Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - 85 năm hành trình đổi mới và kiến tạo
Một góc đô thị Thái Nguyên nhìn từ trên cao

Kiên trì với sự nghiệp đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo, từ điều kiện thực tiễn của địa phương, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã xuất phát từ thực tiễn, phát huy dân chủ, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa tăng trưởng kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị. Nhờ đó, qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên tất cả các mặt.

Trong giai đoạn 1991-1996, tỉnh đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới để bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến giai đoạn từ 1997-2015, sau hơn 24 năm tái lập tỉnh, trải qua 5 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ khóa XV đến khóa XIX), Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, một số lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc.

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: “Ngân sách tăng tỷ trọng đầu tư cho quy hoạch, trung ương hỗ trợ nên chúng ta bỏ ra hàng trăm tỷ để làm quy hoạch. So với trước đó thì phải tăng gấp hàng trăm lần. Vì vậy chúng ta mới có được khu công nghiệp Yên Bình, quy hoạch khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK của 3 tỉnh trong đó Thái Nguyên là trung tâm”.

Nhiệm kỳ 2015-2020, với những chủ trương đúng đắn, hiệu quả trên các lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế - xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là tác động do suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19 song 19/19 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.

Nhiều chỉ tiêu mang tính bứt phá và đứng trong tốp đầu các tỉnh trung du, miền núi Phía Bắc. Đáng chú ý, sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - 85 năm hành trình đổi mới và kiến tạo
Thái Nguyên 8 tháng triển khai nghị quyết về chuyển đổi số đã đạt được kết quả rõ nét trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Các đề xuất, báo cáo, kiến nghị để giải quyết các ách tắc, cải cách hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách với các doanh nghiệp rất thiết thực, kịp thời. Đây cũng là những nhân tố làm nên sự lớn mạnh, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên”.

Thắng lợi của nhiệm kỳ 2015-2020, thành công từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, và những thành tựu trong chặng đường cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên bước vào nhiệm kỳ mới với hàng loạt những chủ trương nhạy bén, sáng tạo và mang tầm nhìn.

Minh chứng sinh động là việc ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Sau 8 tháng triển khai, kết quả đạt được là rõ nét trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đồng chí Nguyễn Thế Hoàn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên thì nhấn mạnh: “Thời đại công nghệ 4.0 thì nhiệm vụ trọng tâm của tuổi trẻ Thái Nguyên đó là thúc đẩy việc chuyển đổi số của tỉnh nhà bằng những việc làm cụ thể. Tinh thần của tuổi trẻ Thái Nguyên là luôn xung kích, đồng hành, đi đầu trong mọi hoạt động”.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, năm 2021, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh được đưa vào quy hoạch chung của Quốc gia; các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội được giữ vững; các chỉ số về cải cách hành chính tiếp tục thăng hạng. Thái Nguyên hiện là số ít các tỉnh giữ vững được “vùng xanh” trong phòng, chống dịch bệnh. Các chương trình, đề án, nghị quyết của nhiệm kỳ được thực hiện hiệu quả.

Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư, Chủ tịch UBND TX Phổ Yên cho biết: “Ngay sau khi có nghị quyết số 12 cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, Phổ Yên đã tổ chức truyền tải nội dung, tinh thần nghị quyết đến toàn bộ cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Xây dựng chương trình, đề án theo nghị quyết. Đề án thành lập thành phố Phổ Yên đã hoàn thành. Trên cơ sở, kỳ họp chuyên đề HĐND thông qua thì sẽ báo cáo các bộ, ngành trung ương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên”.

Trong tình hình mới, trước những thách thức mới, với tinh thần “6 dám” từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết Đại hội khóa XX đề ra.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết về những chủ trương chiến lược: “Trong nhiệm kỳ, 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định 3 đột phá chiến lược của Trung ương gắn với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 5 định hướng lớn gồm: Thứ nhất, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía nam của tỉnh. Ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, gắn kết với sự phát triển của vùng thủ đô Hà Nội. Thứ hai, cần chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong từng lĩnh vực để làm tiền đề, làm cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ ba, cần nâng cao năng lực của bộ máy hành chính các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thứ 4, quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương và thu hút, phát huy lợi thế, thành quả và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thứ năm, đặc biệt, quan tâm đến chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

85 năm là chặng đường nhiều cam go, thử thách, nhưng cũng rất vinh quang dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Niềm tự hào ấy của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã và đang bồi đắp niềm tin về con đường phía trước, nhân lên bản lĩnh, trí tuệ, lan tỏa thành tựu và quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.