giúp cho hợp tác xã đẩy mạnh chế biến sâu từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm cuối cùng, nâng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động”.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không chỉ đảm bảo kịp thời vụ, giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân giảm tổn thất trong khâu thu hoạch đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, tạo tiền để quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung./.