Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
20 hộ dân xã Phú Đô được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng

Với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và trồng cây lương thực, nhiều hộ dân xã Phú Đô đã chủ động xây dựng mô hình trồng chè theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm tăng thêm thu nhập.

Xóm Phú Nam 1 là một trong những vùng trồng chè lớn nhất ở xã Phú Đô. 5 năm qua, xóm đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đưa đến khách hàng những sản phẩm chất lượng. Anh Nguyễn Đăng Thực, Du khách đến từ Hà Nội nhận xét: “Tôi thấy diện tích trồng chè ở đây rất lớn, bà con đã rất ý thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, nên chất lượng chè ngon, vị đậm”.

Nhằm liên kết, nâng cao năng lực sản xuất, đã có nhiều mô hình hợp tác được hình thành, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 là một điển hình. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX: “Mã số vùng trồng là một trong những tiêu chuẩn chính để sản phẩm xuất khẩu, để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm”.

Thực tế, đã có 20 hộ dân trong và ngoài HTX được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ông Tạ Văn Trường, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: “Tôi thấy cây chè khỏe hơn, đất được phục hồi nhanh hơn”.

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
Xã Phú Đô đã và đang mở ra hướng đi mới cho sản phẩm Trà ngày càng vươn xa

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn cũng thành lập nhóm Zalo để đôn đốc người dân ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ và thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định.

Theo kỹ sư Ma Thị Thúy Phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thái Nguyên: “Tiêu chí tuân thủ không khác biệt so với kỹ thuật canh tác truyền thống. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, đặc biệt là trên cây chè, thời gian cách ly đảm bảo thì yên tâm về dư lượng thuốc trên sản phẩm”.

Vê việc tuân thủ quy trình, ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: “Các hộ dân phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình do ngành chuyên môn hướng dẫn. Hộ nào sai thì có biện pháp phạt và đưa vào hương ước để bình xét thi đua, khen thưởng”.

Với sự hỗ trợ của của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc xây dựng mã số vùng trồng và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, xã Phú Đô đã và đang mở ra hướng đi mới cho sản phẩm Trà ngày càng vươn xa.