Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung trình tại kỳ họp thứ 5
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu thảo luận ở tổ.

Tham gia thảo luận về Báo cáo đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: "Một trong những nội dung mà chúng ta cần phải quan tâm đó là tháo gỡ những khó khăn, tạo nền tảng về mặt pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và phục hồi"

Về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đánh giá, các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện 03 Chương trình tại các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất ý kiến: "Làm thế nào để lồng ghép được 3 nguồn vốn của 3 chương trình này chứ không chỉ lồng ghép nguồn vốn của Trung ương với địa phương trong từng chương trình, tôi cho như vậy là riêng rẽ, không tạo được sức mạnh và nguồn lực lớn, tôi đề nghị tiếp tục tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc thực hiện chương trình, xây dựng khung chính sách tại các địa phương, chủ động lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn và các nội dung để chủ động trong triển khai tổ chức thực hiện".

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung trình tại kỳ họp thứ 5
Theo chương trình làm việc, buổi chiều Quốc hội tiếp tục nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo nhiều nội dung quan trọng

Liên quan tới vấn đề đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở đánh giá các khó khăn, vướng mắc đặc thù của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tại Gang thép Thái Nguyên để có phương án xử lý phù hợp trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp.

Tham gia ý kiến về việc đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian gần đây, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm đăng kiểm, đồng thời có phương án tiếp tục nới thời gian quá hạn đăng kiểm từ 3 đến 6 tháng để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm, các doanh nghiệp vận tải và người dân.

Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: "Lượng xe tồn đọng, không đăng kiểm được rất nhiều dẫn đến quá tải. Lượng xe ở các thành phố lớn không đăng kiểm được vì quá tải cũng chuyển về các tỉnh cũng rất lớn"

Chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)./.