Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới
Sau 35 năm đổi mới Việt Nam trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.

Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,4%, thì đến giai đoạn 1996-2000, đã đạt 7%. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay (2016-2020), GDP duy trì tăng trưởng 6,5% - 7%. Có thể nói, sau 35 năm đổi mới Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trần Hoàng Ngân, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ khẳng định: “Để có thành quả hôm nay là một quá trình. Và điều quan trọng nữa là chúng ta đã giữ được kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc nên chúng ta kiểm soát lạm phát, chúng ta ổn định tỷ giá, chúng ta tăng dự trữ ngoại hối, chúng ta thặng dư cán cân tương đối lớn. Đó là nền tảng để chúng ta tăng trưởng”.

Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới
Sau 35 năm đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giảm còn 2,82%.

PGS.TS Đỗ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên phân tích: “Vị thế về kinh tế dẫn đến vị thế về uy tín, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế thì cũng đã tăng lên”.

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng năm 2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có tăng trưởng dương. Đóng góp vào kết quả đáng ghi nhận này có sự nỗ lực lớn của nhiều địa phương có mức tăng trưởng dương, trong đó có Thái Nguyên, với mức tăng trưởng 4,18%.

Ông La Hồng Ninh, Cục Trưởng Cục Thống kê Thái Nguyên cho biết: “Nếu so với cả nước, mức tăng trưởng của Thái Nguyên đứng khoảng vị trí 21. So với các vùng vệ tinh của thủ đô trong 10 tỉnh thì chúng ta đứng thứ 4. Kết quả đó đã cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chúng ta đã tập trung quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, các doanh nghiệp, tập trung chỉ đạo lĩnh vực, các ngành để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần đều được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 đô la Mỹ/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 đô la Mỹ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020. Đáng chú ý, nhiều địa phương, trong đó có Thái Nguyên đã tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở và nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm xuống còn 2,82%.

Anh Triệu Phúc Biền, Bí thư chi bộ xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai chia sẻ: “Khi đường điện được hoàn thành, bản thân tôi và bà con nhân dân xóm Cao Biền cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Đây là niềm ao ước bây lâu nay của bà con đã thành hiện thực”.

Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới
Năm 2020, Thái Nguyên có mức tăng trưởng kinh tế đạt 4,18%, đứng thứ 4 trong 10 tỉnh là vệ tinh phát triển của Thủ đô Hà Nội

Đặc biệt, dấu ấn sâu sắc nhất về thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và 35 năm đổi mới là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được toàn Đảng, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng, thực hiện toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đồng thời gắn chặt với công tác phòng chống, tham nhũng lãng phí. Hơn 2.200 cán bộ, đảng viên, trong đó không ít người là cán bộ cấp cao có liên quan đến tham nhũng bị thi hành kỷ luật. Đây là minh chứng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, qua đó tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

PGS. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Thứ nhất nó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng chỉnh đốn Đảng để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Bởi vì, xét đến cùng năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong mọi thời kỳ”.

Ông Bùi Điệp, Nguyên Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy Bắc Thái cho biết: “Trong tình hình hiện nay, tôi thấy Đảng rất vững vàng trong mọi bối cảnh phát triển của đất nước. Nhưng đồng thời cũng rất vững vàng trước bối cảnh biến động của thế giời, để vừa hội nhập, vừa phát triển vừa khẳng định được mình”.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội. Đây vừa là minh chứng sinh động cho thấy vai trò lãnh đạo tất yếu và toàn diện của Đảng trong suốt 91 năm qua; đồng thời cũng là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi địa phương và cả đất nước giai đoạn phát triển mới./.