Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ truyền thống
Vẫn còn những hình ảnh tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ tại một số chợ truyền thống.

Những hình ảnh thường bắt gặp tại khu chợ Túc Duyên, T.P Thái Nguyên vào những ngày gần đây: Các gian hàng xập xệ được các tiểu thương tự ý cơi nới để làm khu vực bán hàng; các mái che, vách ngăn đều là những vật dễ cháy… Nguy hiểm hơn, vẫn còn một số tiểu thương tự ý đốt lửa sưởi ấm một cách “vô tư” bên cạnh những vật dụng dễ bén lửa trong những ngày đông giá rét.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, nên hiện nay các tiểu thương tại chợ đang tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Vì thế, công tác phóng cháy, chữa cháy tại chợ cũng được các tiểu thương và ban quản lý chợ đặc biệt quan tâm.

Anh Phan Thanh Hào, Tiểu thương tại chợ Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, cho biết: “Những chất mà dễ cháy nổ thì mình cũng để riêng ra từng khu, thường xuyên nhắc nhở anh em nhân viên trong kho là luôn luôn chú ý. Hàng ngày, công tác điện đóm khi về là tắt điện hết.”

Anh Trần Mạnh Cương, phụ trách công tác phòng cháy chữa cháy, bộ phận quản lý chợ Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, thông tin thêm: “Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, nhất là dán các tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy ở các khu vực trọng yếu. Tổ bảo vệ kiêm đội phòng cháy chữa cháy cơ sở có đi kiểm tra và nhắc nhở trực tiếp.”

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ truyền thống
Lực lượng chức năng hướng dẫn các tiểu thương sử dụng bình chữa cháy tại chợ.

Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên hiện có 31 chợ truyền thống. Nhiều khu chợ, hạ tầng cơ sở thấp kém, không đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương cũng như đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Do đó, để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ, Ban quản lý các chợ đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương thực hiện tốt tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy như sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không thắp hương, đốt vàng mã trong chợ, đặc biệt là thường xuyên bố trí, bổ sung bình cứu hỏa tại các gian hàng, nhất là gian hàng bán vàng mã, đồ khô, quần áo… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản

Theo chị Nguyễn Thị Loan, Tiểu thương tại chợ Đán, T.P Thái Nguyên, chị đã được hướng dẫn về các quy định cần thiết: “Tôi cũng được trang bị bình cứu hỏa, và được đi tập huấn các hướng dẫn sử dụng bình. Về điện đóm trong chợ cũng phải đảm bảo, đi về phải tắt hết công tắc điện.”

Ông Vũ Hữu Keng, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Đán, T.P Thái Nguyên, nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng kiên quyết xử lý những trường hợp các hộ kinh doanh không chấp hành công tác phòng cháy chữa cháy. Đây là nhiệm vụ của mọi người, của toàn dân.”

Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Ban quản lý chợ và lực lượng chức năng, thì sự chủ động của tiểu thương trong việc phòng cháy chữa cháy luôn là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh./.