Đảm bảo an toàn thực phẩm từ chuỗi cung ứng nông sản
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các nhà trường đã kiểm soát nghiêm ngặt thực phẩm ngay từ khâu chọn nhà cung cấp

Việc cung cấp bữa ăn bán trú tai các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn… Ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào khi sử dụng bữa ăn tại các bếp ăn tập thể. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn, các nhà trường đã kiểm soát nghiêm ngặt thực phẩm ngay từ khâu chọn nhà cung cấp.

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Quang, TP Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức ký kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm nên thực phẩm khi cung cấp vào trường đều rõ xuất xứ, nguồn gốc."

Đỗ Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường mầm non Trưng Vương, TP Thái Nguyên cho biết: "Bên cạnh việc đảm bảo an toàn vệ sinh tại khu vực bếp ăn nhà trường còn rất quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm khi đưa vào bếp để chế biến. Nhà trường đã chủ động ký kết với các đơn vị cung cấp đảm bảo giấy tờ, thủ tục xác minh nguồn gốc thực phẩm an toàn."

Là hộ kinh doanh hàng ăn, thời gian qua nhà Hàng Hương Sen của hộ gia đình chị Nguyễn Thu Hà, tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ luôn quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách tham gia vào chuỗi liên kết giá trị khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thu Hà, Nhà hàng Hương Sen, tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ cho biết: "Các đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà hàng phải ký cam kết việc đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn và hàng ngày, chúng tôi đều phải lưu mẫu thực phẩm để kiểm định."

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm nông sản an toàn và đã xây dựng được gần 1000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh vấn đề xây dựng chuỗi nông sản an toàn còn hạn chế thì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn, hạn chế, đòi hỏi sự tiếp tục chung tay của toàn xã hội.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Thái nguyên cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp với các BQL chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về vệ sinh ATTP cho người dân. Cùng với đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xếp loại các cơ sở liên quan đến lĩnh vực ATTP."

Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, những liên kết theo chuỗi còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng như tư duy của người kinh doanh, tiêu dùng. Bởi vậy để nhân rộng các chuỗi cung ứng nông sản, rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả các ngành liên quan và người dân./.