Dấu ấn Thái Nguyên xưa
Vẻ đẹp của Thái Nguyên hôm nay

Trước khi có danh xưng, vùng đất Thái Nguyên đã được xác định là nơi sinh sống của người Việt cổ. Những dấu tích của người Việt xưa được tìm thấy qua hơn 30 di chỉ khảo cổ, đặc biệt là hai di chỉ quan trọng ở huyện Võ Nhai: Di chỉ Mái đá Ngườm - Thần Sa, có niên đại từ 3-4 vạn năm, di chỉ Hang Ốc-Bình Long, có niên đại từ 7000 đến 9000 ngàn năm, với hàng chục ngàn hiện vật mang nét tinh túy của kỹ nghệ chế tác thời đồ đá chính là minh chứng rõ nét cho một vùng đất có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa.

Ở Thái Nguyên có sự thống nhất của đa dạng các nét văn hoá mang đặc trưng, bản sắc này của vùng đất này. Qua các giai đoạn lịch sử, Thời Lý gọi là châu Thái Nguyên, thời Trần gọi là Trấn, giặc Minh đến gọi là Phủ Thái Nguyên, thời vua Lê Thánh Tông là Thừa tuyên và đến thời vua Minh Mệnh Nhà Nguyễn năm 1831 là Tỉnh Thái Nguyên. Dù đã từng mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều chung nhất một danh xưng gồm 2 từ: Thái Nguyên.

Dấu ấn Thái Nguyên xưa
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan: “Chữ Thái phổ biến trong sách sử có dấu chấm chữ Đại, nghĩa là to lớn. Còn chữ Thái còn nghĩa bĩ cực thái lai, cực khổ vừa chấm dứt là tới huy hoàng, chói lọi”.

Năm 1831 khi vua Minh Mạng quyết định thành lập tỉnh Thái Nguyên thì đó là một vùng đất lớn. Vào năm 1890 đã tách một phần để thành lập đạo Vĩnh Yên. 9 năm sau trở thành tỉnh Vĩnh Yên. Toàn bộ tỉnh Bắc Kạn cũng chính là một phần tỉnh Thái Nguyên được tách ra và thành lập vào năm 1900.

Đặc trưng địa bàn rộng lớn, hiểm trở nhưng không cô lập, từ đây có thể nối thông với các nơi. Như Đại Nam nhất thống chí đã nói “Núi, khe hiểm trở nhưng không cô lập”. Chính vì thế đã tạo ra địa bàn tự nhiên chiến lược của Thái Nguyên “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan phân tích thêm: “Đó là Phú Lương vừa mát vừa giàu. Đó là Đại Từ, vừa hiền lành vừa to lớn. Đồng Hỷ là cùng nhau vui vẻ. Đối với ta Thái Nguyên là như thế nhưng đối với địch đây là vùng đất dữ”.

Ngày hôm nay, sau 190 năm kể từ ngày có danh xưng tỉnh Thái Nguyên, trong dòng chảy lịch sử đất nước, Thái Nguyên tự hào là nơi tạo ra nền tảng, nơi gây dựng phong trào, đặc biệt là căn cứ địa cách mạng, trung tâm an toàn khu kháng chiến góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Đây là mảnh đất có lịch sử rất phong phú, từ góc độ văn hóa chúng ta có thể thấy Thái Nguyên hội đủ các tiềm năng để khai thác ở lĩnh vực này để phát triển”.

Nhìn lại thành tựu của 190 năm hình thành và phát triển, có thể chắc chắn một điều rằng lớp lớp thế hệ người Thái Nguyên có quyền tự hào về một Thái Nguyên-trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc, địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, điểm sáng trong phát triển KT-XH, điểm hẹn văn hoá, nơi hội tụ các giá trị truyền thống – hiện đại đậm đà bản sắc của vùng đất Thái Nguyên.