Đại từ: 100 năm hình thành và phát triển
Diện mạo huyện Đại Từ ngày nay đã thay đổi rõ rệt.

“Đại Từ” tên gọi đã có từ lâu đời và được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên. Năm 1835, dưới thời nhà Nguyễn, Đại Từ thuộc phủ Tòng Hoá của tỉnh Thái Nguyên. Đến ngày 01/8/1922, Đại Từ sáp nhập với châu Văn Lãng và chính thức lấy tên là “huyện Đại Từ”. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Trương Thị Huệ, Nguyên Bí thư huyện ủy Đại Từ, Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Là con dân của huyện Đại Từ, tôi tin rằng ai cũng rất vinh dự và tự hào khi mình được sinh ra trên mảnh đất mang đầy dấu ấn cách mạng, một trong những dấu ấn cách mạng đó là xã Hùng Sơn nơi 2 lần Bác Hồ về thăm, khi về thăm Bác đã căn dặn có ruộng đất rồi thì phải thi đua lao động sản xuất, làm ra thật nhiều lương thực, để đảm bảo cuộc sống góp phần xây dựng đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh".

100 năm qua, Đại Từ đã không ngừng phát triển, vững bước trên con đường đổi mới: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu của địa phương tăng bình quân 6,85%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành CN - Xây dựng và Dịch vụ; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tính đến hết năm 2021 đạt trên 130 triệu đồng; sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu; Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn. Nhờ triển khai hiệu quả, tích cực chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Đại Từ ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Toàn huyện hiện có 23/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là đơn vị có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,77%/năm. Từ năm 2015 đến nay, tổng vốn ngoài ngân sách dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng đạt trên 9.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã, đang được triển khai, tạo sự đồng bộ về hạ tầng, hứa hẹn về một vùng đất phát triển sôi động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng phía Tây Bắc của tỉnh.

Ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba, Đại Từ cho biết: "Chính quyền các xã trong đó có Lục Ba quyết tâm vận động nhân dân hiến đất làm đường, tỉnh lộ 261 được làm như thế này thấy rằng hiệu quả rõ rệt, đi lại thuận tiện, đường xá đẹp. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, không riêng xã Lục Ba mà cả vùng phía nam của huyện Đại từ".

Với tầm nhìn chiến lược, Đại Từ đã hoàn thành xây dựng đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040. Hiện nay, huyện đang tích cực thực hiện các quy hoạch và triển khai lập một số quy hoạch trên địa bàn để thu hút đầu tư đối với 56 danh mục dự án khu đô thị, khu dân cư, điểm dân cư nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng. Các dự án đang được triển khai tích cực, hứa hẹn 1 diện mạo mới cho đô thị Đại Từ.

Ông Võ Hồng Công, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Vạn Phú cho biết: "Huyện Đại từ cũng đã phối hợp rất nhịp nhàng và tạo điều kiện tốt nhất về mặt bằng, về các thủ tục pháp lí để nhà đầu tư hoàn thành dự án nhanh chóng đưa vào sử dụng".

Đại từ: 100 năm hình thành và phát triển
Đại Từ đã tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp nhằm tạo sự đột phá trong phát triển tổng thể KT-XH của huyện.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, huyện Đại Từ đã tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp nhằm tạo sự đột phá trong phát triển tổng thể KT-XH của huyện. Thời kỳ 2021-2030, Đại Từ quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng 5 cụm công nghiệp với diện tích trên 244 ha. Hiện nay, 3 CCN đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy gần 90%. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt trên 4.400 tỷ đồng, vượt 5% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp địa phương đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials mong muốn: Từ khi triển khai Dự án Núi Pháo, chúng tôi đã được sự hỗ trợ rất nhiều của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đai Từ. Mục tiêu của Masan High-Tech Materials là hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi tập trung vào tăng trưởng sản xuất kinh doanh đồng hành với sự phát triển bền vững của cộng đồng. Mong muốn Dự án Núi pháo và huyện Đại Từ luôn đồng hành trên con đường phát triển".

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, từ năm 1986 đến nay, với những chủ trương và hướng đi đúng, huyện Đại Từ - vùng đất một thời nghèo khó do ảnh hưởng của bom đạn, chiến tranh nay đã “khoác” trên mình tấm áo mới với nhiều hứa hẹn về sự tiếp tục phát triển không ngừng của 1 vùng đất địa linh nhân kiệt:

Đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ cho biết: "Chúng tôi phấn đấu đến năm 2024, Đại Từ trở thành huyện nông thôn mới, và tiếp tục phấn đấu lên đô thị, bước đầu là thị xã trực thuộc tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025. Với mục tiêu như vậy thì cần nhiều giải pháp để giải quyết khối lượng công việc đồ sộ như vây, từ phát triển KT-XH đến xây dựng hệ thống chính trị".

100 năm đã qua, các thế hệ người dân Đại Từ đều chung niềm khao khát, được đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Để Đại Từ trở thành một cực tăng trưởng mới của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho địa phương.