Nhiều thách thức

3 chủ đề chính của Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba gồm: đánh giá lại kết quả kinh tế - xã hội đạt được kể từ Đại hội lần thứ VII năm 2016; cập nhật các chủ trương, đường lối của Kế hoạch Phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đề ra; thảo luận về công tác quần chúng, tư tưởng và chính sách cán bộ của Đảng.

Nhìn lại 5 năm qua, một trong những bước đi vĩ mô quan trọng nhất của Cuba là thông qua Hiến pháp mới năm 2019, sau một quá trình dài 1 năm tham vấn nhân dân rộng rãi và các bước thông qua cần thiết. Nhiều nội dung mới đáng chú ý đã được đưa vào Hiến pháp như: củng cố tính pháp quyền của Nhà nước; cấu trúc lại cơ cấu hành chính từ cấp trung ương tới địa phương và áp dụng chế độ nhiệm kỳ; công nhận các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và tạo cơ sở hiến pháp cho hoạt động của các thành phần này trong tương lai...

Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba: Mốc quan trọng phát triển đất nước
Quang cảnh hội trường tổ chức Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba

Trong giai đoạn 2016-2018, Cuba vừa tiến hành vừa điều chỉnh các chủ trương kinh tế mới, như phát triển các hợp tác xã phi nông nghiệp và giới lao động tự doanh, phân cấp quản lý kinh tế - sản xuất về địa phương, triển khai những định hướng thu hút đầu tư nước ngoài mới. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân chủ quan, nhiều nguyên nhân khách quan đã tác động tới kết quả của những bước đi này.

Đáng kể là việc Mỹ thay đổi chính sách với Cuba chỉ hơn 1 năm sau khi môi trường quốc tế và khu vực không thuận lợi (các chính phủ tiến bộ và thân thiện với Cuba tại Mỹ Latinh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhiều chính phủ cực hữu trong khu vực công khai bày tỏ quan điểm và áp dụng chính sách thù địch với Cuba). Cùng đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Cuba, khi mà tất cả các nước trong khu vực Caribbean đều nằm trong số các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất do dịch.

Bước chuyển mình

Trong bối cảnh đó, tháng 7-2020, Cuba công bố Chiến lược kinh tế và xã hội để củng cố nền kinh tế. Và từ ngày 1-1-2021, Cuba bắt đầu tiến hành cải cách về tiền tệ, lương và giá cả, với tên gọi chính thức là nhiệm vụ bình ổn tiền tệ. Đây là bước chuyển đổi phức tạp và rộng lớn nhất kể từ khi Cuba bắt đầu tiến trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội năm 2011. Một số nhà quan sát coi đây là bước chuyển mình về tư duy kinh tế có ý nghĩa nhất trong vài thập niên qua ở quốc gia này.

Cũng với đó, Cuba không chỉ chấp nhận mà đã áp dụng vào thực tiễn một số quy luật cơ bản của kinh tế thị trường như quan hệ cung - cầu, hiệu quả lao động - thu nhập…

Có thể nói, nếu như Đại hội VI là cột mốc định hướng con đường phát triển của cách mạng Cuba trong thời kỳ mới; Đại hội VII là sự khẳng định hướng đi đó, bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý và cuối cùng, cho dù có muộn hơn dự kiến, đã khởi động chuyển đổi kinh tế - xã hội của Cuba; thì Đại hội VIII lần này sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước.

Câu trả lời có thể sẽ phần nào được thể hiện trong những văn kiện được công bố sau Đại hội, nhất là các văn kiện cập nhật chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (dự kiến 274 chủ trương, đường lối được Đại hội VII thông qua sẽ được Đại hội VIII giảm xuống còn khoảng 200)./.